 |
Khách tham quan xem TV 3D bằng kính
đặc biệt. |
Triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới CeBIT 2010 vừa diễn ra tại Hanover (Đức), với sự tham gia của khoảng 4.200 công ty danh tiếng, đã trình diễn rất nhiều công nghệ tương lai ấn tượng. “Connected Worlds” (Thế giới kết nối) là chủ đề của triển lãm năm nay, các công ty đã trình diễn nhiều thiết bị tiết kiệm sức và năng lượng, sử dụng công nghệ không dây để giao tiếp với nhau và với người dùng ở xa.
Một chiếc tủ lạnh có thể “nói chuyện” với máy giặt và một chiếc TV sẽ có thể ra lệnh cho máy rửa chén. Christian Prause, một nhà phát triển phần mềm “Hydra”, cho biết không bao lâu nữa, người dùng sẽ có thể ngồi thảnh thơi trên ghế sofa trong phòng khách, sử dụng điện thoại di động để gởi tin nhắn cho máy giặt yêu cầu nó tự mở. Nếu như gặp sự cố, người dùng có thể quay sang nhờ tủ lạnh ra lệnh cho máy giặt. Người đi nghỉ mát sẽ không cần phải hốt hoảng nếu như quên kéo màn cửa. Ở cách xa nhà 200 km, họ vẫn có thể gởi tin nhắn cho bộ điều khiển từ xa của màn cửa. Nếu không được, họ vẫn có thể nhờ TV hay radio hỗ trợ. Thành quả 4 năm nghiên cứu của 10 đối tác khác nhau, trong đó có Viện Fraunhofer Đức, Dự án “Hydra” đã được liên minh châu Âu hỗ trợ tài chính.
Viewmotion ra mắt cô robot xinh đẹp, thông minh Amy, với 400.000 câu và bộ từ điển bách khoa Encyclopedia Britannica. Sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận dạng giọng nói, Amy có thể trò chuyện hàng giờ với chủ nhân mà không biết chán nản, mệt mỏi hay hết chuyện. Cao 35 cm, với một màn hình cho khuôn mặt và cánh tay laser để phóng hình lên tường, Amy dự kiến được tung ra thị trường vào cuối năm 2010. Hiện Amy có thể nói được tiếng Anh và tiếng Trung, trong tương lai sẽ là tiếng Pháp, Đức, Ý và Nhật.
Tobii Technology thì mang đến hệ thống cho phép người dùng điều khiển máy tính bằng mắt, từ việc kéo qua danh sách các bài hát cho đến cho phép nhà nghiên cứu thị trường theo dõi người tiêu dùng sẽ nhìn gì trước từ kệ trưng bày sản phẩm. Một công nghệ tương tự cũng được Viện Fraunhofer chào hàng, cho phép người dùng chỉ vào màn hình từ khoảng cách xa 20 m và chạm biểu tượng hay điều khiển con trỏ như trên màn hình cảm ứng.
Trước thành công ấn tượng của phim khoa học giả tưởng 3D “Avatar”, công nghệ này đã thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan. Tại quầy NVIDIA, một thanh niên trẻ đã có cơ hội tận hưởng cảm giác như thật khi điều khiển xe đua công thức 1 trên đường đua 3D ảo trên 3 màn hình. Trong số những thiết bị hấp dẫn nhất là “Cinemizer Plus” của Carl Zeiss, cho phép người dùng xem ảnh 3D từ điện thoại thông minh qua kính kết nối với một bộ chuyển đặc biệt. Công ty EyeT Communications của Đức ra mắt công nghệ đột phá mới tạo hình 3D từ 2D bằng cách phóng 8 ảnh ở những góc độ khác nhau đôi chút. Thiết bị Stan của Viện Fraunhofer cho phép người dùng quay phim 2D bình thường và chuyển thành 3D trên màn hình. Internet cũng sẽ nhanh chóng chuyển sang 3 chiều, với sự kết hợp của 3D và HTML - mang tên “XML3D”, cho phép người dùng xem trang web dạng 3D.
Lê Phi (Theo AFP)