02/01/2010 - 08:45

TỪ NGÀY 1-1-2010

Những chính sách làm lợi cho dân

(Chinhphu.vn)- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số quy định mới liên quan thiết thực đến cuộc sống của người dân có hiệu lực thi hành kể từ ngày đầu năm mới 2010.

1. Bảo hiểm y tế tăng bằng 4,5% tiền lương

Theo Nghị định mới nhất quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) (Nghị định 62/2009/NĐCP), kể từ ngày 1-1-2010, mức đóng BHYT của các đối tượng tham gia bảo hiểm là 4,5% tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và bằng 3% mức lương tối thiểu đối với học sinh, sinh viên.

Từ 1-1-2010, người tham gia BHYT, khi khám chữa bệnh đúng tuyến đăng ký thì được Quỹ BHYT thanh toán chi phí như sau:

- 100% chi phí đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân; người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi.

- 95% chi phí đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

- 80% chi phí với các đối tượng khác.

Tất cả các đối tượng phải đồng chi trả đều được hưởng 100% chi phí nếu chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu chung.

Từ ngày 1-1-2012, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức đóng góp bằng 4,5% mức lương tối thiểu. Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng đối với học sinh, sinh viên mà thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng đối với học sinh, sinh viên mà không thuộc hộ cận nghèo.

Mặc dù, sau khi ban hành, cho đến nay vẫn còn một số thắc mắc về không dưới 2 trong nhiều điểm mới như vấn đề yêu cầu đối tượng bảo trợ xã hội (trẻ không nơi nương tựa, người già neo đơn...), thương binh dưới 81%, các cụ hưu trí phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh, hay người bị tai nạn giao thông có phải đóng chi phí khám chữa bệnh trước khi xác định có vi phạm Luật giao thông hay không, nhưng văn bản pháp luật quy định về vấn đề bảo hiểm xã hội nêu trên sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất triển khai chính sách xã hội đối với mọi người dân cả nước.

Cũng liên quan đến vấn đề BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết năm 2010, toàn bộ thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành theo mẫu, mã cũ dù còn thời hạn sử dụng sẽ không còn giá trị lưu hành. Thay vào đó, Bảo hiểm xã hội sẽ phát hành thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới, từ 1-1-2010. Trong thời gian chuyển tiếp giữa mẫu thẻ cũ và thẻ mới, người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ theo mẫu mới.

Những thẻ có trước ngày 1-1-2010 theo mẫu thẻ cũ mà còn thời hạn sử dụng sang năm 2010, thì vẫn được điều trị theo chế độ bảo hiểm mới cho tới khi ra viện.

2. Lương tối thiểu vùng tăng gần 200 nghìn đồng/tháng

Theo Nghị định 97/2009/NĐ-CP, 98/2009/NĐ-CP, mức lương tối thiểu của người lao động được áp dụng từ ngày 1-1-2010 sẽ được chia thành 4 vùng, sát với mức tiền công, tiền lương và mức sống tại mỗi vùng.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp trong nước lần lượt là: 980.00; 880.000; 810.000; 730.000 đồng/tháng và đối với lao động tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.340.000; 1.190.000; 1.040.000; 1.000.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng sắp tới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 80.000 - 180.000 đồng/tháng.

3.Tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay trung và dài hạn

Tiếp sau các gói kích cầu đã được Chính phủ triển khai hiệu quả trong năm 2009 góp phần giúp Việt Nam đối phó thành công với khủng hoảng kinh tế, trở thành 1 trong 12 quốc gia có tăng trưởng dương của thế giới, Chính phủ quyết định, trong năm 2010, Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất - kinh doanh (Quyết định 2072/QĐ-TTg).

Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất 2%/năm là các khoản vay trung và dài hạn ngân hàng thương mại bằng đồng Việt Nam thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế: nông nghiệp và lâm nghiệp; thủy sản; công nghiệp chế biến; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động thu mua và kinh doanh các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản, muối.

Đây là quyết định tiếp theo của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục những thành công của gói kích cầu năm 2009 góp phần quan trọng giúp GDP năm qua tăng trưởng 5,2%, dư nợ hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn đến cuối tháng 11-2009 đạt khoảng 380.000 tỉ đồng, ước cuối tháng 12-2009 là 400.000 tỉ đồng. Dư nợ hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn đến cuối tháng 11-2009 khoảng 59.000 tỉ đồng, ước cuối tháng 12-2009 là 70.000 tỉ đồng... Các chính sách này đã thực hiện được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất-kinh doanh, mở rộng đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, tạo việc làm...

4. Chính thức thu thuế kinh doanh chứng khoán

Mặc dù Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009 có quy định việc áp dụng thuế thu nhập đối với chuyển nhượng chứng khoán, nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, Quốc hội khóa XII đã nhất trí việc bắt đầu từ ngày 1-1-2010, mới chính thức thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân đối với chứng khoán, tức là lùi thời hạn triển khai 1 năm so với luật định.

Như vậy, tính từ ngày đầu tiên của năm mới 2010, khoảng 730 nghìn tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán đăng ký tại các công ty chứng khoán sẽ phải nộp thêm một khoản thuế thu nhập cá nhân với 1 trong 2 phương án mà Tổng cục thuế đã đưa ra. Một là, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đăng ký nộp thuế theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%. Hai là, trường hợp cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không đăng ký nộp thuế theo biểu thuế toàn phần với thuế suất 20% thì áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

Thực tế các công ty chứng khoán đã gấp rút đốc thúc các khách hàng làm thủ tục đăng ký nộp thuế (đối với các tài khoản mới) trước thời điểm 1-1-2010 để sẵn sàng cho việc thực hiện luật thuế này, tuy nhiên, không phải là không có nhà đầu tư còn e ngại, lúng túng khi triển khai.

5. Cắt giảm mức thuế xuất, nhập khẩu

Việc cắt giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo biểu thuế mới ban hành kèm theo Thông tư 216/TT-BTC nằm trong lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cụ thể, các mức thuế suất được cắt giảm hơn so với mức thuế hiện hành từ 1% đến 6%, trong đó mức giảm chủ yếu là 2% - 3%. Cùng với việc tập hợp lại các mức thuế suất đã được sửa đổi rải rác trong năm 2008, gộp thuế suất để đơn giản hóa, mức thuế trung bình là 10,54% (mức thuế trung bình hiện hành là 11,14%). Trong đó, các mức thuế suất phổ biến là từ 0% đến 30%, chiếm khoảng 91% tổng số dòng thuế.

Theo biểu thuế mới, có tổng cộng 1.654 dòng thuế phải thực hiện cắt giảm theo cam kết WTO. Trong số các nhóm hàng giảm theo cam kết và gộp thuế, đối với các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là xăng dầu, ô tô xe máy, linh kiện và máy móc trang thiết bị, sắt thép thì các mức thuế cho các nhóm này đều là mức trần WTO (trừ xăng dầu).

Biểu thuế mới cũng đã gộp thuế suất của các mặt hàng nhằm đơn giản hóa các mức thuế suất khi thực hiện cắt giảm theo cam kết vào năm 2010. Theo đó có khoảng 40 mức thuế, thay vì lẽ ra phải chi tiết đến hơn 130 mức thuế khi cắt giảm theo cam kết (biểu thuế hiện hành có 64 mức thuế suất).

Theo phân tích của Bộ Tài chính, với việc cắt giảm thuế trên nhằm đảm bảo thực hiện cam kết năm 2010 trong WTO. Tuy nhiên việc cắt giảm không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách Nhà nước.

6. Tiếp tục cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường

Sau hơn 4 năm tạm ngưng cấp phép mới kinh doanh karaoke, vũ trường, 2 lĩnh vực có thể coi là nhạy cảm nhất của kinh doanh văn hóa dịch vụ công cộng, thì Nghị định 103/2009/NĐ-CP quy định, từ 1-1-2010, các tỉnh, thành đã có quy hoạch về vũ trường và karaoke được tiếp tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường theo đúng quy hoạch.

Có sự việc ngừng cấp phép này là do vào cuối năm 2004 đầu năm 2005, đã xảy ra những tiêu cực nghiêm trọng trong một số quán bar, nhà hàng karaoke và vũ trường nên ngày 25-5-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg quy định tạm ngừng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên cả nước để các cấp, các ngành rà soát, đánh giá hoạt động của cơ sở hiện có, từ đó xây dựng quy hoạch và tăng cường biện pháp quản lý.

Để được hoạt động trở lại, điều kiện tiên quyết kinh doanh vũ trường là phòng khiêu vũ phải có diện tích từ 80 m2 trở lên; phòng hát karaoke thì phải rộng từ 20m2 trở lên, cửa phòng phải là cửa kính không màu, không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt các thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hai địa điểm kinh doanh vũ trường và karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử, cơ quan hành chính nhà nước tối thiểu là 200m và không được phép hoạt động sau 12h đêm đến trước 8h sáng.

Theo ông Lê Anh Tuyến, Vụ Trưởng Vụ pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc cho phép cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vũ trường, karaoke sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý chặt hơn loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa này. Vì khi cấp mới, toàn bộ những giấy phép cũ không còn hiệu lực nữa, cơ quan có thẩm quyền sẽ có điều kiện rà soát lại những tiêu chí, tiêu chuẩn về phòng ốc, âm thanh, ánh sáng, nhân viên phục vụ... để đảm bảo hoạt động này thực sự có sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.

7. Tổng kiểm kê đất đai toàn quốc

Theo Chỉ thị 618/CT-TTg, thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1-1-2010, từng cấp hành chính, trong đó xã, phường, thị trấn là đơn vị cơ bản tiến hành kiểm kê đất đai. Theo kế hoạch, sẽ kiểm kê diện tích các loại đất chính gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng và thêm nhóm quan sát là đất có mặt nước ven biển. Đất nông nghiệp gồm nhiều nhóm nhỏ như đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản... Đất phi nông nghiệp có đất ở, đất chuyên dùng, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất sông suối và mặt nước chuyên dùng. Nhóm đất chưa sử dụng có đất bằng, đất đồi núi, núi đá không có rừng cây...

Hiện trạng diện tích tự nhiên sau kiểm kê đất đai năm 2010 được so sánh, đối chiếu với hồ sơ địa giới hành chính nhằm hoàn chỉnh hồ sơ địa giới hành chính, phục vụ giải quyết dứt điểm vấn đề địa giới hành chính.

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11-11-2009 của Chính phủ cũng có hiệu lực từ 1-1-2010 quy định mức xử phạt tối đa hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ tăng gần 20 lần so với trước đây.

8. Cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà

Quyết định 1315/2009/QĐ-TTg quy định rõ: nghiêm cấm hút thuốc lá từ 1-1-2010 ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng; tiến tới cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà vào năm 2010.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá hàng đầu trên thế giới và có xu hướng tăng dần qua các năm. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên, độ tuổi từ 17-24 khá cao, chiếm 43,6%. Đây là nguy cơ đáng báo động, góp phần gia tăng tỷ lệ mắc và chết do sử dụng thuốc lá, thuốc lào trong thập kỷ tới. Theo quy định, mức xử phạt sẽ là nhắc nhở, cảnh cáo và phạt tiền từ 50.000 -100.000 đồng. Thanh tra chuyên ngành của các bộ ngành, UBND các cấp sẽ là lực lượng kiểm soát việc thực hiện và xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận, trên thực tế việc thực thi môi trường không khói thuốc còn chưa nghiêm, việc tiến hành xử phạt cũng rất khó khăn do lực lượng thanh tra còn quá mỏng.

9. Công chức làm sai phải bồi thường

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường. Đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam quy định rõ 11 hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra mà Nhà nước phải bồi thường. Trong đó có những hành vi phổ biến như trong ban hành quyết định xử phạt hành chính; cấp, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và một số giấy tờ có giá trị khác; áp dụng thu phí, lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng...

Người thi hành công vụ nếu phạm lỗi cố ý thì buộc phải trả lại một phần kinh phí Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trong 3 lĩnh vực hoạt động cơ bản của Nhà nước là lập pháp (xây dựng pháp luật), hành pháp (quản lý hành chính) và tư pháp (điều tra, truy tố và xét xử), Luật trên tập trung quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong 2 lĩnh vực quản lý hành chính và tư pháp. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao lên một bước chất lượng hoạt động tư pháp, khi mà thực tế hàng năm cả nước có khoảng 200 ngàn vụ án dân sự trong khi vẫn còn tồn tại một số lượng không nhỏ các vụ án xử oan, sai khiến nhân dân bức xúc thời gian qua.

10. Bỏ hình phạt tử hình một số tội danh

Điểm mới rất đáng chú ý của luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là việc bổ sung các quy định liên quan đến tội phạm về kinh tế và môi trường, đồng thời bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, gồm: hiếp dâm; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buôn lậu; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; đưa hối lộ; hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự sau 8 năm thi hành (từ năm 1999) hiện đang bộc lộ những bất cập, văn bản luật mới có hiệu lực từ 1-1-2010 đã giảm hình phạt tử hình, điều chỉnh mức định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm, điều chỉnh cấu thành tội phạm và hình phạt đối với một số tội phạm về kinh tế, môi trường, tội phạm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ,... góp phần quan trọng cải cách tư pháp, thể hiện chủ trương nhân đạo hóa của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, là cơ sở pháp lý tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết trong các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

11. Thôi việc công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ

Điều 58. Phân loại đánh giá công chức: 

Công chức 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác.

Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.

Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và củng cố trật tự kỷ cương trong thực thi công vụ, Luật Cán bộ, công chức (CBCC) quy định rõ hơn chính sách về quy hoạch, tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đãi ngộ cán bộ công chức. Ví dụ, về đãi ngộ, luật nói rõ quyền của CBCC về tiền lương được Nhà nước bảo đảm tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Người nào có tài năng sẽ được trọng dụng và trả lương xứng đáng. Điều này sẽ hạn chế tính cào bằng trong trả lương và đãi ngộ CBCC như trước kia. Hay về chính sách tuyển dụng CBCC, luật lần này đề cao nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật và đúng người, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí làm việc.

Nhìn lại sau hơn hai mươi năm đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ CBCC có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng, có kiến thức, trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, trong tổng số 195.422 cán bộ công chức hành chính cả nước (số liệu công bố năm 2008), đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn bất cập, hẫng hụt về một số mặt như: tri thức và năng lực quản lý nhà nước về xã hội, kinh tế thị trường, pháp luật, hành chính, kỹ năng thực thi công vụ cũng như khả năng vận dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý... Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng CBCC, đặc biệt là đối với CBCC hành chính nhà nước.

12. Quy hoạch đô thị phải lấy ý kiến của nhân dân

Thời gian qua, hệ thống các đô thị ở nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Tính đến nay, cả nước đã có trên 743 đô thị các loại, bao gồm từ đô thị loại V đến đô thị loại đặc biệt. Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 30%. Ngoài ra, cả nước hiện có trên 160 khu công nghiệp tập trung, 10 đô thị mới, 28 khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế đặc thù, góp phần mở rộng mạng lưới đô thị quốc gia.

Nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của đô thị hiện nay, nhất là vấn đề nhà ở và các dịch vụ đô thị... Tất cả những đổi thay này đã làm cho bộ mặt đô thị Việt Nam có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế phát triển đô thị ở Việt Nam vẫn còn một số vấn đề tồn tại làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển các đô thị nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Việc quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn lãng phí. Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện. Các vấn đề về nhà ở, giao thông đô thị đang gây nhiều bức xúc. Kiến trúc đô thị còn chắp vá, thiếu bản sắc. Công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn bất cập.

Pháp luật hiện hành của nước ta đã có nhiều quy định về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên các quy định này còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp, nhiều quy định lạc hậu so với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý phát triển đô thị và hội nhập quốc tế.

Giải quyết thực trạng này, Luật Quy hoạch đô thị ra đời, quy định chặt chẽ việc phải tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch đô thị; công bố công khai đồ án quy hoạch đô thị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt.

Ngoài ra, Luật Quy hoạch đô thị cũng quy định chính quyền đô thị có trách nhiệm cấp giấy phép quy hoạch đô thị, việc cấp phép quy hoạch để các chủ đầu tư có cơ sở lập quy hoạch chi tiết hoặc dự án đầu tư xây dựng công trình, do nhiều khu vực hiện nay trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị được duyệt.

13. Người lao động bắt đầu được chi trả bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là loại hình bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) và các loại hình doanh nghiệp. Đây là chính sách mới có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của NLĐ, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội. BHTN không chỉ hỗ trợ tiền mặt khi thất nghiệp mà còn tạo điều kiện để NLĐ học nghề, được tư vấn và giới thiệu việc làm, hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Mức đóng và hưởng BHTN:

Người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng và Nhà nước sẽ hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

Các quy định về BHTN bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009 và chính thức thực hiện chi trả từ ngày 1-1-2010.

Ông Liễu Nhân Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác VN 1 (khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, từ năm 2009 trở về trước, để hỗ trợ cho NLĐ thôi việc, mất việc, Công ty phải lập Quỹ dự phòng trợ cấp. Nguồn duy trì quỹ được trích từ lợi nhuận của DN; chi trả trợ cấp thôi việc bằng chi phí đầu vào và hạch toán vào giá thành, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh nên ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của Công ty. Từ năm 2010 khi đã tham gia BHTN cho NLĐ thì sự có mặt Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm là không cần thiết vì mọi việc chi trả trợ cấp cho NLĐ do cơ quan BHXH thực hiện.

Trong thời kỳ khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay thì thất nghiệp có thể xảy ra với bất kỳ NLĐ nào, nhất là những NLĐ yếu thế, lao động phổ thông, không có tay nghề. Vì vậy tham gia BHTN chính là phương tiện hữu hiệu bảo vệ NLĐ khi gặp rủi ro về việc làm.

 

Chia sẻ bài viết