19/06/2024 - 19:41

Nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống 

Định hướng trở thành trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) của vùng ĐBSCL, những năm qua, hoạt động nghiên cứu KH&CN của TP Cần Thơ được đẩy mạnh. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết phục vụ sản xuất, công nghệ mới giúp nâng cao giá trị, chất lượng các sản phẩm chủ lực; nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nhiều kết quả nổi bật

Theo Sở KH&CN TP Cần Thơ, năm 2023, thành phố triển khai mới 14 nhiệm vụ KH&CN, nghiệm thu 10 nhiệm vụ KH&CN. Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: "Hằng năm, ngành KH&CN luôn bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từ đó lựa chọn, đặt hàng các viện trường, nhà khoa học khu vực ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh tham gia thực hiện. Những năm gần đây, các đề tài nghiên cứu KH&CN của thành phố đặt trọng tâm là phải triển khai các đề tài mang tính ứng dụng và yêu cầu các đề tài phải làm được mô hình ứng dụng trong thực tiễn. Nhờ đó, khoảng 70-80% đề tài sau khi nghiệm thu đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn".

Quy trình chiết xuất cao từ cây rau càng cua.

Từ định hướng này, thành phố có nhiều đề tài, dự án thu được kết quả nổi bật có thể kể đến như đề tài "Xác định hoạt tính chống oxy hóa và kháng nấm của lúa non để làm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm chăm sóc da"; dự án "Hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm từ dâu Hạ Châu"; dự án "Xây dựng mô hình sàng lọc, chẩn đoán sớm và can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn TP Cần Thơ"; đề tài "Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học hướng kháng khuẩn, kháng nấm và chống oxy hóa của cây càng cua"... 

Đề tài "Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học hướng kháng khuẩn, kháng nấm và chống oxy hóa của cây càng cua" do bà Nguyễn Thị Tố Uyên làm chủ nhiệm  được Hội đồng nghiệm thu đánh giá, xếp loại xuất sắc. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, cho biết: "Xuất phát của đề tài là từ thực tế Việt Nam vẫn chưa có công trình nghiên cứu giải trình tự của cây càng cua cũng như các phương pháp phân tích, đánh giá giá trị dược tính của loại rau dân dã này. Sau 18 tháng triển khai, Đề tài đã đạt được các mục tiêu quan trọng như thu thập mẫu cây càng cua và định danh kết hợp chỉ thị DNA; khảo sát thành phần hóa học và đánh giá tác dụng sinh học của cao chiết; xây dựng quy trình chiết xuất cao có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống oxy hóa; tiêu chuẩn hóa nguyên liệu và bán thành phẩm của cao chiết. Kết quả của nghiên cứu sẽ phục vụ cho các công tác bảo tồn, nghiên cứu dược tính của cây càng cua phục vụ sức khỏe người dân; tiêu chuẩn và quy trình chiết cao được ứng dụng tại cơ quan chủ trì và được chuyển giao cho các công ty, tổ chức có nhu cầu nhận chuyển giao".

Ngoài ra, dự án "Hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm từ dâu Hạ Châu" đã phân tích một số thành phần đặc trưng của trái dâu; chọn được điều kiện xử lý thích hợp cho nguyên liệu dâu Hạ Châu giúp ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; hoàn thiện được 3 quy trình: quy trình sản xuất nước ép dâu Hạ Châu, quy trình sản xuất nước dâu Hạ Châu có gas, quy trình sản xuất nước dâu Hạ Châu cô đặc có đường. Dự án "Xây dựng mô hình sàng lọc, chẩn đoán sớm và can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn TP Cần Thơ" tập huấn cho 502 giáo viên tại 196 cơ sở giáo dục mầm non về cách can thiệp chuyên sâu cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ có khả năng hòa nhập cộng đồng; thăm khám 5.827 trẻ từ 18-36 tháng tuổi; can thiệp cho 40 trẻ rối loạn phổ tự kỷ trong 12 tháng, đánh giá hiệu quả sau một năm can thiệp bằng các công cụ đo lường chuẩn; qua thăm khám ghi nhận tỷ lệ trẻ tự kỷ chiếm 1,59% và đa số trẻ ở mức trung bình; kết quả can thiệp cho thấy hiệu quả rất tích cực cho trẻ... 

Đi vào chiều sâu

Chia sẻ về định hướng nghiên cứu tiếp theo đối với đề tài mang tính mở, nhiều triển vọng, bà Nguyễn Thị Tố Uyên cho biết: "Ngoài kết quả nổi bật là việc công bố trình tự gen của cây rau càng cua lên ngân hàng gen thế giới nhằm khẳng định bản quyền gen của loại thực vật cây càng cua của Việt Nam, chúng tôi còn phát hiện thành phần hóa học trong cao chiết cây rau càng cua có tính kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa, chống tia UV. Đây là những phát hiện mới của nhóm nghiên cứu, mở ra hướng nghiên cứu đề xuất giai đoạn tiếp theo là ứng dụng trong mỹ phẩm, sát khuẩn da...".

Theo Sở KH&CN TP Cần Thơ, năm 2024, Cần Thơ tập trung triển khai các nhiệm vụ  KH&CN cấp thành phố theo hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ ưu tiên, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo, công nghệ chế biến, công nghệ vật liệu mới,…) trong các lĩnh vực nuôi trồng nông nghiệp và thủy sản, y sinh, năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng và các lĩnh vực có liên quan. Đồng thời, nghiên cứu lý luận và thực tiễn toàn diện ở các trụ cột chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường nhằm cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ phát triển bền vững ở các khía cạnh nghiên cứu đổi mới thể chế chính sách, đề xuất giải pháp, dự báo định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn… Chỉ tính riêng trong tháng 5-2024, ngành KH&CN tổ chức hội đồng tư vấn, tuyển chọn, giao tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện 7 nhiệm vụ KH&CN; thẩm định kinh phí 2 nhiệm vụ KH&CN; ký kết hợp đồng thực hiện 2 nhiệm vụ KH&CN; đánh giá giữa kỳ 1 nhiệm vụ KH&CN…

Ông Ngô Anh Tín, nhấn mạnh: "Năm 2024, ngành KH&CN huy động, phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tư vấn, tham mưu UBND thành phố danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố năm 2025; tổ chức tuyển chọn/giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, theo dõi, phối hợp với tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN, cơ quan ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ triển khai ứng dụng, báo cáo tình hình ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn mới, ngành KH&CN tiếp tục các mô hình ứng dụng pha 2, đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất thực tiễn. Thành phố sẽ hỗ trợ, tư vấn các dự án, đề tài phát triển theo hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết