05/09/2008 - 22:00

Những bước chuyển trong đào tạo đại học, cao đẳng

Năm học 2007-2008, các trường đại học, cao đẳng đã triển khai thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, chuyển từ “chỉ đào tạo những gì mình có” sang “đào tạo những gì xã hội cần”. Đây là bước chuyển quan trọng, đòi hỏi các trường đầu tư đổi mới phương pháp, chương trình giảng dạy; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị... Quá trình này là quá trình lâu dài với những khó khăn khi nguồn lực đầu tư cho các trường còn hạn chế. Những chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ góp phần giải khó cho các trường?

HỌC CHẾ TÍN CHỈ: KHÔNG HOÀN TOÀN SUÔN SẺ

Chuyển từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ đang là vấn đề quan tâm của nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đến năm 2010, 100% trường ĐH, CĐ trong toàn quốc sẽ thực hiện học chế tín chỉ. Đây là bước đi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Đồng thời, tạo thuận lợi cho người học tích lũy kiến thức theo khả năng và điều kiện của mình; có thể di chuyển học tập trong nước và quốc tế; tiến tới xóa bỏ sự khác biệt giữa các hình thức đào tạo; sớm hội nhập với giáo dục ĐH khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ- nhất là những trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất- gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện học chế tín chỉ. Dạy và học theo học chế tín chỉ đòi hỏi phải có hệ thống giảng đường trống, mở cửa liên tục, có đầy đủ hệ thống thông tin, thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập... để phục vụ sinh viên tự học, nghiên cứu. Trong khi đó, ở ĐBSCL, các trường ĐH, CĐ mới được thành lập đang gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất. Một số trường phải thuê địa điểm giảng dạy.

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu là một trong những trở ngại của các trường trong việc chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phải học tại trụ sở của CLB Hưu trí TP Cần Thơ. Ảnh: BÍCH NGỌC  

Ông Hà Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang, bức xúc: “Với những trường mới thành lập, nâng cấp cần được đầu tư nhiều và kịp thời mới có thể đảm bảo chất lượng đào tạo”. Ông Phạm Phát, Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, cho rằng: “Đó là chưa kể đến yếu tố con người- một trong những yếu tố quan trọng, quyết định cho việc chuyển đổi. Trong thời gian 1-2 năm, các trường mới được thành lập, hoặc nâng cấp từ CĐ lên ĐH khó có khả năng xây dựng được đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ”.

Các trường ĐH, CĐ cũng gặp khó về phần mềm phục vụ cho việc thực hiện học chế tín chỉ, bởi Bộ GD&ĐT chỉ tập huấn chung chung mà chưa chuyển giao công nghệ cho trường. Mặt khác, mỗi phần mềm trị giá hơn 300 triệu đồng, không phải trường nào cũng có khả năng đầu tư. Ông Phạm Phát đề nghị: “Bộ GD&ĐT cần xây dựng một phần mềm chung để các trường có thể dựa vào đó thiết kế chương trình phù hợp với thực tế của trường, của địa phương. Việc xây dựng phần mềm dùng chung này còn có tác dụng lớn là tránh lãng phí so với việc tất cả các trường tự mua phần mềm riêng”.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long thống nhất sẽ cho phép các trường thiếu thốn cơ sở vật chất có thời gian rộng rãi hơn trong việc chuyển đổi sang học chế tín chỉ. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục tập huấn cho các trường; liên kết để tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho việc chuyển đổi ở những trường đặc thù. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng đồng ý và chỉ đạo các bộ phận liên quan xây dựng phần mềm dùng chung để chuyển giao cho các trường, tránh lãng phí.

KHUNG HỌC PHÍ MỚI: GIẢI KHÓ CHO CÁC TRƯỜNG

Năm 2006, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH là 4.883 tỉ đồng (chưa bao gồm chi giáo dục an ninh, quốc phòng, chi đào tạo cán bộ ở nước ngoài, chi bồi dưỡng cán bộ công chức dài hạn), chiếm 8,91% tổng chi ngân sách Nhà nước cho các cấp học và trình độ đào tạo. Phần chi của nhà nước chiếm 63% tổng chi phí đào tạo ĐH. Ước tính năm 2008, Nhà nước chi cho giáo dục ĐH 9.559 tỉ đồng (đã bao gồm các khoản chi: giáo dục an ninh, quốc phòng, đào tạo cán bộ ở nước ngoài, bồi dưỡng cán bộ công chức dài hạn), chiếm 13% tổng chi ngân sách cho các cấp học. Mặc dù mức chi khá cao nhưng các cơ sở giáo dục, nhất là trường ĐH, CĐ vẫn thiếu hụt nghiêm trọng kinh phí mua tài liệu, dụng cụ học tập, thí nghiệm, thực tập, kinh phí bảo dưỡng cơ sở vật chất ở mức tối thiểu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy ở bậc ĐH và mục tiêu nâng cao chất lượng của toàn ngành. Vì vậy, học phí có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung nguồn lực cho các cơ sở đào tạo.

Từ năm 1998 đến nay, mức thu học phí của sinh viên các trường ĐH công lập được thực hiện theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 54/1998/TTLT Bộ GD&ĐT ngày 31-8-1998. Năm 2006, nguồn thu học phí chiếm 27,4% tổng nguồn tài chính của giáo dục đại học công lập. Hầu hết các trường ĐH, CĐ đều cho rằng, mức thu quá thấp, không phù hợp với mặt bằng giá cả và chính sách cải tiến tiền lương trong những năm qua. Bên cạnh đó, phương thức miễn, giảm học phí trong các cơ sở giáo dục đào tạo không phù hợp, nhất là miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, một trong những chủ điểm trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2008-2009 là “Đổi mới cơ chế tài chính”; trong đó, có qui định khung học phí mới. Đối với các chương trình đào tạo đại trà sẽ có mức học phí hợp lý để cho phần lớn sinh viên có thể theo học, đối tượng nghèo có thể vay tín dụng ngân hàng chính sách xã hội để đóng học phí và sinh hoạt phí để đi học. Khung học phí mới sẽ được chia theo 7 nhóm ngành đào tạo và theo các trình độ. Nguồn thu học phí từng bước đảm bảo chi phí thường xuyên, tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo. Trước mắt, từ năm học 2008-2009, học phí đảm bảo chi phí tiền lương và các khoản có tính chất lương. Đến năm 2012, nguồn thu học phí sẽ trang trải từ 55-60% chi thường xuyên. Đối với chương trình chất lượng cao, ngoài phần ngân sách chi, phần còn lại do người học đóng góp để có thể thụ hưởng giáo dục chất lượng cao...

Chủ trương tăng học phí của Bộ GD&ĐT đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các trường. Về phía người học, vấn đề được quan tâm là làm sao tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi và nguồn vốn này trang trải được chi phí học tập. Có như vậy, mới lợi cả đôi đàng!

* * *

Năm học 2008-2009 là năm học bản lề cho những thay đổi lớn trong giáo dục ĐH, CĐ. Với ĐBSCL- khu vực có rất nhiều trường ĐH, CĐ mới thành lập, còn không ít khó khăn về nguồn lực để phát triển- đây là cơ hội và cũng là thách thức. Cơ hội khi Chính phủ đã quyết định đầu tư 100 triệu USD xây dựng trường đại học quốc tế tại TP Cần Thơ; khi vùng có Trường Đại học Cần Thơ là một trong những trường đại học đi đầu trong đổi mới giáo dục của cả nước... Thách thức chính là các trường sẽ tận dụng và phát huy cơ hội này như thế nào.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết