Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất thấp ven biển của Việt Nam sẽ là khu vực bị tác hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu ( BĐKH) gây ra. Trong các tháng mùa khô này, nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đang bị nước biển xâm nhập mặn sâu làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhiều khu vực đã thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt... Trước tình hình trên, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã và đang đề ra nhiều giải pháp để ứng phó và thích nghi do tác động của BĐKH.
TÁC ĐỘNG NGÀY CÀNG NHANH
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn cầu khi mực nước biển dâng cao do tác động của BĐKH. Trên 12% bờ biển của Việt Nam sẽ bị ngập sâu dưới mực nước biển 1 mét. ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng là những vùng trũng nên bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xảy ra ngập lụt, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết xấu. Theo dự đoán của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), các tác động trên sẽ gây thiệt hại khoảng 17 tỉ đồng mỗi năm và khiến khoảng 17 triệu người không có nhà. Còn Văn phòng quản lý điều tra tài nguyên biển và môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) dự báo: mực nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao từ 3- 15 cm vào năm 2010, dâng từ 15 - 90 cm vào năm 2070. Các vùng ảnh hưởng là Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình.
Trước đây, ĐBSCL ít bị bão. Thế nhưng, năm 1997 cơn bão Linda đã đi qua khu vực này và năm 2006, đuôi bão Durion quét qua, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Mức độ tàn phá của những cơn bão kiểu như bão Durion gây ra ở ĐBSCL sẽ còn lớn và khốc liệt hơn nhiều nếu mực nước biển dâng lên cao hơn so với hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, cán bộ Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: “ĐBSCL đang chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH toàn cầu. Đất đai bị bạc màu, đa dạng sinh học giảm mạnh. Diện tích đất bị xâm nhập mặn, đất bị khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 2,1 triệu ha đất bị nhiễm mặn và 1,6 triệu ha đất nhiễm phèn, khô hạn. Nhiệt độ không khí tăng cao và hạn hán bất thường, lũ lụt không theo qui luật, nhiều dịch bệnh mới hình thành...”.
Ngành Khí tượng Thủy văn các tỉnh ĐBSCL còn cho biết: trong các đợt triều cường từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009 đã làm cho vùng ngoài đê bao 8 tỉnh, thành vùng lũ gồm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ bị ngập. Ngoài ra, triều cường làm nước sông dâng cao đã làm khoảng 70.000 ha vườn cây ăn trái, hàng trăm km đường nông thôn bị ngập sâu từ 10 - 30 cm. Quốc lộ 53 thuộc địa phận thị trấn huyện Long Hồ cũng bị ngập trên chiều dài 200 mét, sâu 15 cm. Hàng trăm nhà dân chưa kịp tôn nền cũng bị ngập. Trước đó, đợt triều cường kết hợp mưa nhiều thời điểm giữa tháng 12-2008 làm 100.000 ha nằm ngoài các đê bao tại ĐBSCL bị ngập từ 10 - 40 cm, chủ yếu là vườn cây ăn trái. Nước ngập xảy ra ngay trong mùa khô gây trở ngại trong sản xuất, sinh hoạt của người dân sống ngoài vùng đê bao.
Tiếp theo là các tháng mùa khô năm 2009 , theo thông tin của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (KHTLMN) cho biết, hiện nước mặn từ 6 cửa sông thuộc hệ thống sông Mê Công đã xâm nhập vào nội địa vùng ĐBSCL 70 km. Tại Long An, nước mặn từ sông Cửa Tiểu đã vào đến xã Thủy Tây (huyện Thạnh Hóa); tại Bến Tre, nước mặn từ sông Cửa Đại đã vào đến xã Phú Túc (huyện Châu Thành); tại Trà Vinh, nước mặn từ sông Hàm Luông đã vào đến xã Long Thới (huyện Tiểu Cần); tại Hậu Giang, nước mặn từ sông Trần Đề đã vào đến xã Phú Hữu; tại Vĩnh Long, nước mặn từ sông Định An, Cung Hầu đã vào đến xã Quới An (huyện Vũng Liêm) và thị trấn huyện Trà Ôn. Trên địa bàn Cà Mau, nước mặn từ sông Ông Đốc đã xâm nhập sâu 65km. Nước mặn từ sông Cái Lớn cũng xâm nhập sâu 65 km đến thị xã Vị Thanh (Hậu Giang).
Trước đó, nước mặn từ 6 cửa sông nói trên và cửa Cổ Chiên (thuộc hệ thống sông Mê Công); từ cửa sông Ông Đốc, Cái Lớn đã xâm nhập sâu từ 10 - 60 km đến địa bàn 53 xã thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang. Hiện một số địa phương trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Ngoài ra, ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ còn cho rằng, trong vài chục năm tới khi nước biển dâng cao, ĐBSCL sẽ phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và tình trạng ngập lũ hạ lưu sông Mê Công với qui mô lớn. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước và có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nên 2 lĩnh vực này sẽ chịu tác động mạnh nhất khi quá trình xâm nhập mặn làm thay đổi môi trường đất và nguồn nước. Hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng sẽ chịu tác động xấu khi chế độ nước ngập sâu bị thay đổi do nước biển dâng cao. Quá trình xâm nhập mặn ở mức độ cao có thể hủy diệt thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tràm ở Cà Mau, Kiên Giang...
Trong tình hình đó, nếu nước biển dâng cao, an ninh lương thực quốc gia sẽ bị đe dọa và đời sống nông dân nghèo trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
ỨNG PHÓ VÀ THÍCH NGHI...
Vừa qua, tại hội thảo “Tác động của BĐKH đối với ĐBSCL” các nhà khoa học đã đề xuất giải pháp ứng phó và thích nghi với tác động của BĐKH ở ĐBSCL. Theo Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định: “Ứng phó với mực nước biển dâng là một nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... chẳng những của ĐBSCL mà còn của cả nước. Các địa phương phải tranh thủ điều tra, nghiên cứu trên từng địa bàn bị đe dọa để chuẩn bị phương án ứng phó tốt nhất”. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân gợi ý các nhiệm vụ cần triển khai như: nâng cao nhận thức của người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu; xác định và tiến hành sớm những nội dung nghiên cứu cần thiết; Nhà nước cần chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các đề tài khoa học... Theo Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn và Môi trường, để giảm nhẹ khả năng bị tổn hại do BĐKH gây ra, cần có sự điều chỉnh ở các hoạt động kinh tế, xã hội... Các hoạt động ứng phó với BĐKH phải được triển khai ngay từ bây giờ và phải được lồng ghép với kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương...
Các nhà khoa học cũng đề xuất một số giải pháp thủy lợi khả thi như: làm đê bao kết hợp hệ thống cống và trạm bơm ở các vùng ven biển để tránh ngập lụt; xây dựng hồ chứa nước ngọt ngay tại ĐBSCL trong các vùng ngập hay bán ngập để trữ nước, tránh tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất; ứng dụng công nghệ vật liệu mới vào xây dựng các công trình để giảm chi phí... Ngoài ra, những hành động đơn giản cũng sẽ góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH. Thạc sĩ Nguyễn Thị Nghiệm, Trưởng phòng Tổng hợp ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường), Chi cục bảo vệ Môi trường tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: “Tỉnh Tiền Giang đã nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của cộng đồng bằng cách giáo dục, tuyên truyền bảo vệ môi trường trong học đường, trong cộng đồng; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phát tờ rơi liên quan đến BĐKH. Qua đó, một bộ phận nhân dân đã có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi, lối sống. Nhiều người sử dụng xe đạp, xe buýt thay vì sử dụng xe gắn máy; sử dụng bóng đèn ít tiêu hao điện năng; thêm nhiều hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas để tự sản xuất gas đun nấu và phát điện trong gia đình; một số hộ dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời; việc trồng hàng rào cây xanh, hoa, kiểng ở gia đình và nơi công cộng gia tăng...”.
Để giảm nhẹ những hậu quả do BĐKH mang tới, các cấp chính quyền cần có những động thái mạnh mẽ hơn: xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia; hướng dẫn cụ thể cho các ngành, các địa phương chủ động xây dựng chương trình phù hợp; thiết lập cơ quan liên tỉnh của ĐBSCL để phối hợp xây dựng chương trình ứng phó và hành động có hiệu quả không chỉ ở cấp địa phương mà trong toàn vùng... Bên cạnh trách nhiệm và hành động của các nhà quản lý, nhà khoa học, mỗi người dân ở địa phương cũng cần có ý thức và hành động thiết thực để góp phần giảm nhẹ các tác động của BĐKH.
Vì theo dự báo, trong vài chục năm tới, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL vốn đã bị ngập lụt hàng năm, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp. Sẽ có từ 15.000 - 20.000 km2 đất thấp ven biển bị ngập hoàn toàn. Lưu lượng nước sông Mê Công giảm từ 2 - 24% trong mùa khô, tăng từ 7- 15% vào mùa lũ. Hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn. Nước lũ sẽ cao hơn tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang; thời gian ngập lũ tại đây sẽ kéo dài hơn hiện nay. Việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng khó khăn. Suy giảm tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nghề cá. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các tỉnh ven biển gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và nước ngọt sẽ khan hiếm.
Để đối phó với tình trạng trên, mới đây, Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết, các ngành chức năng đang triển khai thủ tục tiến hành giai đoạn II của dự án phát triển thủy lợi khu vực ĐBSCL. Công tác phát triển thủy lợi giai đoạn này gắn với ứng phó với nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu trong tương lai.
Theo đó, việc xây dựng hệ thống thủy lợi sẽ phục vụ đa mục tiêu (kiểm soát mặn, điều tiết nước, ngọt hóa và cấp nước sinh hoạt và đáp ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...) gắn với phát triển giao thông nông thôn để phát huy hiệu quả đồng bộ. Cao trình xây dựng của các công trình mới phải có khả năng ngăn được nước biển dâng. Dự án phát triển thủy lợi ĐBSCL do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Nguồn vốn chủ yếu vay của Ngân hàng Thế giới (101,8 triệu USD). Dự án này gồm 3 tiểu dự án thủy lợi: Nam Mang Thít (thuộc tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long); Quản Lộ - Phụng Hiệp (thuộc tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu); Ô Môn - Xà No (thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang) phục vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ, triều và mặn cho 450.000 ha đất tự nhiên. Ngoài ra, còn 1 tiểu dự án cung cấp nước sạch cho 2 triệu dân thuộc 13 tỉnh, thành trong vùng. Dự án được triển khai từ năm 2004, đến nay đã xây dựng xong 148 cống cấp I, II; nạo vét 2.000 km kênh cấp I, II và cấp nước sạch cho khoảng 240.000 hộ dân trong vùng. Riêng Tiểu dự án Nam Mang Thít đã cơ bản hoàn thành.
Ngoài ra, theo Viện KHTLMN, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm quá trình xâm nhập mặn vào nội địa ĐBSCL sẽ sâu hơn, không loại trừ địa phương nào và nước ngọt sẽ khan hiếm hơn. Vì vậy, các tỉnh ĐBSCL cần lựa chọn giải pháp tối ưu để ứng phó. Việc qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giao thông, công nghiệp, đô thị; phải phân lại vùng thủy văn - thủy lực nhằm duy trì sản xuất, đời sống bền vững; nghiên cứu, sản xuất, nhân rộng các giống cây con chịu mặn; tăng cường truyền thông và nâng cao năng lực quản lý môi trường...
LÊ HIỀN (TTXVN)