29/10/2008 - 20:14

Techmart Cần Thơ 2008

Nhịp cầu nối đưa khoa học - công nghệ vào đời sống

Nhiều sản phẩm của DNTN Cơ khí Sông Hậu sẽ tham gia Techmart Cần Thơ 2008.

Cách nay hai năm, Chợ Công nghệ và Thiết bị (CN-TB) vùng ĐBSCL lần đầu tiên tổ chức ở An Giang đạt kết quả khả quan với nhiều hợp đồng cung cấp và chuyển giao CN-TB được ký kết với số tiền trên 70 tỉ đồng. Techmart tổ chức tại Cần Thơ năm nay (Techmart Cần Thơ 2008) cũng được kỳ vọng là chiếc cầu nối giữa giới nghiên cứu - nhà doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng tham gia nghiên cứu, ứng dụng những sản phẩm CN-TB mới phục vụ sản xuất...

Nơi kết nối công nghệ

Mới đây, tại cuộc họp báo về chợ CN-TB, Techmart Cần Thơ 2008, do Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ tổ chức đã đón nhận rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. ĐBSCL được xem là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nên chợ CN-TB lần này sẽ gắn chặt với các thiết bị phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp. Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Trưởng Ban tổ chức Techmart Cần Thơ 2008, cho biết: Ban tổ chức sẽ mời gọi các doanh nghiệp, các viện, trường, cá nhân có những CN-TB đã được nghiên cứu ứng dụng đến tham gia hội chợ. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất có thể để khách hàng - những doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sử dụng CN-TB đến tham quan hội chợ...

Techmart Cần Thơ 2008 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30-11-2008 tại Nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ. Những CN-TB được ưu tiên giới thiệu tại Techmart Cần Thơ 2008 như: Sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ khí chế tạo máy; xử lý và bảo vệ môi trường... Những loại CN-TB này đã được khảo sát và đặt hàng, nên rất phù hợp trong việc hỗ trợ phát triển thế mạnh của ĐBSCL. Đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ nhìn nhận: ĐBSCL được coi là “vùng trũng” về khoa học - công nghệ, mặc dù tiềm năng, sức sáng tạo luôn rất lớn. Thời gian qua, sự phát triển của thị trường khoa học - công nghệ cũng đã nổi lên nhiều sáng kiến táo bạo mang lại hiệu quả cao như lĩnh vực cơ giới hóa trong nông nghiệp. Gần đây, nhiều chợ CN-TB tổ chức ở nhiều vùng miền trong cả nước đã thu hút ngày càng nhiều các đơn vị tạo ra sản phẩm nhiệt tình tham gia hơn.

Techmart Cần Thơ 2008 quy định, các đơn vị tham gia sẽ được hỗ trợ miễn phí mỗi đơn vị 1 gian hàng, nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân tham gia. Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: “Có thể nói, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham dự Techmart, cho dù không bán được sản phẩm, cũng thu được nhiều lợi ích. Bởi qua đây, họ có dịp tiếp xúc với người mua, người bán, từ đó hiểu ra tại sao CN-TB của mình chưa được lựa chọn; hay họ có cơ hội để quảng bá thông tin sản phẩm cho các khách hàng tiềm năng; học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị khác tham gia Techmart... Hiệu quả mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn là làm sao để phát triển sản xuất, để chiếm lĩnh, hay ít ra là chiếm được một phần thị trường CN-TB khu vực ĐBSCL...”.

Khơi nguồn sáng tạo

Tại cuộc họp báo, nhiều doanh nghiệp thống nhất cao với ý nghĩa, mục đích của chợ CN-TB. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nông dân vùng ĐBSCL tiếp cận với những công nghệ hiện đại, khơi dậy sự sáng tạo khoa học của các thành phần xã hội trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL...

Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, cho rằng: “Tham gia chợ CN-TB là cơ hội để những người nghiên cứu, các chuyên gia làm ra những công nghệ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nên gần như tất cả các chợ CN-TB tổ chức ở Thái Lan, Singapore... khi họ mời tôi đều tham gia. Đây là cơ hội quý báu cho những người muốn tìm tòi sáng tạo. Có thể lúc này chưa vận dụng được nhưng tương lai sẽ áp dụng tới...”. Tuy nhiên, theo ông Tăng Hồng, qua những phiên chợ lần này, cơ quan quản lý phải tạo điều kiện để giữa nhà nghiên cứu khoa học và nhà doanh nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ hơn để cùng làm ra sản phẩm, nếu không thì người nông dân rất khó có công nghệ mới.

Nhận định về chợ CN-TB, lãnh đạo Sở KH&CN Trà Vinh, cho rằng: CN-TB mang tính chiến lược để phục vụ phát triển nông nghiệp ĐBSCL, nhưng điều đầu tiên cần quan tâm là làm sao chuyển nhận thức trong nội bộ cơ quan quản lý là cực kỳ quan trọng. Rất nhiều cán bộ huyện, xã còn rất xa lạ với lĩnh vực khoa học - công nghệ, như thế rất khó thuyết phục dân. Trong khi, ĐBSCL sản xuất nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ, nên phải có giải pháp cụ thể hữu hiệu hơn để có thể phát triển, giúp nông dân ứng dụng được những CN-TB mới.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là xu thế phát triển của ĐBSCL, đây cũng là chủ đề lớn nằm trong chiến lược “tam nông” của quốc gia. Techmart Cần Thơ 2008 đặt ra cho cơ quan nghiên cứu chế tạo ra công nghệ phù hợp hơn từ sự phản hồi của người tiêu dùng...

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

Theo bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh: Thống kê trong 7 năm qua, khi đầu tư 1 triệu đồng để tổ chức hoạt động Techmart, sẽ có hàng trăm triệu đồng chuyển giao CN-TB được ký kết. Nhưng đó chỉ là con số bề nổi. Theo nhiều doanh nghiệp, việc xúc tiến thương thảo hợp đồng sau Techmart mới là con số lớn.

Chia sẻ bài viết