26/03/2008 - 22:41

Thực hiện “Một cửa liên thông” từ phường lên quận tại Ô Môn

Nhiều tiện ích, cần nhân rộng

Đầu tháng 3-2008, UBND thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện Quyết định số 2952/2007/QĐ-UBND về thí điểm mô hình “một cửa liên thông” từ phường lên quận tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Sau 1 tháng thực hiện, mô hình này đã khẳng định nhiều tiện ích, được nhân dân đồng tình.

Nhanh chóng, thuận lợi, dễ dàng

Chưa tới 6 giờ sáng, bác Nguyễn Thị Năm, ở khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, đã đến UBND phường để chờ nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Là người ít có dịp đến cơ quan công quyền, nên trong lòng bác Năm thấp thỏm không yên. Đúng 7 giờ, bộ phận “một cửa liên thông” phường Châu Văn Liêm bắt đầu làm việc. Hồ sơ của bác Năm được xem xét giải quyết đầu tiên. “Tôi nghĩ, chắc chắn sẽ bị đem hồ sơ để bổ sung thêm giấy tờ, rồi phải đích thân lên quận để liên hệ nộp hồ sơ. Thế nhưng, khi cán bộ xem hết hồ sơ, ngẩng lên cho tôi hay là hồ sơ đã đầy đủ và ra phiếu hẹn ngày lên nhận “giấy đỏ”. Tôi càng bất ngờ hơn khi cán bộ nói, hồ sơ này chỉ cần lên đến UBND phường là giải quyết xong, việc liên hệ với UBND quận để giải quyết các thủ tục còn lại sẽ do cán bộ phường làm giúp. Nếu biết trước việc giải quyết hồ sơ đất đai bây giờ mà dễ như vậy, tôi đã không dậy sớm để đến đây chờ đợi”- bác Nguyễn Thị Năm, nói.

 Người dân phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn) đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính tại bộ phận “một cửa liên thông” của phường. 
Cũng tại bộ phận “một cửa liên thông” phường Châu Văn Liêm, tôi gặp chị Nguyễn Thị Chín, ở khu vực 3, phường Châu Văn Liêm, tay cầm “bìa đỏ”, hối hả bước tới bàn tiếp nhận hồ sơ. Chị Chín cho biết chị đang cần một khoản tiền để mua vật tư nông nghiệp phục vụ mùa vụ, nên muốn được phường xác nhận thủ tục thật nhanh, để còn “chạy” lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Ô Môn đăng ký thế chấp. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ vào bộ phận “một cửa liên thông”, cán bộ ra phiếu hẹn 3 giờ chiều cùng ngày đến tại bộ phận này để nhận kết quả. “Tôi thắc mắc hỏi về chuyện phường làm thay cả thủ tục cho quận, cán bộ giải thích rằng giờ đã liên thông rồi, người dân chỉ đến duy nhất một nơi là UBND phường để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Các thủ tục có liên quan đến UBND quận, cán bộ phường sẽ đi làm thay cho người dân. Làm như vậy, tiện lợi quá!”.

Trao đổi về thực hiện mô hình “một cửa liên thông”, ông Hồ Văn Hậu, Chủ tịch UBND phường Châu Văn Liêm, cho biết: “Hiện nay, phường Châu Văn Liêm đã thực hiện “một cửa liên thông” các lĩnh vực: Đất đai, nhà ở, xây dựng và hộ tịch. Theo đó, khi người dân có nhu cầu về các loại hồ sơ thuộc các lĩnh vực nói trên, chỉ cần đến UBND phường để được hướng dẫn, lập hồ sơ, nộp hồ sơ vào và đến ngày hẹn sẽ nhận kết quả tại đây. So với trước đây, việc đi lại của người dân giảm nhiều lần, thời gian cũng được rút ngắn đáng kể. Điều được người dân đồng tình nhất vẫn là ở chỗ thực hiện mô hình này, người dân chính thức được phục vụ nhu cầu hành chính theo quy trình “một cửa, một nơi”, không phải mất thời gian, đến nhiều bộ phận để đề nghị giải quyết như trước đây”.

Những “lỗi” cần sửa

Hiện nay, bình quân mỗi tuần, bộ phận “một cửa liên thông” của UBND phường Châu Văn Liêm nhận được khoảng 300 hồ sơ hành chính các loại. Trong đó, số hồ sơ thuộc lĩnh vực “liên thông” chiếm khoảng 20 hồ sơ. Ông Hồ Văn Hậu, Chủ tịch UBND phường, tính nhẩm: “Như vậy, bình quân một ngày cán bộ phường phải lên quận làm thay cho người dân quy trình, thủ tục khoảng 3 - 4 hồ sơ. Hồ sơ đơn giản thì chỉ cần đến quận 1 lần là xong. Nhưng nếu hồ sơ phức tạp như chuyển nhượng có bao gồm cả tách thửa, đo đạc thì mỗi hồ sơ phải mất khoảng 5 - 7 lần lên xuống. Do bộ phận “liên thông” tại phường chưa có cán bộ dự phòng, khi cán bộ lên quận để giải quyết hồ sơ, đôi lúc người dân cũng còn phải chờ đợi”.

Cũng theo ông Hồ Văn Hậu, do một số quy trình giải quyết thủ tục đất đai giữa phường và quận chưa thống nhất, nên một số hồ sơ gặp trục trặc. Chẳng hạn, hồ sơ của bà Ngô Thị Thời, ở khu vực 4, phường Châu Văn Liêm, chuyển nhượng cho con 24 m2 đất OĐT (đất ở đô thị). Bộ phận “một cửa liên thông” của phường tiếp nhận hồ sơ, chuyển lên Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) quận xem xét. Sau 1 tuần, Phòng TNMT quận trả lại hồ sơ vì lý do: diện tích đất chuyển nhượng nhỏ, không giải quyết, nhưng cũng không có văn bản trả lời với UBND phường để phường có cơ sở trả lời với người dân. Tuy nhiên, ông Hồ Văn Hậu khẳng định: “Đối với đất thổ cư, hiện nay chưa quy định hạn mức chuyển nhượng, nếu UBND phường từ chối không giải quyết hồ sơ cho người dân là sai quy định. Việc này, phường đã báo cáo và đề nghị Phòng TNMT quận cần xem lại các quy định, giải quyết việc chuyển nhượng này cho gia đình bà Ngô Thị Thời theo đúng quy định hiện hành”.

Một “trục trặc” khác mà hiện nay bộ phận “một cửa liên thông” phường Châu Văn Liêm đang gặp phải là việc quy định thời gian giải quyết các hồ sơ phức tạp có nhiều quy trình chưa phù hợp. Cụ thể, đối với hồ sơ chuyển nhượng đất (có kèm việc tách thửa, điều chỉnh diện tích đất), Phòng TNMT quận quy định là 37 ngày làm việc. Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Hậu, trong 3 quy trình thủ tục này có nhiều khâu thủ tục trùng nhau, nên không thể tính thời gian giải quyết đối với loại hồ sơ này bằng cách cộng dồn thủ tục của 3 quy trình riêng lẻ (chuyển nhượng 9 ngày, chỉnh lý biến động 15 ngày, tách thửa 13 ngày). Do đó, đối với loại hồ sơ này, Phòng TNMT quận nên căn cứ thực tế để giảm bớt thời gian giải quyết còn khoảng 20 ngày là vừa.

Trong lĩnh vực hộ tịch, do phường Châu Văn Liêm trước đây được chia tách thành phường Thới Hòa và phường Châu Văn Liêm, nhưng các sổ bộ hộ tịch vẫn chưa chuyển giao theo địa giới chia tách. Do đó, khi người dân có nhu cầu cải chính hộ tịch, dù hiện tại sinh sống trên địa bàn phường Thới Hòa, nhưng vẫn phải đến phường Châu Văn Liêm xin cải chính hộ tịch. Việc này cũng gây nên tình trạng quá tải cho bộ phận “một cửa liên thông” của phường Châu Văn Liêm.

Khi trao đổi với ông Hồ Văn Hậu về việc khắc phục những khiếm khuyết, để hoàn thiện mô hình “một cửa liên thông”, ông Trần Văn Tám, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, khẳng định: “Được UBND thành phố chọn làm thí điểm mô hình “một cửa liên thông” trong khi trước đó chưa có nơi nào thực hiện để học tập, nên việc vừa làm vừa tìm ra lỗi để sửa chữa là tất yếu. UBND quận Ô Môn cam kết sẽ thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm, đồng thời nghiêm túc chấn chỉnh những khiếm khuyết, để phục vụ tốt nhất nhu cầu hành chính của người dân và doanh nghiệp”.

*
* *

Mô hình “một cửa liên thông” thực hiện tại phường Châu Văn Liêm là bước đột phá mới trong thực hiện cải cách hành chính ở thành phố, nhằm tạo thuận lợi, dễ dàng cho người dân, doanh nghiệp. Tuy còn một số “trục trặc” nhỏ trong guồng máy “một cửa liên thông”, nhưng kết quả bước đầu cho thấy đây là mô hình hiệu quả, cần nghiên cứu nhân rộng ở các địa phương khác trong thành phố.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết