11/07/2010 - 20:48

Những bài học phát huy sức dân chỉnh trang đô thị

Khơi dậy và phát huy sức dân tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện nâng cấp, chỉnh trang đô thị là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà thành phố đã đề ra để đẩy nhanh tiến trình phát triển. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ, phát huy được vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong việc đóng góp xây dựng và giám sát các công trình. Tuy nhiên, cũng còn một số địa phương xem nhẹ công tác này, khiến người dân bức xúc...

Trở lại khu vực 4, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, nhìn tuyến hẻm 286 được nâng cấp khang trang, sạch đẹp, chúng tôi cũng vui lây với bà con nơi đây. Theo một số người dân ở khu vực 4, hẻm 286 bị xuống cấp đã nhiều năm qua, mỗi khi trời mưa, cả tuyến hẻm ngập nước, lầy lội, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Trước những bức xúc của bà con, cán bộ khu vực, phường, đã đề xuất lên quận có hướng đầu tư nâng cấp hẻm và được quận thống nhất chủ trương đầu tư nâng cấp hẻm theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40%. Theo kết quả khảo sát, thiết kế, để nâng cấp toàn tuyến hẻm (dài hơn 337 mét, mặt đường rộng từ 2 đến 3 mét), bao gồm tráng bê tông và đặt hệ thống cống thoát nước, tổng chi phí hơn 1 tỉ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 340 triệu đồng.

Hẻm 286 được xây dựng khang trang. 

Đồng chí Nguyễn Văn Đỉnh, Bí thư phường Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: “Để tạo được sự đồng thuận của nhân dân, lãnh đạo phường yêu cầu cán bộ phụ trách và các cán bộ khu vực phải thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, bên cạnh thực hiện tốt việc công khai các khoản đóng góp, chi phí xây dựng, còn phải chú trọng phát huy vai trò người dân trong công tác giám sát, đảm bảo chất lượng công trình”. Với sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng ủy, cán bộ phường, khu vực tổ chức nhiều cuộc họp dân để bà con đóng góp vào phương án thi công, công khai mức đóng góp của từng hộ và những trường hợp miễn, giảm... Bà con cũng thống nhất bầu tổ giám sát cộng đồng gồm đại diện khu vực, Mặt trận, người dân... để phối hợp cùng tổ giám sát của đơn vị thi công thực hiện việc giám sát công trình. Ông Huỳnh Văn Sáu được bà con tín nhiệm bầu vào tổ giám sát thi công công trình, kể: “Được sự tín nhiệm của nhân dân, tôi phối hợp cùng tổ giám sát của đơn vị thi công, cán bộ khu vực và bà con thay phiên nhau giám sát từng công đoạn của công trình, từ khâu trộn hồ, đổ cát nền, đổ mặt bằng, đóng cừ...”. Cũng theo ông Sáu và các cán bộ phường, khu vực, nhờ có bảng thiết kế kỹ thuật của công trình nên khi đơn vị thi công thực hiện không đúng thiết kế, tổ giám sát đều phát hiện ngay và đề nghị khắc phục kịp thời, đảm bảo được chất lượng công trình. Chẳng hạn, khi đơn vị thi công đóng cừ tràm không theo độ sâu quy định, tổ giám sát kiểm tra, xác định nguyên nhân do đất ở đây quá cứng nên chấp nhận một số nơi đóng cừ tràm không đủ độ sâu như thiết kế, nhưng tổ cũng yêu cầu đơn vị thi công chặt ngang những đoạn cừ còn dư và đóng xuống để gia tăng độ cứng của nền móng. Quá trình thi công có một số đoạn gặp mưa không đạt chất lượng, hay khi xây hố ga bị trôi phần hồ... tổ giám sát đều yêu cầu đơn vị thi công thực hiện lại...

Sau một thời gian thi công, công trình nâng cấp hẻm 286 ở khu vực 4, phường Bùi Hữu Nghĩa, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với chất lượng được bảo đảm. Đồng chí Nguyễn Văn Đỉnh, Bí thư phường Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: “Nhờ phát huy dân chủ nên quá trình vận động và xây dựng hẻm 286, chúng tôi được nhân dân đồng tình. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu để phường tiếp tục phát huy trong công tác vận động nhân dân, cũng như trong quá trình lãnh đạo điều hành ở địa phương trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của người dân xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.

* * *

Trong buổi tiếp xúc gần đây với đại biểu Quốc hội, một cử tri ở khu vực 2, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, đã bức xúc phản ảnh: Thực hiện Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ, trước đây, Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ và chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân, vận động bà con đóng góp xây dựng tuyến hẻm 54 (bao gồm tuyến chính và tuyến hẻm nhánh), được đông đảo bà con đồng tình, một số hộ cũng đã góp tiền 10% theo quy định. Thế nhưng hiện nay, chỉ có phần nhánh hẻm 54 chuẩn bị triển khai thi công. Nhiều bà con không hiểu nguyên nhân vì sao chính quyền không thực hiện đúng như những gì đã họp và công bố trước dân. Ông Lê Văn Bé, Trưởng khu vực 2, phường An Hòa, cho biết: “Sau các cuộc họp dân, khu vực đã thu tiền đóng góp 10% của một số hộ ở tuyến hẻm 54 và đã nộp về tài chính đúng theo qui định. Vì thế, sau khi có thông tin chỉ thi công phần hẻm nhánh, nhiều bà con thắc mắc, đến hỏi nhưng chúng tôi không biết lý do để trả lời cho bà con. Theo tôi, cách làm như vậy rất dễ làm chính quyền cơ sở mất uy tín với dân và ảnh hưởng đến công tác vận động quần chúng sau này”.

Trước phản ánh của cử tri, UBND phường An Hòa đã có Công văn số 38/CV-UBND.P, ngày 31-5-2010, đề nghị Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ trả lời. Theo văn bản phản hồi của lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị thành phố, trong quá trình lập thiết kế cơ sở, do số lượng hẻm và hẻm nhánh nâng cấp quá lớn nên tư vấn có sơ suất trong khâu nhập số liệu dẫn đến thiếu khối lượng của hẻm 54 Trần Việt Châu, phường An Hòa (dài 180m) mà chỉ có khối lượng của nhánh hẻm 54 Trần Việt Châu (dài 129m). Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị nhận thiếu sót trong quá trình chuẩn bị và khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục bổ sung đối với hẻm 54 Trần Việt Châu để có thể kịp thời triển khai.

Rõ ràng, sự việc không phải là vấn đề nghiêm trọng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu như ngay từ đầu, chính quyền địa phương sát cơ sở, lắng nghe nhân dân và kịp thời trao đổi cùng Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị thì có lẽ đã không để kéo dài những bức xúc của nhân dân. Bên cạnh đó, theo ông Lê Văn Thi, Phó Chủ tịch UBMTTQVN, Trưởng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường An Hòa, hiện nay trên địa bàn phường đang triển khai thực hiện việc nâng cấp các con hẻm nhưng bản thân ông không được thông báo và cung cấp hồ sơ liên quan đến các công trình để làm cơ sở giải đáp thắc mắc của nhân dân và thực hiện tốt công tác giám sát của mình.

* * *

Hai cách triển khai vận động ở hai địa phương trên cho thấy nơi nào thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai đầy đủ các khoản đóng góp, chi phí xây dựng, phát huy vai trò người dân trong công tác giám sát, thì công việc nhiều thuận lợi, công trình đảm bảo chất lượng và nhân dân đồng thuận cao. Không riêng công trình ở khu vực 4, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thời gian qua, kinh nghiệm ở nhiều nơi thực hiện tốt quy chế dân chủ trong vận động nhân dân đóng góp thực hiện các công trình, dự án cho thấy: Khi triển khai thực hiện các công trình, dự án, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ dự án, đơn vị thi công, chính quyền, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương nhằm kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến dự án để các tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát là rất cần thiết. Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi phát huy chức trách các thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cùng sự tham gia tích cực giám sát của cộng đồng dân cư trên địa bàn nơi có dự án đầu tư, nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư, kịp thời phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng đúng theo tinh thần của Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bài, ảnh: NHẬT MY

Chia sẻ bài viết