25/04/2015 - 08:52

NHỮNG BÍ THƯ KHU ỦY MƯU LƯỢC KIÊN CƯỜNG

* NGUYỄN TRUNG MỸ

Quá trình 21 năm chống Mỹ, Đảng bộ Miền Tây Nam Bộ kinh qua 5 đời Bí thư Khu ủy. Bốn năm đầu (tháng 10/1954 đến 1959), đồng chí Phạm Thái Bường lãnh đạo đấu tranh chính trị. Cao điểm là chống gom dân lập ấp. Hàng chục khu trù mật khắp miền Tây và Luật 10/59 đàn áp tàn bạo những cán bộ cộng sản kiên cường và nhân dân ta đã dũng cảm đấu tranh chống lại bọn Mỹ Diệm theo “Đường lối cách mạng miền Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Đoàn xe thiết giáp Quân khu 9 cùng các đoàn thể, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ diễu hành qua lễ đài mừng đại thắng lịch sử 30-4-1975. Ảnh: TƯ LIỆU 

Từ giữa năm 1959 đến tháng 10/1968, đồng chí Nguyễn Thành Thơ (Mười Khẩn) làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Đồng Văn Cống - Tư lệnh Quân khu 9 đã lãnh đạo Quân đội ta ở miền Tây Nam Bộ đánh bại hai cuộc chiến tranh “đặc biệt” và “cục bộ” mà đỉnh cao là cuộc Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân, góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Năm 1969, đồng chí Phạm Thái Bường trở lại làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Nguyễn Hoài Pho (Ba Mai), thượng tá, Phó Tư lệnh Quân khu 9 lãnh đạo quân dân ta ở miền Tây Nam Bộ đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Tây Nam Bộ. Nổi bật là 3 đợt bình định “cấp tốc phá nát U Minh”, “tiêu diệt cơ quan đầu não” Khu ủy Tây Nam Bộ (1969 - 1971). Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Quân dân ta kết hợp phong trào nhân dân du kích chiến tranh, bộ đội địa phương, lực lượng phòng thủ võ trang của Khu ủy và các đơn vị chủ lực khu đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 80.000 quân địch, bắn cháy, chìm hơn 500 tàu thuyền, bắn rơi hơn 80 máy bay các loại (phần lớn là máy bay trực thăng).

Giữa năm 1971, đồng chí Võ Văn Kiệt (Tám Thuận), Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục về nhận nhiệm vụ Bí thư Khu ủy. Đồng chí Lê Đức Anh (Chín Hòa), Đại tá Tư lệnh Quân khu đề ra Chỉ thị 02/TVKU. Hai đồng chí lãnh đạo này đã đồng lòng dốc hết sức lãnh đạo chỉ huy quân đội ta ở miền Tây mở đợt tấn công từ tháng 4 đến tháng 8/1972, phối hợp toàn chiến trường miền Nam giành thắng lợi quyết định buộc Mỹ chịu thua, ký kết Hiệp định Paris 1973. Nhưng vốn chúng rất ngoạn cố, nên đã tập trung 75 lượt tiểu đoàn bình định vùng Chương Thiện. Dưới sự chỉ huy sáng suốt tài tình của đồng chí Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt và đồng chí Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh, quân dân miền Tây đã đánh thiệt hại nặng, tan rã 33 tiểu đoàn địch vi phạm Hiệp định Paris “Cắm cờ lấn đất giành dân” trong năm 1973, khiến chúng thất bại nặng nề không gượng dây nổi.

Tháng 9/1973, Trung ương rút đồng chí Võ Văn Kiệt về làm Thường trực Trung ương Cục. Đồng chí Vũ Đình Liệu (Tư Bình) được cử làm Bí thư. Đồng chí Lê Đức Anh ra Trung ương báo cáo tình hình diễn biến thắng lợi của quân ta ở miền Tây. Sau đó đồng chí được rút về Ban quân sự miền. Đồng chí Phạm Ngọc Hưng thay thế làm Tư lệnh Quân khu 9, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy. Bổ sung 3 đồng chí thuộc khối Quân sự vào Khu ủy. Đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung), Phó Tư lệnh phụ trách mặt trận tiền phương Chương Thiện; đồng chí Lê Đình Chức, Phó Tư lệnh Quân khu phụ trách mặt trận tiền phương Châu Hà đón các đơn vị trên Trung ương Cục chi viện cho miền Tây; đồng chí Bùi Như Nho (Tám Xuân), Phó Chính ủy Quân khu 9.

Với lực lượng Ban lãnh đạo Khu ủy và Quân khu ủy hùng hậu trên 30 ủy viên đã chỉ đạo đúng hướng, phối hợp toàn chiến trường trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã đập tan Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 của Mỹ - ngụy, buộc tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh và tướng Lê Văn Hưng, Phó Tư lệnh vùng 4 ngụy phải tự tử. Tối 30/4, đồng chí Trần Minh Sơn (Bảy Mạnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ cùng Tiểu đoàn Tây Đô vượt lộ Vòng Cung vào chiếm Dinh tỉnh trưởng bắt sống Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh sư đoàn 21 và Tư lệnh mặt trận Lộ Vòng Cung tại Sở Chỉ huy Dinh Tỉnh trưởng ngụy. Quân dân ta chiếm lĩnh và tiếp quản nguyên vẹn thành phố Cần Thơ - đầu não vùng 4 chiến thuật của ngụy, và các tỉnh lỵ, quận lỵ, chi khu, căn cứ quân sự, đồn bót toàn miền Tây. Quản lý lâm thời theo chế độ “Quân quản” trong 7 tháng cuối năm 1975 đến khi cấp khu giải thể. Thắng lợi trọn vẹn như trong mơ.

BAN CHẤP HÀNH KHU ỦY MIỀN TÂY NAM BỘ THỜI KỲ CHỐNG MỸ
 (cuối năm 1954 - 6/1976)

I. Bí thư Khu ủy
1 - Phạm Thái Bường (Tư Phòng), Ủy viên Trung ương Cục, Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây.
2- Nguyễn Thành Thơ (Mười Khẩn), Bí thư Liên tỉnh ủy, Chính ủy Quân khu miền Tây.
3 - Võ Văn Kiệt (Tám Thuận), Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu miền Tây.
4 - Vũ Đình Liệu (Tư Bình),  Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu miền Tây.
II. Phó Bí thư Khu ủy
1- Trần Văn Bỉnh (Bảy Thang), Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây.
2- Đồng Văn Cống (Chín Hồng), Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu miền Tây.
3- Lê Đức Anh (Chín Hòa), Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu miền Tây.
4- Trần Văn Long (Mười Dài), Phó Bí thư Khu ủy, Phó Chính ủy Quân khu miền Tây.
III. Thường vụ Khu ủy
1- Lâm Văn Thê (Ba Hương), Ủy viên Thường vụ Khu ủy, phụ trách an ninh Khu.
2- Phạm Ngọc Sến (Mười Kỹ), Ủy viên Thường vụ Khu ủy, phụ trách an ninh Khu.
3- La Lâm Gia (Bảy Máy), Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Tiền phương lực lượng vũ trang.
4. Phạm Ngọc Hưng (Năm Hải), Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Tư lệnh Quân Khu miền Tây.
5- Châu Văn Đặng, Ủy viên Thường vụ Liên Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn miền Tây.
6- Phạm Văn Kiết (Năm Vận), Ủy viên Thường vụ,  Khu ủy miền Tây, Trưởng ban Tuyên huấn.
IV - Khu ủy viên
1 - Văn Viên, Ủy viên Liên Tỉnh ủy miền Tây.
2- Nguyễn Hữu Xuyến, nguyên Tham mưu trưởng miền Tây, Ủy viên.
3- Phạm Công Cương (Chín Lân), Ủy viên Khu ủy, Trưởng Ban Tổ chức Khu.
4- Trần Việt Châu (Sáu Tân), Ủy viên Khu ủy, Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
5- Nguyễn Hoài Pho (Ba Mai), Ủy viên Khu ủy, Thượng tá, Phó Tư lệnh Quân khu.
6- Võ Văn Sỹ (Hai Sỹ), Ủy viên Khu ủy, Trưởng ban Tài chính Khu.
7 - Nguyễn Hồng Sơn (Cò Già), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
8- Phan Thị Tốt (Ba Tốt), Phụ nữ khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
9- Nguyễn Thị Được (Hai Được), Phụ nữ khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
10- Nguyễn Hữu Sanh (Mười Thiện), Trưởng Ban An ninh khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
11- Nguyễn Văn Hơn (Hai Tân), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
12- Bùi Thanh Khiết, Phó Chính ủy Quân khu 1971, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
13- Trần Quang Quít (Tám Quít), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
14- Lê Thị Bảy (Bảy Lê), Hội trưởng Hội Phụ nữ, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
15- Nguyễn Đáng (Năm Trung), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
16- Nguyễn Văn Cúc (Năm Cúc), Trưởng ban An ninh Khu miền Tây.
17- Nguyễn Văn Đáng (Tư Huờn), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
18- Hồ Nam (Năm Đạt), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
19- Nguyễn Văn Nam (Năm Nam), Chánh Văn phòng Khu ủy, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
20- Nguyễn Đình Chức (Tư Chức), Phó Tư lệnh Quân khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
21- Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
22- Nguyễn Tân Liêng (Bảy Sách), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
23- Nguyễn Đệ (Ba Trung), Phó Tư lệnh Quân khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
24- Nguyễn Khắc Đăng (Sáu Phải), Trưởng Ban Tuyên huấn Khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
25- Maha Sơn Thông (Mười Tăng), Khmer vận Khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
26- Nguyễn Ký Ức (Sáu Ức), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
27- Phạm Trọng Yêm (Chín Công), Chánh Văn phòng Khu ủy, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
28- Trịnh Thế Cang (Sáu Cang), phụ trách Khmer, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
29- Lê Thanh Nhàn (Ba Râu), Trưởng ban Tuyên huấn Khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
30- Nguyễn Thị Vân (Bảy Vân), cán bộ báo chí Trung ương, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
31- Nguyễn Tấn Thanh (Chín Cửu), Ủy viên Khu ủy miền Tây.
32- Bùi Như Nho (Tám Xuân) Phó Chính ủy Quân khu, Ủy viên Khu ủy miền Tây.
33- Dương Cự Tẩm (Năm Thanh), Phó Chính ủy Quân khu 1967, Ủy viên Khu ủy miền Tây.

BAN LIÊN LẠC VĂN PHÒNG KHU ỦY TÂY NAM BỘ
  Trích trong lịch sử Tây Nam Bộ
         (1945-1975)

Chia sẻ bài viết