21/10/2010 - 21:25

TP Cần Thơ

Nhiều thách thức trong giai đoạn mới

Tiến trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra khá nhanh sau khi TP Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Đồng thời, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển ngày càng tăng, nhiều công trình, dự án trọng điểm hoàn thành, đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả. Sự tăng trưởng kinh tế của thành phố 5 năm qua khá ấn tượng (15,13%), nhưng với vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL thì mức tăng trưởng này chưa tương xứng. Điều đó đang đặt ra cho TP Cần Thơ nhiều thách thức trong giai đoạn mới.

Nỗ lực bứt phá

Giai đoạn 2006- 2010, trong 17 chỉ tiêu kinh tế- xã hội của thành phố, có 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch (tăng trưởng kinh tế, dân số trung bình, số xã- phường đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh); 13 chỉ tiêu vượt và đạt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 15,13% (kế hoạch 15,5-16%) nhưng cao hơn giai đoạn 2001- 2005 (bình quân 13,46%); thu nhập bình quân đầu người đạt 1.950 USD (kế hoạch 1.700 USD); sản xuất công nghiệp- xây dựng tăng trên 19,8%, dịch vụ 17,8%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 20.670 tỉ đồng (tăng bình quân 20,8%/năm); tổng vốn đầu tư trên địa bàn 85.062 tỉ đồng. Đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 44,16% trong cơ cấu GDP (tăng 4,32% so với năm 2005); dịch vụ chiếm 45,23%; nông- lâm- thủy sản 10,61%... Đây là những kết quả nổi bật của một thành phố trẻ. Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và sự nỗ lực của địa phương trong đầu tư hạ tầng giao thông vận tải (cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, cảng Cái Cui...) đã tạo động lực mới cho thành phố phát triển kinh tế- xã hội và ngày càng khẳng định vị trí trung tâm vùng ĐBSCL.

Theo đánh giá của các ngành chức năng thành phố, trong 5 năm qua chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện, thu nhập người dân tăng là những nỗ lực rất lớn của từng ngành. Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ thu hẹp bởi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá (20,1%/năm). Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp bình quân 18,5%, đóng góp 39,1% GDP. Thành phố hiện có 8 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích quy hoạch 2.164 ha (đất công nghiệp 1.590 ha), hiện thu hút 189 dự án đầu tư (vốn đăng ký 1,7 tỉ đồng), giải quyết việc làm khoảng 5.000- 10.000 lao động. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng được mở rộng, góp phần nâng cao năng lực bán buôn, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn và thể hiện vai trò tổng đại lý, phân phối hàng hóa cho cả vùng ĐBSCL, với tổng mức hàng hóa bán ra tăng bình quân 26,5%/năm. Các doanh nghiệp thành phố hiện có quan hệ xuất khẩu với 97 quốc gia, vùng lãnh thổ (châu Á chiếm hơn 50%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3.560 triệu USD, tăng bình quân 20,4%. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2010 tăng gấp 1,9 lần so với năm 2005 (từ 42,3 triệu đồng tăng lên 81,5 triệu đồng)...

Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 42/2006/QĐ-TTg, Quyết định 366/QĐ-TTg, Quyết định 492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở quan trọng để TP Cần Thơ phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến thiết đô thị, phát triển khoa học- công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội... và đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu sản phẩm chủ lực, nguồn nhân lực dồi dào nhưng chưa tinh... là những trở lực lớn cho thành phố trong giai đoạn mới.

Những thách thức mới

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Nguyễn Hữu Lợi nói: “Thành phố đã tổ chức 2 cuộc xúc tiến đầu tư quy mô lớn, ký kết biên bản ghi nhớ giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp với thành phố nhiều tỉ đồng, nhưng đến nay tiến độ triển khai khá ì ạch. Các ngành cần phải xem lại do nhà đầu tư thiếu năng lực, hay công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư chưa đạt yêu cầu. Từ đó, có kiến nghị về lãnh đạo thành phố để tìm hướng giải quyết nhanh nhất”. Còn Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho rằng, thành phố có nhiều quy hoạch phát triển kinh tế, khu đô thị, dân cư được duyệt nhưng chất lượng quy hoạch chưa cao. Một quy hoạch phải mất 2- 3 năm để chỉnh sửa là rất lãng phí tài chính, nhân lực. Để phát triển bền vững, thành phố cần có những quy hoạch dài hơi, quy hoạch phải sử dụng được từ 20 năm trở lên. Mặt khác, đào tạo nguồn nhân lực phải xác định vị trí đào tạo ngay từ đầu để không lãng phí tiền bạc, công sức. Tập trung phát triển công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng giá trị tăng thêm của các ngành. Hiện nay, việc đầu tư cho phát triển doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn chưa đạt yêu cầu, thủ tục hành chính còn rườm rà khiến doanh nghiệp ngại đầu tư, mở rộng sản xuất.

TP Cần Thơ trên đường phát triển. 

Phó giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp cho biết: “Trong phát triển thương mại nội địa, hệ thống chợ nông thôn, siêu thị trên địa bàn chưa phân bố hợp lý. Các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào thành phố, nhưng thiếu đất sạch nên rất khó khăn. Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại chưa được các ngành quan tâm đúng mức. Con cá tra, gạo là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố, nhưng chưa được quan tâm quảng bá. Điều này cũng làm cản ngại sự phát triển của ngành thương mại, dịch vụ”. Theo ông Hiệp, để thúc đẩy thương mại phát triển cần sự quan tâm đúng mức của các ngành, các địa phương trong xây dựng hệ thống phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn.

Theo dự thảo (lần 2) kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của TP Cần Thơ trong 5 năm tới (2011-2015), gồm 18 chỉ tiêu, như: tăng trưởng GDP đạt bình quân 16% trở lên; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 7,25- 7,3 tỉ USD; tổng vốn đầu tư trên địa bàn 200.000- 220.000 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 250.000- 275.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 71- 72 triệu đồng (theo giá hiện hành); tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%, đào tạo nghề đạt 50%; tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 46,98% trong GDP, thương mại- dịch vụ 47,08%... Thành phố đã đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu để đạt các chỉ tiêu phát triển gồm: Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính công, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,...

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Quỳnh cho biết: “Tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày một nhanh, đã làm đất sản xuất nông nghiệp giảm. Do vậy, ngành nông nghiệp thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và hiệu quả cao với mô hình đa canh bền vững. Sản phẩm chủ lực là lúa và thủy sản chú trọng sản xuất thương phẩm giống chứ không sản xuất thương phẩm tiêu dùng. Đồng thời trở thành vệ tinh cho viện, trường cung ứng giống cho vùng ĐBSCL”. Theo ông Quỳnh, ngành đang tiến hành các biện pháp tăng thu nhập trên nông hộ (sản xuất theo GAP, công nghiệp hóa nông nghiệp). Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu nông sản nếu bỏ tiền ra xây dựng mà không có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, ổn định thị trường thì hiệu quả cũng không cao. Trong giai đoạn 2011 -2015, giá trị tăng thêm của khu vực nông- lâm nghiệp tăng 2,8- 3,3%; đóng góp 9,51% trong GDP thành phố. Giữ vững sản lượng lúa ở mức trên 1 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao, đặc sản trên 90%.

Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho rằng, trong giai đoạn mới, nên đổi mới tư duy công tác đào tạo cán bộ công chức. Thời gian qua, đào tạo công chức giống như cái áo khoác chung mặc cho nhiều người. Do vậy, cần thay đổi tư duy đào tạo theo yêu cầu của ngành nghề, vị trí công tác. Lâu nay, cán bộ chỉ thiên về lý thuyết mà chưa sâu kỹ năng thực hành. Các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội cần đồng bộ, gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội. Quan trọng là huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển, tập trung đào tạo nhân lực theo địa chỉ, yêu cầu công việc. Đồng thời phát triển công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, công nghệ cao.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết