07/09/2020 - 10:00

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, tháng 8-2020 tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) TP Cần Thơ cũng bắt đầu chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Bước đầu, thành phố ghi nhận được những kết quả khả quan: các ngành, lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và đạt mức gần tương đương cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường tìm kiếm khách hàng và đối tác kinh doanh mới, góp phần khôi phục sản xuất. Hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định, an toàn, nợ xấu ở mức thấp. Công tác giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đạt yêu cầu đề ra… 

Đại diện Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An giới thiệu sản phẩm gạo sạch đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

►Kết quả khả quan

Ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở KH&ÐT TP Cần Thơ, cho biết: "Khi dịch bệnh COVID-19 trở lại, từ cuối tháng 7 đến nay, UBND TP Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo, phòng, chống dịch COVID-19, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thành phố tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH bằng những giải pháp chủ động, kịp thời kiểm soát thị trường, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện trở lại".

Tháng 8-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn thành phố ước tăng 0,91% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng năm 2020, IIP đạt 97,36% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,12% so với tháng trước; tăng 2,34% so với cùng kỳ; bình quân 8 tháng năm 2020, CPI tăng 3,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước thực hiện 645,586 tỉ đồng, tăng 0,35% so với tháng 7, lũy kế 8 tháng ước thực hiện 88.365,677 tỉ đồng, đạt 60,29% kế hoạch và bằng 99,28% so cùng kỳ 2019.

Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 161,75 triệu USD, tăng gần 1% so tháng trước, lũy kế 8 tháng ước thực hiện 1.367,78 triệu USD, đạt 39,65% kế hoạch và bằng 94,84% so với cùng kỳ… Sản xuất nông nghiệp trong tháng gặp nhiều thuận lợi, lúa thu đông đã xuống giống được 68.720ha, vượt 16% so với kế hoạch; giá lúa dao động ở mức cao, tăng lợi nhuận cho nông dân. Công tác giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đạt những kết quả khả quan; tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

►Tập trung khắc phục khó khăn

Mới đây, cuối tháng 8-2020, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) vừa xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên vào Liên minh châu Âu (EU) theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Lô hàng khoảng 150 tấn gạo được xuất khẩu sang EU đợt này là sản phẩm nằm trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn sang thị trường EU của công ty. Ðồng thời sản phẩm xuất khẩu là gạo thơm ST20 và Jasmine giao cho 3 khách hàng, trong đó có 2 khách hàng ở nước Ðức và 1 khách hàng ở nước Pháp. Hai chủng loại gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn. So với trước khi EVFTA có hiệu lực (1-8-2020), gạo Jasmine chỉ có giá 520 USD/tấn, gạo ST20 giá 800 USD/tấn. Với lô hàng gạo của doanh nghiệp tại TP Cần Thơ chính thức xuất khẩu vào thị trường EU lần này đã cho thấy nỗ lực doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời tiếp tục khẳng định gạo tại địa phương đạt chất lượng cao và sẽ tạo thêm động lực kích hoạt thị trường các nước nhập khẩu gạo Việt Nam sắp tới...

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, trong tháng 8 và 8 tháng qua, TP Cần Thơ có những hạn chế, khó khăn cần tập trung khắc phục trong những tháng cuối năm 2020, như: tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động kích cầu du lịch gặp nhiều khó khăn, chỉ tiêu tăng số lượt khách đến còn hạn chế; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ trong nước chậm và ít nên giá cả một số loại nông sản giảm, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bị thiếu, chi phí tăng; thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, doanh nghiệp thiếu đơn đặt hàng, nhất là sản xuất và xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng nặng; tình hình liên kết tiêu thụ nông sản giữa nông dân, các hợp tác xã với doanh nghiệp bị gián đoạn làm cho tình hình sản xuất và tiêu thụ thêm khó khăn hơn...

Trong những tháng cuối năm 2020, thành phố đưa ra kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tìm kiếm nguồn vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất hoạt động, chất lượng sản phẩm thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị. Tổ chức quản lý tốt địa bàn, nắm bắt và phản ánh kịp thời diễn biến thị trường để có giải pháp xử lý kịp thời đối với các biến động giá bất thường của các mặt hàng thiết yếu, các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp báo cáo, thực hiện lưu trữ kho gạo theo quy định. Thực hiện phương án điều tiết kịp thời, bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 song song với hỗ trợ kích cầu, khôi phục ngành du lịch và doanh nghiệp đăng ký tiêu chí du lịch an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19...

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8-2020 của UBND TP Cần Thơ vừa qua, đồng chí Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan; bình tĩnh, chủ động ứng phó mọi tình huống, quyết tâm không để dịch bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Tập trung công tác tuyên truyền và xây dựng kế hoạch phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, chú trọng bồi dưỡng nguồn thu, kiểm soát chi ngân sách nhà nước chặt chẽ đúng quy định, tiết kiệm chi, chống lãng phí… Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương phải nghiêm túc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn các năm trước chuyển sang; tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết