27/03/2015 - 16:22

Nỗ lực thoát vùng trũng

Để đưa ĐBSCL nhanh chóng thoát khỏi vị trí "vùng trũng" về giáo dục, việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí là một trọng trách mà ngành giáo dục toàn đồng bằng đang tập trung nỗ lực thực hiện. Bên cạnh việc phát huy tối đa vai trò của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung học chuyên nghiệp (THCN) trong khu vực ĐBSCL để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1033/QĐ/TTg về phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, cung cấp nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL... Qua 3 năm thực hiện, mục tiêu của quyết định từng bước được khẳng định và đáng được ghi nhận...

* ĐIỂM SÁNG CUNG CẤP NGUỒN NHÂN LỰC ĐBSCL

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện nay vùng ĐBSCL có 17 trường ĐH, 25 trường CĐ, 1 phân hiệu Trường ĐH Bình Dương tại Cà Mau; 30 trường THCN. Bên cạnh đó, khu vực ĐBSCL còn 4 dự án thành lập trường ĐH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như: Trường ĐH MeKong (tư thục) tại tỉnh Long An; Trường ĐH ĐBSCL (tư thục) tại TP Cần Thơ; ĐH Nam Việt (tư thục) tại tỉnh Sóc Trăng; ĐH KT-KT Hàng Hải (tư thục) tại tỉnh Bến Tre... Các dự án này đã được địa phương quy hoạch và bố trí địa điểm xây dựng.

Trong 42 trường ĐH, CĐ của vùng có tổng số 7.389 giảng viên cơ hữu, trong đó giảng viên giảng dạy trong trường ĐH là 5.134 giảng viên, 2.255 giảng viên CĐ. Số giảng viên có trình độ sau ĐH là 3.896 người, chiếm tỷ lệ 52,7% so với tổng số giảng viên ĐH, CĐ của vùng. Hiện nay, quy mô đào tạo ĐH, CĐ, THCN của các trường khoảng 157.000 sinh viên, học sinh, gồm: 72.516 sinh viên ĐH, 42.237 sinh viên CĐ hệ chính quy và 42.251 học sinh THCN chính quy. Quy mô đào tạo sau đại học là 4.260 học viên (trong đó cao học là 4.026 và 234 nghiên cứu sinh). Trường ĐH Cần Thơ là đơn vị đào tạo ĐH lớn nhất trong vùng, gồm 14 khoa, 3 viện nghiên cứu, 7 đơn vị trực thuộc và 12 phòng, ban chức năng đảm nhận đào tạo 93 chuyên ngành bậc đại học, 33 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 15 chuyên ngành trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo ĐH hiện nay trên 55.000 sinh viên; sau ĐH gần 4.000 học viên... Hằng năm, nhà trường trao bằng tốt nghiệp hàng ngàn sinh viên, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Trường luôn chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm cả hệ đào tạo bậc ĐH và sau ĐH. Hiện nhà trường có trên 77% giảng viên có trình độ sau ĐH nên thuận lợi trong việc truyền thụ kiến thức, phương pháp nghiên cứu... cho sinh viên, học viên. Nhờ vậy, hằng năm chất lượng đào tạo ĐH, sau ĐH của trường được đảm bảo, ngày càng nâng cao hiệu quả".

Ban Giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Xây dựng (liên kết đào tạo) vừa trao bằng thạc sĩ ngành Xây dựng cho 41 học viên cao học, góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL.

Dự kiến, đầu tháng 4-2015, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức lễ tốt nghiệp đợt 1 cho gần 2.500 sinh viên thuộc các khoa: Thủy sản, Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Kinh tế - quản trị kinh doanh, Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Công nghệ, Khoa học và xã hội nhân văn. Trong đó, trên 80% sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, giỏi, khá. Nguồn nhân lực này sẽ góp phần đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của khu vực ĐBSCL và cả nước.

* ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN VÙNG

Quyết định 1033/QĐ/TTg ngày 30-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015, đã được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện. Cụ thể, cho phép các trường ĐH trong vùng tuyển sinh đào tạo theo hình thức cử tuyển, xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đồng thời cho phép các Trường ĐH ngoài khu vực Tây Nam Bộ liên kết với trường đủ điều kiện trong vùng để đào tạo. Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: "Quyết định này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng ĐBSCL và cả nước. Đồng thời, việc đào tạo trên cũng cung cấp nguồn nhân lực phù hợp cho các ngành kinh tế, xã hội mà địa phương đang có nhu cầu phát triển, nhằm phát huy hiệu quả thế mạnh của vùng ĐBSCL".

Qua 3 năm thực hiện quyết định trên, ngoài chỉ tiêu tuyển sinh chính thức, các trường ĐH, CĐ, THCN trong vùng còn đào tạo 4.409 sinh viên thuộc hệ cử tuyển, xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Trong đó: cử tuyển: 697 sinh viên; xét tuyển: 1.532 sinh viên; đào tạo sau đại học: 2.180 sinh viên. Riêng sinh viên đào tạo theo hệ cử tuyển chỉ áp dụng cho 22 huyện biên giới, hải đảo, huyện khó khăn của khu vực ĐBSCL. Từ năm 2012 đến nay, toàn vùng đã cử được 697 học sinh, sinh viên vào các cấp học: ĐH 547 sinh viên (chiếm tỷ lệ 78,47%), CĐ 50 sinh viên (chiểm tỷ lệ 7,17%); THCN 100 sinh viên (chiếm tỷ lệ 14,34%).

ĐH Y Dược Cần Thơ là một trong những trường đào tạo sinh viên theo hệ xét tuyển được tín nhiệm cao của các cấp, các ngành, phụ huynh và sinh viên. Hiện nhà trường đào tạo 459 sinh viên thuộc các ngành: Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ y học cổ truyền, Dược ĐH, Cử nhân điều dưỡng. Ngoài ra, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ còn đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho các tỉnh, thành trong vùng, với tổng số 1.574 sinh viên, gồm các ngành: Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ y học cổ truyền, Dược ĐH, Bác sĩ răng hàm mặt, xét nghiệm, y tế dự phòng. GS.TS PhạmVăn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: "Điểm xét tuyển sinh viên thuộc các hệ đào tạo trên vẫn cao, chỉ thấp hơn sinh viên tuyển sinh chính thức của trường từ 1 đến 2 điểm. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, các em học tập rất chăm chỉ và học lực không thua sinh viên chính thức của trường. Nhà trường áp dụng chương trình đào tạo, nghiên cứu, thực tập... cho các em như chương trình đào tạo khóa chính thức. Thời gian qua, nhiều sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc đều được xét nhận học bổng của trường, các tổ chức xã hội...".

* TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chương trình đào tạo trên đã giúp cho các địa phương trong khu vực ĐBSCL chủ động được nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng tỉnh, thành. Đặc biệt, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực Tây Nam Bộ, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đến năm 2020 phải đạt 450 sinh viên/vạn dân.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu trên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thường xuyên hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, các tỉnh, thành trong việc giao chỉ tiêu đào tạo hằng năm; lập kế hoạch phối hợp thực hiện đào tạo lâu dài với các Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh (đào tạo giai đoạn 2014-2020), ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2011-2016)... Gần đây, trong buổi hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ" của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đánh giá: "Các ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng do trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đào tạo góp phần quan trọng và đáp ứng nhu cầu hiện nay của vùng về công tác lập quy hoạch quản lý dự án đầu tư, giám sát thi công, quản lý mỹ quan và nâng cấp các đô thị ở vùng ĐBSCL...".

Tuy nhiên, để nâng cao nguồn nhân lực ĐBSCL và hiệu quả thực hiện Quyết định 1033/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng thời gian tới, việc thực hiện chính sách cử tuyển nên hướng đến việc xét các đối tượng không đỗ ĐH nhưng có số điểm cao; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định chỉ tiêu tuyển sinh trong chính sách đặc thù được tính trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ được giao hằng năm, tránh trường hợp các trường nhận sinh viên vượt quá khả năng đào tạo của mình; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cho phép tiếp tục đào tạo bác sĩ liên thông hệ tập trung để có nguồn cán bộ y tế bổ sung cho cơ sở phục tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên... Đồng thời, để các chủ trương về phát triển giáo dục đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị các địa phương, các trường THPT tăng cường tuyên truyền để học sinh, phụ huynh nắm được thông tin và đăng ký cho con em mình theo học các ngành đào tạo thuộc các hệ đào tạo trên khi đủ điều kiện...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết