21/01/2010 - 20:49

Những nông dân Khmer làm VietGAP

Anh Thạch Phu My, nông dân được đặt hàng ươm dừa sáp cung cấp cho các dự án.

Lần đầu tiên nông dân tỉnh Trà Vinh triển khai mô hình VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) cho sản phẩm dừa sáp tại xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. 20 nông dân người dân tộc Khmer của hợp tác xã (HTX) dừa sáp Hòa Tân được Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh, ngành chuyên môn trực tiếp gặp gỡ định kỳ hàng tháng cùng làm VietGAP cho trái dừa sáp nhằm nâng cao vị thế của loại trái đặc sản chỉ có duy nhất ở Cầu Kè, Trà Vinh.

Anh Thạch Em, hơn 40 năm làm nghề nông ở ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân, nói như khoe: “Từ khi tham gia vào mô hình VietGAP cho cây dừa sáp đến nay tôi học được nhiều điều bổ ích từ cách trồng, bón phân, chăm sóc, ghi chép vào sổ sách để rút kinh nghiệm... hướng đến sản xuất an toàn, chất lượng. Nhờ tham gia mô hình này mà giờ đây tôi có vườn dừa sáp tươi tốt trồng xen chanh không hạt đang thu hoạch trái bán có tiền đầu tư cho vườn dừa”. Năm 2008, anh Thạch Em được dự án trồng chuyên 50 ha dừa sáp tại xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, chọn hỗ trợ trồng 90 cây dừa sáp trên diện tích 5 công đất trồng lúa trước đây. Trong thời gian dừa còn nhỏ, anh được cán bộ kỹ thuật huyện hướng dẫn trồng xen 376 cây chanh không hạt vào vườn dừa để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau thời gian trồng được khoảng 17 tháng, vườn chanh không hạt của anh Thạch Em đã thu hoạch từ 150 đến 200 kg chanh mỗi đợt hái trái (từ 15 đến 20 ngày thu 1 đợt). Với giá bán thời điểm thấp nhất 7.000 đồng/kg, cao nhất 25.000 đồng/kg đã đem về cho anh gần 20 triệu đồng sau 10 đợt thu hoạch chanh. Anh Thạch em cho biết, vườn chanh không hạt sẽ thu hoạch trong vòng 7 năm. Điều này cũng có nghĩa là khi cây chanh tàn, không còn giá trị thì cây dừa sáp sẽ đem thu nhập về cho anh trên cùng diện tích đất. Với mô hình trồng xen dừa sáp - chanh không hạt của anh Thạch Em, ban điều hành dự án đã nhân rộng được trên 20 ha dừa sáp xen chanh không hạt. Qua đó giúp nông dân có khoản thu nhập đáng kể trong thời gian dừa sáp còn nhỏ.

VietGAP là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam, là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Mô hình VietGAP cho sản phẩm dừa sáp được chính thức triển khai tại xã Hòa Tân vào tháng 6-2009 theo Quyết định số 84 ngày 27-8-2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau hơn nửa năm thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh, lãnh đạo huyện, xã và 20 nông dân của HTX dừa sáp HòaTân, đặc biệt là sự nhiệt tình của Tiến sĩ Võ Mai thường xuyên tham dự tại các buổi họp tháng định kỳ đã có tác động đáng kể đến nhận thức của người dân trong việc canh tác cây dừa sáp. Anh Thạch Phu My, ở ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, cho biết: “Tôi làm giống dừa sáp bán gần 10 năm nay và được đặt hàng nhân giống cung cấp cho dự án 50 ha dừa sáp, tôi luôn nghĩ mình phải làm hết trách nhiệm để góp phần phát triển diện tích dừa sáp tại địa phương. Được tham gia mô hình VietGAP tôi mới biết người nông dân giờ không chỉ có trồng để bán mà phải áp dụng sản xuất sạch, liên kết nhau làm sản phẩm từ khi mới triển khai để đạt cả về chất lượng, số lượng... hướng đến tiêu chuẩn qui định để cung cấp số lượng lớn, bán có giá”.

Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, có mặt tại xã Hòa Tân khoảng năm 1960. Trái dừa sáp giống như dừa thường nhưng đặc biệt cơm dừa rất dày, có khi phần cơm dừa chiếm gần hết phần ruột của trái dừa, phần còn lại nước dừa sệt lại như keo. Cơm dừa sáp mềm và dẻo được pha chế làm thức uống rất ngon. Để phân biệt dừa sáp và dừa thường có thể dùng sống dao gõ vào trái dừa. Nếu dừa thường khi lột vỏ gõ nghe “tưng tưng” thì dừa sáp lột vỏ gõ nghe “cọc cọc”. Thông thường một buồng dừa 12 trái, chỉ có khoảng 3 - 4 trái dừa sáp, thậm chí có khi không có trái sáp nào. Theo ông Thạch Chịa, lão nông trên 80 tuổi ở khóm 2, thị trấn Cầu Kè, đang có 18 cây dừa sáp khoảng 40 năm tuổi cho biết, ông đã xin giống dừa này từ ông sãi cả chùa Chợ (chùa Bô-tum Sa-cao). Nhân chuyến đi Campuchia, vị sãi cả này được thưởng thức thứ nước giải khát ngon lạ lùng được làm từ dừa sáp nên thích thú mua 1 cặp giống về trồng. Từ đó được nhân ra quanh khu vực thị trấn Cầu Kè, các xã Hòa Tân, Hòa Ân. Theo các hộ trồng dừa sáp ở xã Hòa Tân cho biết, hơn 10 năm trước giá trị cây dừa sáp còn thua cây dừa thường và không ít nông dân đã đốn hạ dừa sáp trồng cây ăn trái. Bởi mỗi buồng khi bán phải bỏ trái sáp do lái không mua. Cầu Kè có nhiều điểm vườn cây ăn trái và tổ chức lễ hội Vu Lan thắng hội định kỳ hàng năm nên khách phương xa về tham quan ngày càng đông. Một số nhà vườn đã đem dừa sáp bán cho các quán nước để chế biến làm nước uống phục vụ du khách. Sản phẩm dừa sáp ngon lạ chỉ có duy nhất ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh được người thưởng thức ưa chuộng và truyền tai nhau nên trái dừa sáp ngày càng có giá nhất là khi vào các dịp lễ hội. Dịp lễ, Tết mỗi trái dừa sáp có giá trên dưới 100.000 đồng. Trái dừa sáp ngày càng khẳng định được thương hiệu và được xem như một đặc sản của tỉnh Trà Vinh. Trước sự hấp dẫn của trái dừa sáp, năm 2006 các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu phát triển cây dừa sáp ở Hòa Tân. Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh thực hiện dự án hỗ trợ nông dân trồng 6 ha dừa sáp ở tại Hòa Tân. Không dừng lại đó, nhận ra một tương lai xán lạn phục vụ cho ngành du lịch, nâng mức sống người dân địa phương, tỉnh Trà Vinh chỉ đạo huyện Cầu Kè thực hiện dự án trồng chuyên canh 50 ha dừa sáp (tương đương trồng 9.000 cây dừa) tại xã Hòa Tân từ năm 2008 đến năm 2010. Dự án sẽ hỗ trợ 60% giá trị giống từ cây dừa sáp đầu dòng (14.000 đồng/cây giống) cho nông dân và hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng dừa cho nông dân. Đến nay, Cầu Kè đã có khoảng 12.500 cây dừa sáp, trong số này có trên 3.000 cây dừa đang cho trái. Dừa sáp Cầu Kè được trồng tập trung nhiều nhất tại các ấp có đông người dân tộc Khmer sinh sống như: Chông Nô 1, Chông Nô 2, Chông Nô 3 thuộc xã Hòa Tân với gần 11.000 cây.

Từ khi HTX dừa sáp Hòa Tân ra đời tháng 3-2008 đến nay, trái dừa sáp luôn được HTX thu mua để cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh giữ mức giá ổn định trong vườn nhà dân từ 80.000 đến 85.000 đồng/trái. Qua nghiên cứu áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực của Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò, tỷ lệ sáp trên mỗi buồng dừa hiện nay đạt 40 đến 45%. Theo tính toán của những nông dân trồng dừa sáp, nếu cây dừa sáp đến năm thứ 7 cho trái ổn định, với giá hiện tại sẽ giúp bà con thu nhập không dưới 1 triệu đồng/cây dừa/năm. Ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, cho biết: “Mô hình VietGAP đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân hướng đến sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Tới đây, huyện sẽ mở rộng mô hình VietGAP ra nông dân trồng dừa sáp ngoài HTX để từng bước nâng cao giá rị dừa sáp Cầu Kè không chỉ tại địa phương mà trong phạm vi cả nước và thế giới”.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết