31/12/2008 - 20:21

Công nghiệp TP Cần Thơ

Nỗ lực phát huy vai trò trung tâm vùng ĐBSCL

Chế tạo sản phẩm ở phân xưởng cơ khí (cơ sở cơ khí Trung Việt - khu CN - TTCN Cái Sơn - Hàng Bàng).
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Trong 5 năm đầu (2004-2008) trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ có bước phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành công nghiệp không chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân 22,74%/năm, mà còn tạo tiền đề để tăng trưởng nhanh trong các năm tiếp theo…

* TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN

Đầu năm 2008, Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Sông Hậu đầu tư hơn 2 tỉ đồng để trang bị lò điện cảm ứng (công suất 1 tấn gang/mẻ) và hệ thống cung cấp điện, nước phục vụ cho nhu cầu nấu gang để thay thế lò sử dụng dầu làm chất đốt mà doanh nghiệp đã sử dụng trong nhiều năm qua. Nhờ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất khi giá nhiên liệu tăng mạnh vào giữa năm 2008, đồng thời ổn định chất lượng sản phẩm (các loại sơ mi - xy lanh). Ông Tăng Hồng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Sông Hậu, nói: “Chúng tôi luôn ưu tiên vốn để đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại và đào tạo nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động. Nhờ đó, chúng tôi ổn định sản xuất trước áp lực suy giảm kinh tế toàn cầu như hiện nay, các sản phẩm sơ mi - xy lanh của chúng tôi vẫn được khách hàng tin dùng trước áp lực phải cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Trước đây, Công ty Vận tải thủy Cần Thơ chỉ có khả năng đóng mới và sửa chữa các loại tàu sông có tải trọng vài trăm tấn. Đến nay, doanh nghiệp này đã chuyển đổi thành Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy và vận tải Cần Thơ với khả năng thiết kế, đóng mới và sửa chữa các tàu sông, tàu biển có tải trọng đến 6.800 tấn... Sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp đã tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp ngành công nghiệp Cần Thơ giai đoạn 2004-2008 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,74%/năm. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ trong năm 2008 ước đạt 15.160 tỉ đồng, tăng gấp 2,27 lần so với năm 2004-năm đầu tiên TP Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cách đây 5 năm, huyện Thốt Nốt chưa có khu công nghiệp (KCN) thì nay địa phương này có KCN rộng 100 ha đã lấp đầy 50ha và đang tính đến chuyện mở rộng KCN lên 1.000 ha. Nhìn lại quá trình phát triển công nghiệp ở địa phương trong 5 năm qua, ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt, cho rằng công nghiệp ở địa bàn huyện phát triển nhanh về số lượng và qui mô. Trong đó, nổi bật nhất là các ngành xay xát, cơ khí và xây dựng có bước phát triển rất nhanh. Trước đây, ngành cơ khí ở Thốt Nốt chủ yếu là đóng thùng suốt và sửa chữa nhỏ, đến nay đã vươn lên chế tạo máy gặt đập liên hợp phục vụ cho vùng ĐBSCL, đóng mới thùng xe tải với các yêu cầu kỹ thuật cao hoặc xây các nhà kho có sức chứa đến hàng ngàn tấn. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với công suất lớn đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Cùng thời gian này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã mạnh dạn đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ hiện đại để giảm tỷ lệ hao hụt và nâng cao chất lượng gạo trong quá trình chế biến. Chỉ tính riêng 5 nhà máy chế biến thủy sản, 10 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc và một cơ sở may công nghiệp đang hoạt động ở địa bàn huyện Thốt Nốt đã tạo ra hơn 10.000 việc làm cho người lao động ở địa phương.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các KCN và chế xuất Cần Thơ, cho rằng thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực công nghiệp Cần Thơ trong 5 năm vừa qua là kết quả thu hút đầu tư đạt rất cao. Trong vòng 2 năm (2007-2008), các KCN Cần Thơ thu hút được hơn 800 triệu USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm hơn 50% so tổng vốn đầu tư mà các KCN Cần Thơ thu hút được từ năm 1994 đến nay. TP Cần Thơ chỉ mất 2 năm (2007-2008) để xây dựng và cho thuê hết đất KCN Trà Nóc II (qui mô 165 ha) trong khi đó KCN Trà Nóc I (rộng 135 ha) dù đã có quyết định thành lập từ năm 1994 nhưng mãi đến năm 2007 mới cho thuê hết đất.

Trong những ngày cuối năm 2008, tổ máy số 1 (công suất 330MW) của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn) đã cơ bản hoàn tất việc vận hành nghiệm thu và sẵn sàng hoạt động chính thức vào đầu năm 2009. Ngoài tổ máy nói trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ cũng đã cơ bản hoàn tất việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cả Trung tâm Điện lực Ô Môn với công suất 2.800MW. Những chuyển động của Trung tâm Điện lực Ô Môn, trung tâm điện lực lớn nhất khu vực ĐBSCL, là cơ hội bổ sung thêm nguồn năng lượng cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa bàn TP Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước. Năm 2008, UBND TP Cần Thơ cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu tại Cần Thơ (công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm), khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hàng chục ngàn tỉ đồng/năm. Ngoài những công trình trọng điểm nói trên, công trình xây dựng cầu Cần Thơ sắp hoàn thành, sân bay Cần Thơ đưa vào hoạt động thương mại, dự án xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn ra –vào sông Hậu qua kênh tắt Quan Chánh Bố sắp được khởi công xây dựng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy công nghiệp TP Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

* NHỮNG HẠN CHẾ CẦN SỚM KHẮC PHỤC

Trong 5 năm qua, ngành công nghiệp Thốt Nốt có bước phát triển nhanh. Tuy vậy, ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt, thẳng thắn nhìn nhận ngành sản xuất công nghiệp ở địa phương chỉ mới trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản nên tính bền vững chưa cao. Chẳng hạn, khi hàng nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ hoặc gặp mất mùa thì giá trị sản xuất của ngành công nghiệp sẽ tuột dốc rất nhanh. Ông Nguyễn Minh Toại nói: “Khi công nghiệp huyện Thốt Nốt và các quận, huyện khác phát triển mạnh thì ngành công nghiệp TP Cần Thơ mới mạnh và thể hiện được vai trò trung tâm phát triển công nghiệp của vùng ĐBSCL. Thời gian tới, chúng tôi quyết tâm xây dựng và phát triển mạnh KCN của huyện Thốt Nốt mang tầm vóc KCN của vùng ĐBSCL. Trong thu hút đầu tư, chúng tôi sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án thân thiện với môi trường và có công nghệ hiện đại”.

Công tác dự báo về khả năng thu hút đầu tư và việc xây dựng hạ tầng các KCN trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, KCN Trà Nóc I và II đã cho thuê hết đất. Do đó, năm 2009-2010 được dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm thuê đất ở các KCN Hưng Phú I và II để khai thác các lợi thế do các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia (sân bay Cần Thơ, cầu Cần Thơ, luồng Định An...) mang lại. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các KCN Hưng Phú còn rất chậm và có khả năng “bị lỡ dịp” trong thu hút đầu tư. Thời gian qua, các KCN ở địa bàn TP Cần Thơ dù đã thu hút được 1,37 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư, nhưng các nhà đầu tư chỉ mới đầu tư 412 triệu USD, chỉ bằng 30% so tổng vốn đăng ký đầu tư. Mặt khác, các KCN Cần Thơ chưa thu hút được các dự án có hàm lượng kỹ thuật cao như sản xuất thiết bị điện, điện tử, bưu chính viễn thông. Để khắc phục tình trạng trên, ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, cơ quan này cùng các cơ quan chức năng của thành phố vừa có các đợt xúc tiến đầu tư ở nước ngoài để tìm kiếm đối tác xây dựng một KCN chuyên về cơ khí chế tạo.

Một thách thức khác mà ngành công nghiệp TP Cần Thơ đang đối mặt đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nước do các khu, cụm công nghiệp thải ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do các KCN trên địa bàn thành phố đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thành phố đều có quy mô vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để TP Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng ĐBSCL, thành phố cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực, kịp thời ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh. Mặt khác, TP Cần Thơ cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL nhằm khai thác, phát huy các lợi thế phát triển của vùng.

NHẬT CHÁNH

Chế tạo sản phẩm ở phân xưởng cơ khí (cơ sở cơ khí Trung Việt - khu CN - TTCN Cái Sơn - Hàng Bàng). Ảnh: ĐỖ

Chia sẻ bài viết