31/03/2016 - 08:44

PGS.TS HÀ THANH TOÀN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

NỖ LỰC PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

 

Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tròn 50 tuổi, khoảng thời gian đủ dài để tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường tự hào với nhiều thành tựu vẻ vang trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học… Nhân kỷ niệm ngày thành lập trường, phấn khởi và tự hào với hành trình xây dựng và phát triển, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết:

- ĐBSCL rộng lớn, đông dân, giàu tài nguyên thiên nhiên nên cần thiết có cơ sở giáo dục - khoa học tầm cỡ để phát triển những tiềm năng to lớn. Ngày 31-3-1966, trường ĐH đầu tiên miền Tây thành lập, mang tên Viện ĐHCT; Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là Viện trưởng đầu tiên. Khi đó, Viện ĐHCT có 4 khoa gồm: Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa, Sư phạm (có Trường Trung học Kiểu mẫu); với quy mô đào tạo gần 1.000 sinh viên. Khoảng 10 năm (1966-1975) hoạt động, Viện ĐHCT khai sáng hướng đi mới trong lịch sử giáo dục - đào tạo ĐBSCL, bởi lãnh đạo Viện thực hiện giáo dục ĐH theo hình thức tín chỉ tiên tiến các nước phương Tây đang áp dụng. Với hoạt động này, Viện ĐHCT trở thành ĐH đầu tiên ở Việt Nam giảng dạy theo hình thức tín chỉ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao toàn vùng.

* Sau năm 1975, khi đổi tên, Trường ĐHCT phải đối mặt và giải quyết khó khăn ra sao, thưa Phó Giáo sư - Tiến sĩ?

- Trường gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận; nhất là thiếu hụt nguồn cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt khéo léo của thầy Phạm Sơn Khai, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nhà trường nhanh chóng ổn định tổ chức và tăng cường mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của vùng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Giai đoạn này, nhiều thầy cô trẻ đến từ nhiều trường ĐH trên cả nước tình nguyện "Nam tiến" hỗ trợ Trường ĐHCT cùng với các thầy cô tại chỗ kiên trì bám trụ..., từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng và phát triển trường thành một trong 19 trường ĐH trọng điểm của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Còn nhớ năm 1979, dịch rầy nâu bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Cán bộ và sinh viên trường tạm ngưng dạy và học để tập trung đưa giống mới kháng rầy đến các địa phương, cùng nông dân đem lại những vụ mùa bội thu, góp phần giải quyết vấn đề lương thực cả nước; trở thành dấu ấn lớn giai đoạn này. Với phương châm: "Học đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học gắn liền với sản xuất và đời sống", thầy trò trường không chỉ dạy và học trong khuôn viên, mà còn nghiên cứu khoa học trên đồng ruộng hay tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường…

Giờ học thực hành của thầy trò Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: B.NG

* Phó Giáo sư - Tiến sĩ có thể thông tin thêm về thành tựu nổi bật của trường qua 50 năm phát triển?

- Trường ĐHCT hiện có 16 khoa, 3 viện và 18 trung tâm, 15 phòng, ban chức năng; với hơn 60.000 sinh viên, học viên các bậc, hệ đào tạo (trong đó trên 32.200 sinh viên chính quy ở 96 chuyên ngành ĐH). Trường có hơn 2.000 cán bộ, viên chức và lao động (5 giáo sư, 110 phó giáo sư, 319 tiến sĩ). 50 năm qua, Trường ĐHCT tự hào là nơi cung cấp hơn 140.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL và cả nước. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trường chủ trì và tham gia thực hiện hiệu quả nhiều đề tài, dự án các cấp. Từ năm 2006 đến nay, doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường trên 316 tỉ đồng. Quan trọng hơn, trường đã đưa vào áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, phòng, chống dịch bệnh cây lúa; sinh sản nhân tạo một số giống cá cũng như nhiều mô hình nông - lâm- thủy sản, mang lại hiệu quả sản xuất cao cho người dân. Đặc biệt Chương trình nghiên cứu tôm - artémia góp phần cải thiện đời sống dân nghèo ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu; hay chương trình nghiên cứu cây lúa và hệ thống canh tác, lai tạo và tuyển chọn giống lúa kháng rầy, năng suất cao và các hệ thống canh tác thích hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo trong vùng. Các chương trình nghiên cứu quy trình sản xuất và nuôi các giống tôm, cá nước ngọt (sinh sản nhân tạo giống cá tra, cá basa), mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần đưa sản lượng xuất khẩu thủy sản ĐBSCL đứng đầu cả nước.

* Phó Giáo sư - Tiến sĩ đánh giá thế nào về lĩnh vực hợp tác quốc tế, vốn là thế mạnh của trường?

- Trường ĐHCT phát triển như hôm nay, vai trò hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Qua đó, trường có điều kiện mở rộng và nâng tầm hoạt động các mặt như: quản lý, quy hoạch, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ giảng dạy, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, từng bước nâng cấp và bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành của trường. 20 năm gần đây, các dự án hợp tác quốc tế đóng góp cho trường trên 70 triệu USD và trường đang ký kết hợp tác với hơn 120 viện, trường và tổ chức quốc tế. Dấu ấn hợp tác quốc tế có thể minh chứng bằng hình ảnh các tòa nhà trong khuôn viên trường như: Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (do Hà Lan tài trợ), Trung tâm Học liệu (do Tổ chức Atlantic Philanthropy- Úc tài trợ), Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, Khoa Khoa học tự nhiên (do Bỉ tài trợ),… Trường tạo dựng mối quan hệ hợp tác tốt với các đối tác trong việc triển khai Chương trình Mekong 1000 để đào tạo nguồn lực chất lượng cho ĐBSCL (đến nay đào tạo 575 thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước tiên tiến). Tham gia Mạng lưới Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN), trường tổ chức đánh giá nhiều chương trình, trong đó có 3 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA.

* Trường ĐHCT phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2022 sẽ nằm trong tốp 200 trường chất lượng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Để đạt được mục tiêu này, trường có giải pháp gì?

- Trường sẽ tập trung cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân vùng ĐBSCL. Theo đó, trường xác định thực hiện các giải pháp như: Kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, giảng viên; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu và mở rộng ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội và nhất là xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, thu hút sinh viên quốc tế. Đồng thời trường, triển khai các lĩnh vực nghiên cứu gắn với nhu cầu xã hội, chương trình nghiên cứu có tính liên kết vùng, đa ngành nghề, nghiên cứu tổng hợp về kinh tế - xã hội, giáo dục, biến đổi khí hậu…; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành và mở rộng hợp tác quốc tế. Cụ thể, trường tập trung nguồn lực đầu tư Dự án "Nâng cấp Trường ĐHCT thành trường ĐH xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ" bằng nguồn vốn ODA, với tổng kinh phí 105 triệu USD. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế, trường hiểu rằng cần nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố, xây dựng vững mạnh nguồn nhân lực, vật lực, tạo uy tín trong nhân dân và đối tác quốc tế, nền tảng để trường vươn xa trong nền kinh tế tri thức. Tất nhiên, ngoài nỗ lực của bản thân, trường ĐHCT rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương…, giúp trường phát triển toàn diện, để tương lai không xa, trở thành trường ĐH đẳng cấp khu vực và quốc tế.

* Xin cảm ơn Phó Giáo sư - Tiến sĩ!

Bích Ngọc (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết