25/02/2013 - 21:54

Nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra

Tiết học Địa lý của cô trò Trường THCS
An Hòa 1.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều là một trong những đơn vị tổ chức nhiều chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá tích cực và hiệu quả. Việc đổi mới này đã phát huy hơn nữa tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, quan trọng hơn là phục vụ đắc lực cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Trước đây phấn trắng bảng đen và giáo án viết tay là những công cụ phổ biến trong dạy học. Ngày nay, việc dạy còn có sự phối hợp giữa máy tính xách tay, bảng tương tác và máy chiếu… Hoạt động trong lớp học không chỉ là sự độc diễn của giáo viên với những thuyết trình thao thao bất tuyệt mà còn là sự tương tác tích cực của học sinh. Với tinh thần chung đó, giờ Địa lý của cô trò Trường THCS An Hòa 1, diễn ra khá sôi động, hào hứng. Với cách tổ chức linh hoạt, cô hướng dẫn học sinh tiếp cận kiến thức bài học trong sự độc lập tư duy, sáng tạo. Cô Trần Thị Bích Châu, giáo viên Tổ Sử-Địa Trường THCS An Hòa 1, cho biết: “Qua chuyên đề, chúng tôi tạo cho các em hứng thú học môn Địa lý, để các em không còn quan niệm địa lý là môn học phụ, để lấy điểm. Việc đổi mới đòi hỏi giáo viên phải có quy trình thật vững về phương pháp, kiến thức kỹ năng”. Em Phan Hoàng Khải Anh, học sinh Trường THCS An Hòa 1, nói: “Những tiết học như thế này ngoài tiếp thu bài dễ dàng, chúng em hứng thú khi có những hình ảnh minh họa sinh động”.

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013, Trường THCS An Hòa 1 đăng cai thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá tích cực và hiệu quả ở 2 môn Toán và Địa lý. Để đáp ứng nhu cầu đổi mới, những năm qua Ban giám hiệu nhà trường đã tích cực chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học thông qua công tác bồi dưỡng dự giờ thăm lớp của giáo viên. Đồng thời đổi mới việc sinh hoạt tổ chuyên môn, tăng cường theo hướng trao đổi, thảo luận về các chủ đề, nội dung giảng dạy, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc gặp phải khi giảng dạy… Nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động như thi thí nghiệm thực hành, tự làm và sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên… nhằm khuyến khích giáo viên và học sinh tăng cường và sử dụng hợp lý, khai thác tối đa hiệu năng các thiết bị dạy học. Chính vì thế mà chất lượng dạy học hàng năm tăng cao, như năm học vừa qua (2011-2012) tỷ lệ học sinh giỏi chiếm 26,8%; khá là 35,5%... Trong năm học này, trường có 5 học sinh giỏi cấp quận về thí nghiệm thực hành (trong đó có 2 em được chọn tham gia kỳ thi cấp thành phố).

Xác định việc kiểm tra, đánh giá là khâu cuối cùng của quá trình dạy học, có vai trò quan trọng nên nhà trường chú trọng đến công tác này. Theo đó, thực hiện nghiêm túc các hình thức kiểm tra, phối hợp kiểm tra viết với kiểm tra thực hành, kết hợp kiểm tra tự luận với kiểm tra trắc nghiệm. Đổi mới cách ra đề theo hướng người học hiểu bài, biết vận dụng kiến thức trong bài làm, hạn chế lối học vẹt, ghi nhớ máy móc... Cô Phạm Thị Tuyết Phương, Giáo viên tổ Toán - Lý, Trường THCS An Hòa 1, phấn khởi: “Việc cải tiến cách thức ra đề về cơ bản đã làm tốt việc đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, góp phần thúc đẩy việc đổi mới dạy học. Các giáo viên thành thạo hơn kỹ năng ra đề, không mắc các lỗi thông thường”.

Là đơn vị thuộc quận trung tâm thành phố, việc thực hiện các chuyên đề đổi mới này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bà Lâm Thanh Liễu, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều, nhấn mạnh: “Mục đích của chuyên đề là chấm dứt lối dạy học đọc chép, tăng cường dạy học phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, dạy theo chuẩn kiến thức và kỹ năng phù hợp với mọi đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng dạy học. Đồng thời, việc thực hiện chuyên đề cũng là nơi cho các đơn vị học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó khơi nguồn sự linh hoạt trong dạy học”.

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết