03/09/2022 - 18:45

Những điều cần biết khi tiêm vaccine ngừa bại liệt 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, trong 4 ngày (từ 14 đến 17-9-2022), Cần Thơ sẽ tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine ngừa bại liệt (IPV) cho trên 28.000 trẻ. Chiến dịch nhằm tăng tỷ lệ phòng dịch trong cộng đồng và bảo vệ thành quả của việc thực hiện thanh toán bệnh bại liệt.

CDC Cần Thơ triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung IPV qua hình thức trực tuyến.

CDC Cần Thơ triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung IPV qua hình thức trực tuyến.

Tiêm tại trường học và trạm y tế

Đối tượng tiêm vaccine đợt này là trẻ sinh từ ngày 1-3-2016 đến ngày 28-2-2018 chưa được tiêm vaccine IPV trong tiêm chủng thường xuyên (khoảng 28.659 trẻ). Ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục tổ chức tiêm tại trường từ ngày 14 đến 16-9-2022 cho học sinh. Với trẻ tại cộng đồng, trẻ chưa tiêm được tại trường, sẽ tổ chức tiêm vét ngày 17-9-2022 tại các trạm y tế.

BS Lê Phúc Hiển, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch Y tế quốc tế (CDC Cần Thơ) khuyến cáo, gia đình cần cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm. Cán bộ tiêm chủng không tiêm vaccine IPV cho những đối tượng đã được tiêm vaccine phối hợp có chứa thành phần bại liệt.

* Những lưu ý khi tiêm vaccine

IPV là vaccine bại liệt bất hoạt, sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng có tên thương mại là IMOVAX POLIO do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất. Thành phần gồm 3 tuýp virus bại liệt bất hoạt (tuýp 1, 2 và 3). Vaccine IPV loại đóng 10 liều/lọ (5ml), đạt tiêu chuẩn thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được cấp số đăng ký tại Việt Nam số QLVX-879-15, ngày 14-7-2015.

Cũng như các vaccine khác, sau khi tiêm, có thể gặp phản ứng không mong muốn. Phản ứng thông thường là sốt nhẹ, đau hay sưng nhẹ tại vị trí tiêm, sẽ hết sau khi tiêm 1-2 ngày. 

Phản ứng hiếm gặp (dưới 0,01%):

+ Phản ứng tại nơi tiêm: Sưng, phù nề có thể gặp trong vòng 48 giờ và tồn tại trong 1-2 ngày. Sưng hạch bạch huyết (gia tăng kích thước hạch bạch huyết).

+ Phản ứng quá mẫn (dị ứng): mề đay, phù Quincke’s (phù mặt), sốc phản vệ với một trong các thành phần của vaccine.

+ Đau khớp vừa, thoáng qua và đau cơ trong vài ngày sau khi tiêm.

+ Co giật (kèm hay không kèm theo sốt) trong vài ngày sau khi tiêm.

+ Có thể kích thích trong những giờ đầu tiên sau tiêm và nhanh chóng biến mất.

+ Phát ban.

Trẻ được tiêm liều: 0,5ml. Đường tiêm: tiêm bắp ở 1/3 giữa mặt ngoài đùi.

Nếu tiêm vaccine IPV trong cùng 1 buổi tiêm với vaccine khác thì phải tiêm ở vị trí khác nhau, không cùng bên. Không tiêm vaccine cho trẻ nếu dị ứng với hoạt chất, một trong các tá dược trong vaccine, với neomycine, streptomicine, polymycine B, hay trước đây đã từng bị phản ứng dị ứng sau khi tiêm vaccine này. Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

Không tiêm vaccine cho các trường hợp: Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc xin IPV hoặc vaccine có chứa thành phần IPV trước đó; dị ứng với các thành phần trong vaccine như neomycine, streptomicine, polymycine B; trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan....)

Tạm hoãn tiêm chủng các trường hợp: Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng. Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách). Trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B. Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày. Cân nặng dưới 2.000gram.

Sau khi tiêm chủng: Cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ; không chạm, đè vào chỗ tiêm; không đắp bất cứ vật gì vào vị trí tiêm. Nếu phát hiện bất thường gì về sức khỏe của trẻ thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lý.

Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu như:

 + Tinh thần: quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ...

 + Khó thở: rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch.

 + Sốt cao >39°C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ.

 + Da nổi vân tím, chi lạnh.

 + Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú.

 + Co giật.

 + Phát ban.

 + Hoặc khi trẻ có biểu hiện bất thường khác khiến cha mẹ lo lắng.

CDC Cần Thơ lưu ý khi chăm  sóc trẻ tại nhà: Không tự ý dùng thuốc; chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc lá, cây… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết