Xác định sống chung với COVID-19, nhiều quốc gia đã xây dựng và triển khai các phương án mở cửa, khôi phục kinh tế. Trong đó, ngành Du lịch được chú trọng như một trong những yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình này, vì du lịch ảnh hưởng, tác động đến nhiều ngành khác. Cho nên, nhiều chính sách, giải pháp được ưu tiên nhằm sớm đưa ngành công nghiệp không khói trở lại trạng thái bình thường.
Các điểm lưu trú tách biệt ở Phú Quốc thích hợp để đón khách quốc tế trong lúc thí điểm. Ảnh: Phương Nga
Kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực
Các quốc gia châu Âu đã dần cho phép du lịch trở lại từ đầu năm 2021, trong khi sự chuyển trạng thái ở khu vực châu Á diễn ra chậm hơn. Thái Lan là một trong những quốc gia tiên phong đón khách quốc tế trở lại từ tháng 7-2021, qua chương trình thử nghiệm “Phuket Sandbox”. Chương trình này cho phép du khách đến đảo Phuket du lịch với các điều kiện về vaccine, xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR trong thời gian hạn định và trải nghiệm các dịch vụ tiêu chuẩn khép kín an toàn theo chỉ định của y tế. “Phuket Sandbox” tạo được cú hích cho ngành Du lịch Thái Lan trong 2 tháng qua và trở thành mô hình đang được các quốc gia lân cận học hỏi.
Hiện nay, Thái Lan đang hoàn thiện cơ chế đón khách quốc tế bằng quy trình “One SOP, One System” (OSOS - quy trình thao tác chuẩn, một hệ thống) nhằm tạo sự thống nhất trong các mô hình du lịch của cả nước và hướng tới tạo thuận lợi cho du khách. Với OSOS, du khách thay vì bị cô lập tại khách sạn hoặc chỉ du lịch theo tour khép kín, thì sẽ được đi lại tự do tại các khu vực được phép hoạt động. Ðổi lại, du khách vẫn phải tuân thủ nguyên tắc phòng dịch và bật ứng dụng truy vết thường xuyên. Ðây cũng là chính sách chuẩn bị cho việc Thái Lan mở rộng các vùng du lịch được đón khách quốc tế trong tương lai.
Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) đã vạch rõ lộ trình mở cửa dần. Theo đó từ tháng 10, du khách nước ngoài đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được đến Bangkok, Chiang Mai, Chon Buri, Phetchaburi và Prachuap Khiri Khan mà không phải chịu cách ly 2 tuần. Các vùng này cũng áp dụng chính sách theo mô hình “Phuket Sandbox”. Cuối tháng 10, có 21 điểm đến khác sẽ được đưa thêm vào danh sách, trong đó có Chiang Rai, Sukhothai và Rayong, Samui, Tao, Phangan... Tuy nhiên, kế hoạch của TAT có sự thay đổi, khi quyết định dời thời gian mở cửa đón khách quốc tế của Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai sang tháng 11. Lý do chính là người dân tại các địa điểm này chưa đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo yêu cầu.
Malaysia cũng là một trong những quốc gia ở châu Á sớm đón khách quốc tế trở lại sau hơn một năm đóng cửa. Từ giữa tháng 9-2021, Malaysia đã triển khai “bong bóng du lịch” nội địa, thí điểm ở đảo Langkawi và đã đón khoảng 3.000 khách du lịch trong ngày đầu tiên. Thành công ở Langkawi cho phép Malaysia xem xét mở rộng mô hình “bong bóng du lịch” tại bang Johor. Theo đó, bang Johor đề xuất 3 điểm đến sẽ áp dụng mô hình này: khu ven biển Desaru, Mersing và TP Muar. Ðây đều là những điểm nổi tiếng trong danh sách yêu thích của du khách quốc tế; người dân đạt tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 trên 80%, phù hợp điều kiện cho phép đón du khách của chính quyền Malaysia. Riêng đảo Mersing, được mệnh danh là “Maldives của Malaysia”, đã đạt tỷ lệ tiêm ngừa 100%.
Singapore cũng chính thức nối lại hoạt động du lịch quốc tế từ tháng 9-2021. Nước này đang áp dụng chương trình “Vaccinated Travel Lane” - VTL (Hành lang du lịch tiêm chủng). Ðây là chương trình Singapore áp dụng với các quốc gia liên kết. Theo đó, chương trình đang thí điểm với Ðức và Brunei, dần mở rộng với các nước khác. Với chương trình VTL, những du khách đã được tiêm ngừa COVID-19 sẽ phải thực hiện 4 lần xét nghiệm, không cần phải cách ly. Các chuyến bay VTL được chỉ định bởi chính phủ Singapore và Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore sẽ cấp thẻ đi lại theo chương trình VTL cho du khách.
Indonesia cũng xem xét mở cửa đón du khách quốc tế đến đảo Bali và một số điểm du lịch khác từ tháng 10-2021. Ban đầu, Indonesia sẽ ưu tiên tiếp nhận du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và New Zealand dựa trên mức độ lây lan COVID-19 ở các quốc gia này thấp. Indonesia cũng sẽ áp dụng mô hình “bong bóng du lịch” với các chính sách nghiêm ngặt về tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19.
Có thể thấy, “bong bóng du lịch”, “hành lang du lịch tiêm chủng” là một trong những giải pháp mà các quốc gia áp dụng để chuẩn bị cho viêc đón khách trở lại. Trong đó, tiêm ngừa vẫn là yếu tố tiên quyết cùng các chính sách, lộ trình phù hợp.
Ðảo Phuket. Ảnh: phukettoursdirec.com
Việt Nam thận trọng lựa chọn giải pháp phù hợp
Ngành Du lịch Việt Nam cũng cân nhắc thử nghiệm mở cửa lại du lịch quốc tế. Trong đó, Phú Quốc được chọn là nơi thí điểm mô hình “bong bóng du lịch” và “hành lang du lịch tiêm chủng” theo tinh thần văn bản số 6345/VPCP-KGVX của Chính phủ. Mô hình này áp dụng trong 6 tháng và nếu mang lại hiệu quả sẽ dần mở rộng thêm các điểm đến Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Ðà Lạt (Lâm Ðồng)... Thực tế, việc lựa chọn các nơi thí điểm cũng được cân nhắc theo các tiêu chuẩn: tách biệt về địa lý và có hệ thống dịch vụ đa dạng, khép kín. Theo lộ trình, tỷ lệ người dân được tiêm ngừa COVID-19 là yếu tố tiên quyết và cần thiết lập hệ thống hành lang an toàn và khép kín. Phú Quốc vì vậy tập trung vào tiêm đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, thiết lập quy trình y tế khi đón du khách, năng lực chăm sóc sức khỏe, xử lý sự cố y tế, kết nối và quản lý thị trường du khách phù hợp…
Trong tháng 9-2021, ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với chính quyền Phuket (Thái Lan) về kinh nghiệm mở cửa du lịch trong bối cảnh COVID-19. Kinh nghiệm từ mô hình “Phuket Sandbox” cũng đã được đại diện phía Thái Lan chia sẻ và tỉnh Quảng Ninh đang cân nhắc học tập để chuẩn bị lộ trình đón khách quốc tế trong thời gian tới. Với tỷ lệ đã tiêm ngừa COVID-19 mũi 1 cho 100% người dân có chỉ định tiêm, Quảng Ninh cũng đã dần mở cửa du lịch nội địa từ ngày 21-9. Lộ trình quảng bá và kích cầu du lịch nội địa của tỉnh bắt đầu từ tháng 11, tập trung thị trường khu vực phía Bắc và dần mở rộng các địa phương đạt tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19. Quảng Ninh sẽ tiếp tục kết nối, trao đổi cùng Phuket để có những định hướng đón khách quốc tế khi được cho phép.
Khánh Hòa đã chuẩn bị lộ trình đón khách quốc tế trở lại. Ðịa phương đang trình Thủ tướng Chính phủ xin phép đón khách quốc tế từ tháng 11-2021, với mô hình hộ chiếu vaccine. Lộ trình này có hai giai đoạn, thí điểm từ tháng 11 đến tháng 12-2021, sau đó đánh giá và điều chỉnh, để từng bước triển khai chính thức từ tháng 1 đến tháng 3-2022. Trong giai đoạn 1, Khánh Hòa sẽ chỉ tập trung đón khách ở các khu nghỉ dưỡng thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài). Giai đoạn 2 mở rộng đến các khu du lịch có tính biệt lập như: Vinpearl (đảo Hòn Tre), khu du lịch Hòn Tằm. Thị trường khách quốc tế ưu tiên là Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vinpearl, Vietjet và Vietravel được Khánh Hòa cho phép đón khách theo hình thức các chuyến bay thuê bao (charter). Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, khách quốc tế đến địa phương nghỉ dưỡng phải đáp ứng các điều kiện: tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 (mũi thứ 2 đã qua 14 ngày) hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Khách dưới 18 tuổi phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi xuất cảnh. Khách lưu trú phải sử dụng các dịch vụ, sản phẩm du lịch khép kín, hạn chế di chuyển và chỉ đón khách theo tour trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức.
Mỗi địa phương có những chính sách, quy định riêng phù hợp thực tế du lịch. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn cần có cơ chế, quy định chung cho cả hệ thống khi bắt nhịp trở lại; tránh tình trạng chồng chéo, mỗi nơi mỗi quy định khác nhau khiến du khách, doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị cung ứng dịch vụ rơi vào thế bị động, bất tiện... dẫn đến sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Giải pháp an toàn vẫn phải được ưu tiên hàng đầu.
ÁI LAM