03/12/2016 - 17:00

Những đóng góp của cụ Trương Duy Toản với văn hóa nghệ thuật Nam bộ

LTS: Trang Biên khảo, Báo Cần Thơ, số ra ngày 27-11-2016 có đăng bài viết "Những phát hiện mới về quê quán của cụ Trương Duy Toản" của tác giả Nguyễn Văn Tấn. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về cuộc đời và những đóng góp của cụ Trương Duy Toản cho văn học- nghệ thuật Nam bộ đầu thế kỷ XX, Báo Cần Thơ giới thiệu tiếp bài viết sau đây của tác giả Đăng Huỳnh.

Bài viết của Nguyễn Văn Tấn cho thấy tác giả đã kỳ công đi tìm gốc tích của cụ Trương Duy Toản. Với những bằng chứng xác đáng ấy, có thể tóm tắt thân thế của cụ như sau: Cụ Trương Duy Toản tự Mạnh Tự, bút hiệu Đổng Hồ, sinh năm 1885 quê ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Tân An Hội, huyện Mang Thít). Ông mất ngày 19-4-1957, nhằm ngày 20-3 năm Đinh Dậu, tại Sài Gòn, hưởng thọ 73 tuổi và được chôn cất ở Chiếu Minh nghĩa địa, Cần Thơ. Trong phạm vi bài viết này, người viết nhìn nhận công trạng của cụ Trương ở 3 phương diện: chí sĩ yêu nước, soạn giả cải lương và nhà văn Nam bộ tiên phong.

* Chí sĩ của cuộc Minh Tân

Cụ Trương Duy Toản từ nhỏ đã theo đuổi học vấn, đến năm 1905- khi 20 tuổi, ra trường làm Kinh lịch tại văn phòng Tòa Khâm sứ Nam Vang. 2 năm sau, cụ được đổi về Sài Gòn. Tại đây, cụ có dịp qua lại và kết thân với các tổ chức yêu nước, chống thực dân Pháp. Cụ tham gia vào Hội Minh Tân (thường gọi là cuộc Minh Tân) do nhà văn Trần Chánh Chiếu, chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, đứng đầu. Cũng nói thêm về cuộc Minh Tân, đó là phong trào yêu nước ở Nam kỳ hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Hai chữ Minh Tân được các nhà yêu nước lấy từ sách Đại học: "Minh đức- Tân dân". Thời gian dài, cụ Trương Duy Toản sang Nhật làm thông ngôn cho hai "rường cột" của Duy Tân là các cụ Phan Bội Châu và Cường Để.

Năm 1908, Chính phủ Nhật thỏa ước với Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam ra khỏi đất Nhật. Cụ Toản cùng cụ Cường Để sang châu Âu, rồi về Thượng Hải, Singapore, rồi lại trở sang Pháp. Năm 1914 (có tài liệu cho rằng năm 1913), cụ bị bắt tại Pháp khi đang tìm đường liên lạc với nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Tòa án xét xử, cụ ngồi tù tại khám đường La Santé và sau đó bị giải về Sài Gòn. Tiếp đó, nhà cầm quyền Nam kỳ đưa cụ về Phong Điền, Cần Thơ với chiêu bài "an trí", theo nghĩa giam lỏng.

Xâu chuỗi những sự kiện trên cho thấy, là người trí thức, từng làm việc cho Pháp nhưng cụ Trương Duy Toản đã không chấp nhận làm tay sai cho giặc mà theo đường chính nghĩa, chấp nhận gian lao, bôn ba để cùng các chí sĩ cùng chí hướng tìm đường phá ách nô lệ cho dân tộc.

* Soạn giả cải lương đầu tiên

Ngôi mộ cụ Trương Duy Toản ở Chiếu Minh Nghĩa địa, Cần Thơ. Ảnh:
LƯU PHƯỚC HẢO 

Trong thời gian "an trí" (rất tiếc đến nay vẫn chưa có tài liệu, chứng cứ nào xác định cụ ở đâu tại Phong Điền ngày nay), chỉ có thể xác định rằng cụ là một trong những thành viên đầu tiên và cốt cán của ban tài tử Ái Nghĩa (ghép từ hai làng Nhơn Ái và Nhơn Nghĩa). Cụ thường xuyên sáng tác những bài ca lẻ cho anh em trong ban nhạc đờn ca.

Theo soạn giả Trương Bỉnh Tòng, mọi sự cách tân của cụ Trương Duy Toản đều có sự sắp đặt, lộ trình dài hơi. Cụ sáng tác bài ca ra bộ đầu tiên của nghệ thuật đờn ca tài tử là "Bùi Kiệm thi rớt". Vốn có kiến thức, văn chương lại am hiểu cổ nhạc Nam bộ, tác phẩm của cụ Toản rất được chú ý. Nói "lộ trình" là bởi khi cụ Toản sáng tác những bài ca ra bộ lấy tích từ truyện thơ Lục Vân Tiên, mở đầu là "Bùi Kiệm thi rớt", rồi "Khen anh Tử Trực", "Lão Quán ca", "Vân Tiên mù"... nghĩa là cụ đã nghĩ đến một tác phẩm dài hơi- đó là kịch bản cải lương. Từ ca ra bộ, cụ chuyển dần sang hát chập, rồi xâu chuỗi các chập thành vở tuồng. Xin trích dẫn vài câu trong bài ca ra bộ đầu tiên của Việt Nam, bài "Bùi Kiệm thi rớt" theo điệu Tứ Đại Oán của cụ Trương Duy Toản:

"Kiệm từ khi thi rớt trở về

Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề

Trách Kiệm rằng ham bề ăn chơi..."

Vậy là kịch bản đầu tiên của sân khấu cải lương ra đời vào năm 1917, với tên gọi "Lục Vân Tiên". Cũng cách này, kịch bản thứ hai mang tên "Kim Vân Kiều" của soạn giả Trương Duy Toản đã ra đời.

NSND Bạch Tuyết và nghệ sĩ Ngọc Hoa diễn trích đoạn
“Lục Vân Tiên”. Ảnh: DUY KHÔI

Thế nhưng, có kịch bản mà không có sân khấu thì cũng không tạo dấu ấn. Nghe tài của ông Trương Duy Toản, ông Lê Văn Thận (thường gọi là Thầy Thận, André Thận) mời ông về gánh Sadec Amis cộng tác và dựng vở "Lục Vân Tiên". Tuy nhiên, kịch bản cải lương thật sự vang danh là "Kim Vân Kiều" của soạn giả Trương Duy Toản viết cho rạp Thầy Năm Tú vào năm 1918. Cố NSND Ba Vân ghi lại trong hồi ký của mình: "Vở "Kim Vân Kiều" là vở ăn khách nhất của gánh thầy Năm Tú". Theo những tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được, những nghệ sĩ đầu tiên diễn "Kim Vân Kiều" là cô Hai Cúc vai Thúy Kiều, cô Ba Đắc vai Thúy Vân, cô Năm Thoàn vai Hoạn Thư, Hai Thông vai Kim Trọng, Sáu Nhiêu (em thầy Năm Tú) vai Vương Quan, Tám Danh vai Mã Giám Sinh... Trong "Hồi ký 50 năm mê hát", cụ Vương Hồng Sển thuật lại: "Kế năm 1918, ông Năm Tú ở Mỹ Tho thuộc ban ca kịch của ông Thận và sắm thêm tranh cảnh, y phục, có ông Trương Duy Toản soạn tuồng. Điệu hát cải lương chánh thức thành hình từ đó". Học giả họ Vương còn nói về sức hút những bài ca do cụ Trương Duy Toản soạn: "Năm ấy (1920) bọn anh em học ở trường Mỹ-Tho đổi lên trường Chasseloup-Laubat đều có trong tập bài ca những bài bất hủ của Trương-Duy-Toản đặt: Bùi-Kiệm thi rớt, lão quán ca "bánh tôm khô chiên, dầu-cha-quảy chiên"...".

Ngoài "Lục Vân Tiên" và "Kim Vân Kiều", cụ Trương Duy Toản còn soạn hai tuồng khác cũng rất nổi tiếng là "Trang Châu mộng hồ điệp" và "Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu". Để kết thúc phần này, tôi xin mượn lời của cụ Vương Hồng Sển nói về hậu tổ của cải lương: "Trở lại tìm hiểu hậu tổ cải- lương là ai, xin cho tôi nhấn mạnh và ghi công cho ông André Thận và ông Mạnh Tự Trương Duy Toản".

