14/06/2018 - 09:37

Những cây di sản ở Trường Sa 

Tán bàng vuông, cây phong ba, mù u hàng trăm tuổi tỏa bóng mát che nắng che mưa cho bộ đội và nhân dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, là những cây được công nhận là cây di sản.

Những cây di sản ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) gồm một cây phong ba trên xã đảo Song Tử Tây, một cây bàng vuông trên đảo Nam Yết, hai cây mù u trên xã đảo Sinh Tồn và đảo Sơn Ca. Bốn cây này được Hội đồng cây di sản Việt Nam công nhận năm 2016, đều là những cây “đặc trưng” của Trường Sa.

Cây bàng vuông trên đảo Nam Yết.

Trung tá Nguyễn Đức Độ, Chỉ huy đảo Song Tử Tây, cho biết: Cây phong ba phía sau Sở Chỉ huy xã đảo Song Tử Tây, có tuổi đời gần 300 năm tuổi, cao 25m. Chu vi thân cây 3,8m, tán rộng 35m. Ngày 14/4/1975, khi Song Tử Tây được giải phóng thì cây đã thuộc vào hàng cổ thụ trên đảo. Cây phong ba cùng cột mốc chủ quyền là chứng tích lịch sử đặc biệt, khẳng định chủ quyền liên tục của nhà nước Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Nhiều cây cổ thụ trên đảo Nam Yết tạo bóng mát cho chiến sĩ và nhân dân trên đảo.


Trên đảo Nam Yết có cây bàng vuông 8 nhánh có tuổi thọ khoảng 300 năm, cao 15m, tán rộng hơn 30m phủ bóng. Tương truyền, trước đây thân cây bàng vuông này cũng chỉ có 1 nhánh giống như những cây được trồng xung quanh đảo, nhưng trải qua nhiều năm với khí hậu khắc nghiệt, thân cây bị mục, gãy. Không ngờ sau một thời gian, từ thân cây mục ấy mọc lên 8 nhánh lớn dần và tươi tốt. Chính điều này đã khiến cho cây trở thành một trong những biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của đất và người Trường Sa.

Cây mù u trên đảo Sinh Tồn.

Cây di sản trên đảo Song Tử Tây.

Sự hiện diện của các cây di sản này trên quần đảo Trường Sa không chỉ góp phần làm trong sạch môi trường, tăng thêm sức sống, màu xanh trên đảo, mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa, khẳng định chủ quyền biển, đảo của dân tộc Việt Nam.

Theo Báo Đất Mũi

Chia sẻ bài viết