26/03/2019 - 11:48

Những điều cần lưu ý khi làm hồ sơ 

Từ ngày 1-4 đến 20-4, thí sinh sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) Kỳ thi THPT Quốc gia cùng lúc với đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học, cao đẳng năm 2019. Việc chọn trường - ngành, cách làm hồ sơ, nét mới tuyển sinh năm nay… là những vấn đề được thí sinh quan tâm và tìm hiểu kỹ.

Giờ học của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: B.KIÊN

Giờ học của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: B.KIÊN

20 ngày đăng ký dự tuyển

Lê Huỳnh Phương Vy, học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), cho biết đang tìm hiểu về phương thức xét tuyển của Trường Đại học Cảnh sát Nhân Dân (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) nhưng vẫn chưa rõ điểm xét tuyển và cách xét tuyển có gì mới để làm hồ sơ cho chính xác. Còn Tiết Thi, học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, đang lo ĐKXT các nguyện vọng sao cho “trúng”, để lỡ có trượt nguyện vọng 1 thì vẫn có khả năng trúng tuyển ở các nguyện vọng tiếp theo, mà tốt nhất là trúng tuyển ở nguyện vọng 2. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh khối 12 hiện nay, bởi vì hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cập nhật, điều chỉnh, bổ sung nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh.

Để giải tỏa lo lắng của học sinh, các trường đại học, cao đẳng đều đã công bố Đề án tuyển sinh 2019 trên website của từng trường; cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để thí sinh tìm hiểu thông tin trường, ngành dự định xét tuyển. Thí sinh cần lưu ý, chỉ có 20 ngày (từ 1-4 đến 20-4) để làm hồ sơ ĐKDT Kỳ thi THPT Quốc gia đồng thời với ĐKXT đại học, cao đẳng năm 2019. Các Sở GD&ĐT là điểm thu nhận hồ sơ tiếp nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh, nhập thông tin đăng dự thi và ĐKXT đợt 1 của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, bên cạnh quy định thời gian, thí sinh cần lưu ý đến việc ĐKXT. Các thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng với thứ tự ưu tiên. Khi xét tuyển, phần mềm lần lượt xét tuyển từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng cuối cùng. Khi xét tuyển từng nguyện vọng, các nguyện vọng này được xét bình đẳng như nhau. Nghĩa là, nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì được xét ở nguyện vọng 2. “Số điểm nguyện vọng 2 của thí sinh được đặt cạnh số điểm của các thí sinh khác cùng ngành dự tuyển; với nguyên tắc xét điểm từ trên cao xuống, không phân biệt nguyện vọng”, bà Phụng cho biết.

Thí sinh được điều chỉnh một lần

Hiện nay, trong Đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đều đã nêu cụ thể về điểm xét tuyển, điểm chuẩn trúng tuyển của các năm trước; cũng như tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp... Mỗi trường đều nêu rõ những điểm mới trong tuyển sinh. Ví như 2 trường đại học (Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ) năm nay mở rộng vùng tuyển trên cả nước. Cả hai đều mở thêm ngành học mới: Kỹ thuật Hình ảnh y học, Hộ sinh (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ); Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học dữ liệu (Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ).

Đối với Trường Đại học Cần Thơ, tất cả các ngành đều xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019; trường chỉ tính điểm 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên khu vực đối tượng (nếu có); không nhân hệ số môn thi; không xét học bạ, không xét học lực hay hạnh kiểm… Các ngành Chương trình tiên tiến và Chương trình chất lượng cao có thêm điều kiện điểm môn tiếng Anh (mức điểm môn tiếng Anh do trường quy định sau khi có kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia). Theo cán bộ nhà trường, thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường; phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (ưu tiên 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên xét tuyển thí sinh có nguyện vọng cao hơn. Điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp môn thi trong cùng 1 ngành là bằng nhau và được xác định theo ngành.

Ở các trường cao đẳng, tuyển sinh 2019 thoáng hơn so với các năm trước, bởi được tuyển sinh nhiều đợt trong năm, tuyển rộng ở thí sinh tốt nghiệp THCS… Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, thí sinh nên ĐKXT ngành học yêu thích và phù hợp sức học, khả năng kinh tế của gia đình, thí sinh. “Các em lưu ý nên chọn số lượng nguyện vọng vừa phải và tổ hợp tốt nhất để ĐKXT”, ông Tâm khuyên.

Sau khi thí sinh ĐKXT, nếu có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, có thể thực hiện bằng nhiều cách: theo phương thức trực tuyến (dự kiến từ 22-7 đến 17 giờ ngày 29-7); điều chỉnh bằng phiếu (từ 22-7 đến 17 giờ ngày 31-7). Tuy nhiên, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký nguyện vọng xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức trên. Nếu điều chỉnh bằng phiếu ĐKXT, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu ĐKDT và nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Thí sinh ghi đúng mã trường, mã ngành hoặc mã nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, để ĐKXT hiệu quả hơn, thí sinh không nên chọn quá 5 nguyện vọng. Đồng thời cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhập học, bởi khi đã xác nhận nhập học (nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia), thì không được tham gia xét tuyển các trường khác hay các đợt tiếp theo.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết