02/03/2008 - 21:27

Triệt phá đường dây gả bán các cô gái ra nước ngoài

Những thủ đoạn lọc lừa

Những cô gái chân quê vì muốn có được nguồn thu nhập để lo cho gia đình đã trở thành “mồi ngon” cho những đối tượng lừa đảo đội lốt xuất khẩu lao động. Thủ tục đơn giản, không cần tiền thế chân, không cần trình độ, nghề nghiệp... vẫn có thể sang nước ngoài lao động, có thu nhập cao. Những lời ngon ngọt này nhanh chóng chiếm được lòng tin của người lao động và gia đình họ. Lê Thị Kim Hai đã dùng chiêu này để đưa phụ nữ ở những làng quê nghèo xuất ngoại...

Những cô dâu bất đắc dĩ

Thượng tá Đỗ Minh Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội-Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết: Lê Thị Kim Hai (SN 1975, ngụ tại huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) đã bị bắt vì hành vi lừa gạt và bán phụ nữ sang Malaysia. Theo lời khai ban đầu, Hai đã dụ dỗ 14 người ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) và 1 người ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) rồi đưa qua Malaysia gả chồng cho đàn ông nước sở tại nhưng thực chất là bán để lấy tiền tiêu xài...

Dụ dỗ được một số người nhẹ dạ cả tin, Hai làm thủ tục du lịch nước ngoài cho những cô gái này. Ban đầu, Hai đưa những cô gái này sang Bangkok (Thái Lan); ở lại đó vài ngày rồi họ được đưa sang Malaysia. Tại đây, những cô gái này ở nhà gia đình bên chồng của Hai để “chờ ngày đi làm việc ở các nhà máy” - Lê Thị Kim Hai thường nói như vậy với các cô gái. Thực chất, đây là một cái cớ để Hai ràng buộc những người này phải nghe lời. Được khoảng 8-10 ngày, Hai báo với mọi người rằng, công ty chưa có nhu cầu tuyển dụng. Để sớm có tiền gởi về cho gia đình và hoàn trả chi phí cho Hai, những cô gái này phải chịu lấy chồng Malaysia. Ban đầu, nhiều cô gái không đồng ý. Nhưng hoàn cảnh của họ lúc này như “cá nằm trên thớt”. Hai còn dọa nếu đi một thân một mình ra ngoài tìm việc làm dễ bị cảnh sát bắt. Vì tất cả những cô gái này đều chỉ được cấp visa du lịch trong vòng 15 ngày. Giữa đất khách quê người, không có một người quen cũng khó mà sống nổi. Vì vậy, những cô gái này đành nhắm mắt đưa chân làm vợ bất đắc dĩ cho đàn ông bản xứ.

Nói là lấy chồng nhưng thực chất đây là một cuộc mua bán hẳn hoi giữa Hai và những người sẽ là chồng của những cô gái này. Sau mỗi cuộc mua bán, Hai được hưởng khoảng 3.600 - 4.200 USD. Hai cho mỗi người 500 USD gởi về cho gia đình. Những tưởng sẽ êm ấm sau khi lấy chồng nhưng thực tế những cô dâu bất đắc dĩ phải làm việc như những công nhân bình thường ở đồn điền cao su, nhà máy của gia đình chồng; lại phải làm vợ cho người đàn ông đã mua mình. Thù lao được trả là những bữa cơm hằng ngày và những chuyến đi chơi hiếm hoi cùng chồng. Thời gian còn lại, các cô phải làm việc và ở nhà, không được tiếp xúc với bên ngoài.

Cô dâu chạy trốn

Làm việc quần quật, có người phải lao động 12 giờ/ngày, mà không được hưởng lương. Nhiều cô cho rằng mình bị lừa và xin gia đình chồng cấp lương hàng tháng để gởi về gia đình ở quê nhà. Khi đó, gia đình chồng mới đưa cam kết mà Hai đã đại diện ký. Theo cam kết này, mỗi người phải làm việc không công cho gia đình chồng 3 năm. Đau đớn chồng chất, các cô dâu phản ứng dữ dội. Nhưng làm sao kiện cáo vì chính các cô cũng đã vi phạm pháp luật nước sở tại về lưu trú, lại không tiền bạc. Dù vậy, cũng đã có 4 người trong số 15 nạn nhân của Hai đã trốn trở về địa phương. Họ được xem là những người may mắn được trở về an toàn.

Lê Thị Hồng P., ở ấp Vĩnh Lập, xã Hòa Chánh (huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) kể trong nước mắt: “Chị Kim Hai tới nhà kêu má cho em đi Malaysia làm việc. Em nói em không có tiền, không biết tiếng nước ngoài. Chỉ nói mọi chuyện để chỉ lo. Chỉ cần em đồng ý là được. Chị Kim Hai còn hứa, qua bển làm được mỗi tháng 5 triệu đồng...”. Sau khi tới Malaysia, suốt nhiều ngày liền, cô bị nhốt trong nhà. Được vài ngày thì Hai tung “chiêu” công ty không tuyển dụng rồi buộc P. phải lấy một người chồng lớn hơn cô 17 tuổi. “Người đó không bệnh tật gì nhưng thật khó chấp nhận khi biết mình bị bán. Em phải làm như mọi công nhân khác ở đồn điền cao su của gia đình chồng. Một tháng không nhận được đồng nào, em nghĩ là gia đình chồng giữ lại đó. Đến tháng thứ hai, em hỏi tiền để gởi về gia đình mới hay là mình phải làm không công...”. Lúc đó, P. mới biết Hai nói là gởi về cho gia đình cô 40 triệu đồng nhưng thực tế chỉ 500 USD. Còn cô phải ở lại Malaysia lao động vất vả để trừ vào khoản tiền mà Hai đã hưởng.

Đau đớn nhất là Lý Thị Kim H., ở ấp Bần A, xã Hòa Chánh. H. bị gả bán cho một đối tượng nghiện ngập. “Em phải làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày. Có bao nhiêu tiền, hắn đều lấy hết để chích xì-ke. Nhiều lần em phản ứng đều bị hắn đổ xăng lên người dọa đốt em. Sợ quá, em bỏ trốn tìm đường về Việt Nam. Biết là trở về là nhục nhã cho gia đình nhưng dù sao em vẫn thấy an tâm hơn ở xứ người...”, H., vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại những chuỗi ngày khổ đau mà cô phải chịu đựng. Nguyễn Thị Đ., ở ấp Dân Quân, xã Hòa Chánh cũng bị bán vào một gia đình người Malaysia Đ. cũng phải lao động như một công nhân trong cơ sở của gia đình chồng. Khi hay tin cha chết, cô xin về để tang nhưng gia đình chồng từ chối vì sợ cô không quay trở lại. Võ Thị Đ., ở cùng ấp Dân Quân, cũng phải rửa chén cho nhà hàng của gia đình chồng 10-12 giờ/ngày. May mắn hơn những người khác, cô được gia đình chồng trả lương khoảng 800.000 đồng/tháng. Nhưng do bị nhốt trong nhà không cho đi ra ngoài và nhiều ràng buộc khác, cô quyết định bỏ trốn về Việt Nam.

* * *

Khi có 4 người bỏ trốn về Việt Nam, địa phương mới hay biết vụ việc. Ngày 31-1-2008, lực lượng Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh bắt Lê Thị Kim Hai tại ấp Lộc Hòa, xã Lộc Hưng (Trảng Bàng, Tây Ninh). Hai khai nhận đã cấu kết với 2 người ở Malaysia mà Hai tự nhận là gia đình chồng để gả bán những cô gái này kiếm tiền chia nhau.

Thượng tá Đỗ Minh Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội-Công an tỉnh Kiên Giang, cảnh báo: “Các đối tượng lừa đảo hiện nay thường lợi dụng việc xuất khẩu lao động để gạt gẫm các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa ít hiểu biết về pháp luật, chính sách để bán các cô gái sang nước ngoài. Người dân nên cảnh giác. Nếu muốn xuất khẩu lao động thì đến cơ quan chức năng để tìm hiểu và thực hiện theo quy định. Đừng nghe theo những lời ngon ngọt của kẻ xấu mà dẫn đến những đáng tiếc có thể xảy ra như các nạn nhân này...”.

T. NGUYỄN

Chia sẻ bài viết