NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)
Trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao và mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng lớn, nhiều nước đang tìm đến điện hạt nhân để vừa giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch vừa tiến tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0.
Một nhà máy điện hạt nhân ở Tennessee (Mỹ).
Ðơn cử, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa thông báo kế hoạch khởi động lại nhiều nhà máy hạt nhân không hoạt động và xem xét phát triển các lò phản ứng thế thệ mới. Chính phủ nước này cũng cân nhắc kéo dài tuổi thọ hoạt động của các lò phản ứng hiện có. Ông Kishida cho biết sự thay đổi này là vì tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc chi phí năng lượng tăng cao khiến Nhật phải thay đổi chính sách đối với năng lượng hạt nhân. Trước đó, chính quyền của Thủ tướng Kishida cam kết sẽ mở lại ít nhất 9 lò phản ứng trước mùa đông năm nay.
Từ sau khi trận động đất và sóng thần lớn vào tháng 3-2011 gây ra sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện Fukushima Daiichi, Nhật đã đóng cửa hầu hết các lò phản ứng hạt nhân. Nước này sau đó cũng tuyên bố sẽ không xây dựng lò phản ứng mới. Vì vậy, động thái mới này được xem là bước ngoặt của đất nước Mặt Trời mọc.
Mặt khác, trong bối cảnh đất nước đứng trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng, người Nhật bắt đầu bớt quan ngại về điện hạt nhân hơn. Cuộc thăm dò do Yahoo Japan thực hiện hồi tháng 7 cho thấy 74% người được hỏi đồng ý rằng các nhà máy hạt nhân cần phải hoạt động trở lại. Chỉ một thập kỷ trước, trên 80% người dân không muốn phát triển năng lượng nguyên tử ở Nhật Bản. Ðược biết, Nhật hiện phải nhập khẩu 98% nhiên liệu và đang đối mặt với một mùa đông đầy bất trắc khi khí hóa lỏng (LNG) tăng giá mạnh, còn quan hệ với Nga - nước cung cấp 9% lượng LNG cho Tokyo - đã xấu đi nghiêm trọng vì cuộc xung đột tại Ukraine.
Giống như Nhật, Trung Quốc - nước cũng tạm hoãn các dự án điện hạt nhân mới sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima - hiện có ít nhất 52 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng hoặc thiết kế, nghĩa là còn nhiều hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới, chưa kể 150 lò phản ứng nữa trong kế hoạch. Trung Quốc dự kiến tăng công suất điện hạt nhân thêm 40% so với hiện nay, lên mức 70GW vào năm 2025.
Tương tự, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy điện hạt nhân chiếm 30% sản lượng năng lượng chung vào năm 2030 để tăng cường an ninh năng lượng và đáp ứng tốt hơn các mục tiêu trung hòa carbon. Ngoài việc cho xây dựng 2 lò phản ứng và gia hạn thời gian vận hành của 1 lò khác, Tổng thống Yoon Seok Yeol cũng đặt mục tiêu bán được 10 nhà máy cho các nước khác tới năm 2030.
Trước xu hướng tìm đến điện hạt nhân, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Alvin Tan hồi tháng 4 đề xuất trước quốc hội về việc quay trở lại điện hạt nhân trong tương lai. Trước đó một tháng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này, với mục đích giảm dần các nhà máy nhiệt điện dùng than và đạt mục tiêu giảm phát thải khí carbon.
Tại khu vực Nam Á, Ấn Ðộ gần đây cũng khởi động các dự án hạt nhân mới. Tập đoàn Nhiệt điện Quốc gia (NTPC, công ty chủ yếu dựa vào than để cung cấp điện) và nhà phát triển hạt nhân độc quyền của Ấn Ðộ đang đàm phán với chính phủ để phát triển 2 lò phản ứng công suất 700 megawatt ở bang Madhya Pradesh. Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu tăng hơn gấp ba số cơ sở hạt nhân của Ấn Ðộ trong thập kỷ tới để mở rộng thị phần điện từ các nguồn sạch hơn, trong khi theo đuổi mục tiêu đưa mức phát thải carbon về 0 vào năm 2070. Ấn Ðộ hiện sản xuất khoảng 70% điện năng từ than đá và khoảng 3% từ hạt nhân.
Tại các nước phương Tây, nhiều quốc gia cũng “rục rịch” triển khai dự án hạt nhân. Ðơn cử, Chính phủ Anh hồi tháng 3 thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt bằng cách xây thêm 8 lò phản ứng hạt nhân mới. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã cho ra đời chương trình trị giá 6 tỉ USD hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân gặp khó khăn vì chi phí tăng cao. Nhiều nước châu Âu cũng tái khởi động các dự án điện hạt nhân. Bỉ đã gia hạn thời gian hoạt động của 2 lò phản ứng còn lại thêm một thập niên. Ba Lan vừa động thổ xây nhà máy đầu tiên. Hà Lan đang xây 2 nhà máy mới và hối thúc Ðức giữ lại những nhà máy đang hoạt động. Ở Pháp và Ðức - những nước từng có chính sách chấm dứt điện hạt nhân rất quyết liệt - đều đang xuất hiện những lập luận mạnh mẽ đòi hỏi xét lại chính sách đó.
Hàn Quốc giành được hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ai Cập
Hàn Quốc vừa giành được thỏa thuận trị giá 3.000 tỉ won (2,25 tỉ USD) để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ai Cập, tạo ra động lực mới cho ngành công nghiệp điện hạt nhân.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết theo thỏa thuận được ký kết tại Cairo ngày 25-8, Công ty Korea Hydro & Nuclear Power Co(KHNP) do chính phủ điều hành, sẽ cung cấp thiết bị và lắp đặt các tòa tuabin cho dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập ở El Dabaa, cách thủ đô Cairo 300km về phía Tây Bắc. Dự án này sẽ xây dựng tổng cộng 4 lò phản ứng hạt nhân.
|