* Nhà văn Nam bộ tiên phong

Ngoài là soạn giả, cụ Trương Duy Toản còn là một nhà báo, nhà văn. Cụ viết cho nhiều tờ báo ở Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX như Thời vụ, Sài thành, chủ bút tờ Trung lập. Điều thú vị là cụ cũng là một trong những nhà văn Nam bộ tiên phong.

Lịch sử văn học Nam bộ ghi nhận tác phẩm tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện bằng chữ quốc ngữ là "Truyện Thầy Lazaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản, xuất bản vào năm 1887. Nhưng đến năm 1910, hai tiểu thuyết khác đồng thời ra đời, với cốt truyện, cấu tứ hấp dẫn, dễ đọc đã thực sự tạo tiếng vang là "Hoàng Tố Anh hàm oan" của Trần Chánh Chiếu và "Phan Yên ngoại sử" (hay "Tiết phụ giang truân") của cụ Trương Duy Toản. Chúng tôi may mắn sưu tầm được bìa của quyển tiểu thuyết này. Sở dĩ ghi "giang truân" (đáng lẽ là gian truân) là để đúng với nguyên bản. Bìa thể hiện rõ tiểu thuyết này in năm Canh Tuất Chánh ngoại, do F.H. Scheneider- Imprimerie in lần thứ nhứt, 2000 cuốn với lời cảnh báo thú vị "Cấm không cho in y bổn hoặc dịch ra tiếng Tây".

"Phan Yên ngoại sử" kể về cuộc lưu lạc của Vương Thế Trân, chàng trai con nhà gia giáo, giỏi võ nghệ lại có tính trượng nghĩa, giúp người khốn đốn. Sau nhiều phen lưu lạc, sự sống- cái chết gần kề như sợi tơ mành, cụ Trương Duy Toản đã cho nhân vật của mình cái kết có hậu, sum vầy cùng vợ là nàng Nhan Khả Ái. Truyện kết thúc bằng cảnh "vợ chồng thong dong an hưởng thanh nhàn, tiếng rền trong sáu tỉnh". Đóng góp của cụ Trương Duy Toản ở chỗ là người tiên phong cho "kim thời tiểu thuyết", nhưng vẫn giữ mô típ của văn học trung đại là nhân vật nghĩa hiệp- tài tử giai nhân. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng trong quyển "Tiến trình văn nghệ miền Nam" còn cho rằng, đó là thời điểm của sự hình thành tiểu thuyết Việt Nam vì tác phẩm được tác giả viết theo cách thức tiểu thuyết phương Tây hơn là kiểu cổ điển Trung Quốc. Rõ ràng, tích truyện "Phan Yên ngoại sử" hoàn toàn thuần Việt, bối cảnh trong truyện trải dài từ Gia Định đến núi Bà Đen, Tây Ninh rồi xuống Long An… tạo cho độc giả sự gần gũi, thân thuộc.

Tiếp nối thành quả này, người làm sáng danh quốc ngữ Việt Nam bằng thể loại tiểu thuyết chính là nhà văn Hồ Biểu Chánh. Tác giả Nguyễn Khuê trong cuốn "Chân dung Hồ Biểu Chánh" (NXB Lửa thiêng, 1974) đã dẫn lời cụ Hồ Biểu Chánh rằng, ba tác phẩm "Truyện Thầy Lazaro Phiền", "Hoàng Tố Anh hàm oan" và "Phan Yên ngoại sử" (hay "Tiết phụ giang truân") đã giúp ông mạnh dạn bước vào con đường tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản để "cảm hóa và thuyết phục quần chúng văn nghệ".

***

Nhìn nhận một cách chính xác thân thế, công trạng của người có công lao lớn như cụ Trương Duy Toản là điều rất nên làm. Đặc biệt với Cần Thơ, cụ Trương Duy Toản lại càng có những dấu ấn thật sâu sắc.

ĐĂNG HUỲNH


Tài liệu tham khảo:

- "Hồi ký 50 năm mê hát", Vương Hồng Sển, Phạm Quang Khai xuất bản, 1968;
- "Những chặng đường sân khấu", Trương Bỉnh Tòng, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1995;
- "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" (bộ mới), Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, NXB Văn hóa- Thông tin, 2013.

Chia sẻ bài viết