03/02/2008 - 21:01

Những tấm lòng vàng

Họ là những người sống vì mọi người, luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách” bằng những hành động, việc làm cụ thể. Không chỉ sẵn lòng giúp những người trong cơn hoạn nạn, họ còn chia sẻ những khó khăn, đem hy vọng, niềm vui đến với những người nghèo khó...

Nghĩa cử người Cần Thơ

Các y, bác sĩ và công nhân khẩn trương cấp cứu nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.

Sáng 26-9-2007, sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ đã làm nhói đau hàng chục triệu trái tim nhân dân cả nước. Ngày hôm ấy, mọi người đều tập trung cho công tác cứu hộ. Lực lượng y, bác sĩ ở hầu khắp các bệnh viện trong thành phố có mặt kịp thời cấp cứu nạn nhân. Những người dân không ai bảo ai, người thùng nước suối, người mấy đòn bánh tét, vài cái bánh bao, mấy ổ bánh mì liên tiếp đưa qua hiện trường cho lực lượng cứu hộ. Những lúc “dầu sôi lửa bỏng” như vậy mới thấy rõ tấm lòng tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của bà con Cần Thơ.

Rồi khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Cần Thơ chưa kịp phát động quyên góp, thì hàng trăm người từ khắp nơi trong và ngoài thành phố đã đến ủng hộ, góp phần xoa dịu nỗi đau của hàng trăm gia đình có thân nhân gặp nạn. Nhiều người dân, học sinh, sinh viên hay tin đã xoắn tay áo hiến máu cứu người. Em Bùi Ngọc Phương Oanh, học sinh Trường Lương Thế Vinh, vét ống heo được 400 ngàn đồng ủng hộ nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Với suy nghĩ thơ ngây, nhưng đầy tình người, Oanh tâm sự: “Thấy mấy anh, mấy chú bị tai nạn em thương lắm. Nếu họ nằm xuống hay bị thương, làm sao tiếp tục nuôi gia đình? Chắc là gia đình mấy anh, mấy chú đó sẽ khó khăn lắm!”.

Ông Nguyễn Tấn Công, Phó Ban Phong trào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Cần Thơ, xúc động nói: “Sự cố xảy ra làm kinh hoàng cả nước. Ai cũng xót xa cho các nạn nhân. Trước nỗi đau, mất mát to lớn đó, đồng bào mình đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Chúng tôi chỉ phát động hỗ trợ trong cán bộ nhân dân thành phố, vậy mà từ khắp nơi, các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân cả nước đã tới ủng hộ. Khi đó, rất nhiều người là người dân bình thường cũng lao vào cứu hộ, họ tự động lấy ca nô để vận chuyển người bị nạn, người thì đến hiện trường tiếp tay lực lượng cứu hộ cứu người. Nói thật, nếu không có những người dân nhiệt tình như vậy, công tác cứu hộ có thể sẽ còn kéo dài hơn, nhiều nạn nhân có thể nguy kịch hơn. Hơn 20 ngày, người dân liên tục đem đồ ăn, thức uống qua tiếp tế, cảm động lắm...”.

Không chỉ có sự cố bất ngờ mới thấy được tấm lòng nhân ái của biết bao người dân, mà hàng ngày vẫn có rất nhiều người dân, tổ chức góp tiền giúp các hoàn cảnh thương tâm thoát khỏi bệnh tật, giúp trẻ em nghèo có tập sách đến trường, giúp những người già ấm lòng hơn trong cảnh sống cô đơn... Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, mỗi năm dành một khoản kinh phí khá lớn cho hoạt động xã hội từ thiện. Riêng trong năm 2007, Công ty đã dành hơn 3 tỉ đồng tài trợ cho nhiều hoạt động khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng sâu, vùng xa; phát quà cho trẻ em nghèo, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học... Ngoài ra, doanh nghiệp này còn thành lập Ngân hàng máu Dược Hậu Giang, tổ chức hiến gần 300 đơn vị máu cho Trung tâm Truyền máu và huyết học Cần Thơ, góp phần cứu sống nạn nhân bị tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ và nhiều bệnh nhân khác.

Năm qua, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp tích cực ủng hộ, giúp đỡ những “Hoàn cảnh thương tâm” đăng trên Báo Cần Thơ. Thông qua chuyên mục này chị Trần Thị Ngọc Tuyết (ở đường 30-4, TP Cần Thơ) được một Việt kiều giúp đỡ mổ tim, rồi hỗ trợ một khoản vốn để làm ăn. Chị Tuyết cảm động tâm sự: “Tôi rất cảm ơn Báo Cần Thơ và người đã giúp đỡ tôi. Hiện giờ sức khỏe tôi đã hồi phục. Nhờ mạnh thường quân giúp vốn, tôi bán bún trước cửa nhà, cuộc sống đỡ vất vả”. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng chị để dành những đồng tiền lời ít ỏi giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Chị nói: “Chỉ có cách này, tôi mới có thể đáp lại tấm lòng của những người đã giúp đỡ mình!”. Rồi trường hợp chị Nguyễn Thị Tuyết ở Kiên Giang, nhờ những tấm lòng hảo tâm mẹ con chị vượt qua được khó khăn và có được mái nhà ấm cúng để ở. Bé Trâm, anh Thắng, bé Mẫn và rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm đăng trên Báo Cần Thơ đã được những nhà hảo tâm là tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ vượt qua bệnh tật, khó khăn...

Ngôi trường mơ ước

Trong cơn gió se lạnh của những ngày cuối năm, Trường Mẫu giáo Phú Thứ (khu vực Khánh Bình, phường Phú Thứ, quận Cái Răng) ấm áp hơn bởi tiếng hát, tiếng nói bi bô của trẻ thơ. Xúng xính trong bộ đồng phục quần xanh, áo trắng, các bé nô đùa quanh chiếc đu quay trong sân trường.

Dẫn tôi tham quan lớp lá thực nghiệm, cô Võ Thị Cẩm Vân, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phú Thứ chỉ những đứa bé có nước da rám nắng, khỏe khoắn, cười rất tươi, nói: “Nhìn các em thấy thương không? Nhiều em xinh xắn, lanh lẹ, nhưng mỗi cái học một buổi về nhà không ai chăm, bỏ đi dang nắng riết nhìn đen nhẻm...”.

Trong ngôi trường khang trang, các bé Trường Mẫu giáo Phú Thứ thoải mái vui chơi không phải học “ké” như trước nữa.

Nằm sâu trong một con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, ngôi trường sừng sững mọc lên giữa niềm phấn khởi của bà con nơi đây. “Từ ngôi trường lời ca, tiếng hát của những đứa trẻ vang lên, giúp chúng tôi yên lòng lo cho công việc”- chị Sương một phụ huynh bày tỏ. Trước đây, Trường Mầm non Phú Thứ có một điểm trường chính ở gần UBND phường, các điểm trường phụ còn lại đều phải “học ké” các điểm trường tiểu học. Có thời điểm, khi các lớp tiểu học vừa tan thì các bé mẫu giáo vào học, đến giờ học buổi chiều các bé phải nghỉ. Cực khổ là vậy, nên khi ngôi trường hình thành cả địa phương và người dân vui mừng khôn xiết.

“Bà con đa số làm nghề nông hoặc làm thợ hồ nên gởi được con họ rảnh rang để lo công việc. Trẻ em được học theo chương trình giáo dục nên không bỡ ngỡ khi bước chân vào lớp 1. Đây cũng là một thuận lợi để địa phương dễ quản lý, động viên người dân cho trẻ vào lớp 1 đúng tuổi. Ngôi trường này hình thành phải nói đến đóng góp rất lớn của ông Thạch Thành Thâu, Phó Chủ tịch Hội khuyến học TP Cần Thơ” - ông Cao Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thứ lộ rõ niềm vui trên gương mặt khi nhắc tới ngôi trường này.

Kinh phí xây dựng Trường Mẫu giáo Phú Thứ do ông Út Thâu, tức Thạch Thành Thâu, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Chi nhánh Cần Thơ, là đại diện Hội “Hạt Lúa” Thụy Sĩ đứng ra vận động Hội hỗ trợ. Ông Út Thâu cho biết sẽ tiếp tục vận động đầu tư xây dựng cho Trường Mẫu giáo Phú Thứ thêm 4 phòng học nữa để ngôi trường thêm khang trang, nhiều trẻ em sẽ có cơ hội được đến trường.

Từ những năm 1990, ông Út Thâu đã bắt đầu làm công tác khuyến học. Một dịp tình cờ, ông giúp một người Thụy Sĩ làm thủ tục xin nhận con nuôi. Tin tưởng vào tính tình thẳng thắn, bộc trực của ông, người Thụy Sĩ này đã lập ra Hội “Hạt Lúa” Thụy Sĩ và yêu cầu ông Út Thâu làm đại diện. Thấy Hội “Hạt Lúa” Thụy Sĩ lập ra với mục đích giúp trẻ em Đồng bằng sông Cửu Long được đến trường, ông nhận lời. Hoạt động của Hội “Hạt Lúa” Thụy Sĩ đạt kết quả tốt, Hội Văn hóa Thụy Sĩ- Việt Nam (ACSV) tiếp tục mời ông làm đại diện của Hội tại Cần Thơ để trợ giúp sinh viên Trường Đại học Cần Thơ dưới dạng học bổng. Cứ mỗi năm đều đặn, ông dành 6.000 USD cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ và 1.000USD cho học sinh phổ thông. Loại học bổng này đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập trong sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố.

Ông Út Thâu còn vận động các ngân hàng hàng năm đóng góp cho công tác khuyến học. Năm 2003, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm công tác từ thiện mà ông gắn bó bấy lâu. 4 năm qua, với những đồng tiền thương binh ít ỏi của mình, hàng tháng ông đã giúp em Đỗ Thị Tố Uyên (sinh năm 1991, ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt) phần nào vượt qua khó khăn, tiếp tục con đường học tập. Ông Út Thâu tâm sự: “Tôi làm việc này rất tự nhiên, mình có điều kiện phải biết chia sẻ. Trong cuộc sống còn nhiều mảnh đời éo le lắm, thấy thật sự thương đồng bào mình thì làm thôi”.

Mái nhà nghĩa tình

Ông Đỗ Văn Hớn, Trưởng Ban Từ thiện phường Thới An, quận Ô Môn có một niềm vui riêng: được chung tay giúp bà con nghèo khó có được mái ấm trú thân. Là một nông dân chân lấm, tay bùn, nhưng khi thấy những cảnh đời cơ cực, ông lại thấy xót xa. Hai vợ chồng ông Hớn và 7 người con chỉ có một chiếc xuồng rong ruổi theo con nước đi bán nước tương. Mỗi chuyến đi của họ kéo dài hàng tháng trời. Khi trở về số tiền bán được chỉ mua 1 giạ gạo cho con, còn lại ông mua mấy vị thuốc nam về nấu giúp bà con trong xóm khi ai đó bệnh tật. “Vậy nên, khi vợ tôi bệnh, bà con xung quanh thấy thương, gom góp tiền đưa lên cho vợ tôi điều trị, nhưng bệnh tình cũng không qua khỏi. Tình nghĩa bà con như vậy nên tôi nghĩ phải sống sao cho phải đạo”- ông Hớn bùi ngùi nói. Dù không giàu có, nhưng ông có một tấm lòng vì người nghèo. Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Năm ở cùng xóm khó khăn, ông nghĩ cách giúp đỡ. “Bà Năm đã gần tuổi 60, chồng chết, chỉ có một người con duy nhất lại bị bệnh, không lao động được. Căn nhà của bà Năm ở xiêu vẹo, trống trước, dột sau, chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể thổi sập. Thấy vậy, tui đi đến từng nhà bà con xung quanh xin cây, lá rồi hì hục đục, đẽo dựng nhà lại cho bà Năm. Thấy tui lụi cụi làm, nhiều bà con xung quanh cũng vô làm tiếp”- ông Hớn nói.

Căn nhà tình thương đầu tiên của ông Đỗ Văn Hớn và nhiều bà con xung quanh hình thành như vậy. 158 căn nhà bạch đàn, bán kiên cố do ông và nhiều bà con đóng góp ngày càng xuất hiện nhiều trong phường Thới An. Không chỉ vậy, bà con trong phường còn bỏ cả ngày đi cắt lúa mướn, chặt mía tính công để có tiền cất nhà tình thương, làm đường, bảo trợ người già không nơi nương tựa...

***

Một năm mới bắt đầu, những tấm lòng vị tha của người dân Cần Thơ, của những người như ông Út Thâu, ông Hớn... ngày càng nhiều. Nhờ đó, nhiều cảnh đời khó khăn đã vượt khó sống trong tình thương ấm áp của cộng đồng...

LAN PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết