23/03/2014 - 21:19

San phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser

Nhiều lợi ích nâng cao hiệu quả sản xuất lúa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ vừa tổ chức lễ bàn giao 3 máy làm đất sử dụng công nghệ laser cho Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố và trình diễn san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser tại huyện Vĩnh Thạnh. Tại đây, nông dân được nghe ngành nông nghiệp thành phố và các chuyên gia giới thiệu kỹ thuật mới trong làm đất và lợi ích của việc san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser…

* Bước tiến mới đẩy mạnh cơ giới hóa

3 máy làm đất sử dụng công nghệ laser vừa được Sở NN&PTNT TP Cần Thơ giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố tiếp nhận quản lý, vận hành là một trong các gói hỗ trợ từ Dự án cạnh tranh nông nghiệp (Dự án ACP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Các máy này do Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Minh Long (Hà Nội) nhập khẩu từ một doanh nghiệp ở Ấn Độ và bàn giao cho Sở NN&PTNT TP Cần Thơ (đại diện Tổ thực hiện Dự án ACP tại TP Cần Thơ) theo hợp đồng cung cấp máy làm đất sử dụng công nghệ laser đã được ký kết giữa Công ty với Ban quản lý Dự án ACP. Theo anh Nguyễn Ngọc Bảo, Nhân viên kỹ thuật, Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Minh Long, san bằng mặt ruộng bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng các loại máy móc truyền thống trước đây khó đảm bảo độ đồng đều và chính xác, nhất là những khu ruộng có diện tích lớn, bằng mắt thường không thể bao quát hết. Do vậy, thời gian qua nhiều nước sản xuất lúa tiên tiến trên thế giới đã đưa máy làm đất sử dụng công nghệ laser vào đồng ruộng. Anh Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: "Máy hoạt động dựa vào tín hiệu laser phát ra từ một thiết bị định vị (tầm hoạt động có bán kính lên đến 400m) giúp san phẳng mặt ruộng độ chính xác rất cao. Thiết bị san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser được thiết kế liên kết treo dưới máy kéo có công suất từ 50 mã lực trở lên và có khả năng san bằng 4ha đất ruộng/ngày".

Trình diễn san bằng mặt ruộng bằng máy làm đất sử dụng công nghệ laser tại xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tăng cường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm các tác động xấu đến môi trường. Trong đó, thành phố đã quan tâm khuyến khích nông dân tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp để thực hiện các mô hình "cánh đồng lớn"-CĐL; áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Việc đưa máy làm đất sử dụng công nghệ laser vào đồng ruộng là một bước tiến mới trong đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại toàn diện, hiệu quả và bền vững. Ông Nguyễn Khải Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: "Để thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" vào sản xuất lúa, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất…, cần phải thực hiện tốt khâu làm đất. Đồng ruộng cần được san bằng đồng đều để tạo thuận lợi cho chăm sóc lúa, quản lý tốt các loại dịch hại và giúp tiết kiệm trong sử dụng giống, tưới nước, bón phân, xịt thuốc... Đặc biệt, nông dân tại các mô hình CĐL nếu thực hiện tốt việc san bằng mặt ruộng sẽ có ý nghĩa rất lớn hỗ trợ bà con tăng cường áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để hạ giá thành và tăng cao được lợi nhuận".

* Sớm triển khai nhân rộng

Được sự tài trợ của Dự án ACP và một số dự án quốc tế khác, thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã giúp nông dân làm quen với việc sử dụng công nghệ laser trong san bằng mặt ruộng. Những nông dân tham gia thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser khẳng định: Đây là cách làm mới, giúp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đây cũng là điều kiện tiên quyết giúp nông dân trong các mô hình "cánh đồng lớn" có thể áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa, nhất là các kỹ thuật "1 phải, 5 giảm", "1 phải, 6 giảm" (phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chi phí bơm tưới, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm các tác động xấu đến môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác CĐL ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, năm 2013 đã có 50 ha đất sản xuất lúa của Tổ hợp tác CĐL áp dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng công nghệ laser. Kết quả cho thấy, đồng ruộng không còn chỗ cao, chỗ trũng nên nông dân có điều kiện sử dụng giống tiết kiệm, khi bón phân hay xịt thuốc cũng phát huy tốt hiệu quả và quản lý tốt được các loại dịch hại. Đặc biệt, ốc bươu vàng bị tiêu diệt ngay sau một lần xịt thuốc, không còn trú ngụ vào những khu vực đất trũng như trước đây. Ông Nguyễn Văn Thành tính toán: "Chi phi sản xuất lúa của nông dân tại các CĐL có thể giảm thêm từ 2-3 triệu đồng/ha nếu thực hiện san mặt ruộng bằng công nghệ laser kết hợp với áp dụng "1 phải, 5 giảm" và các kỹ thuật tiên tiến khác vào sản xuất lúa. Điều đáng chú ý là năng suất lúa giữa các nơi trong khu vực có san bằng mặt ruộng bằng laser chỉ chênh lệch từ 50-70 kg/ha, trong khi trước đây có thể chênh lệch hơn 300 kg/ha. Do vậy, nếu áp dụng việc san bằng mặt ruộng bằng công nghệ laser trên quy mô lớn và tập trung cho các CĐL, hiệu quả mang lại rất cao". Thời gian qua, nông dân tại các CĐL ở TP cần Thơ rất quan tâm liên kết, gieo sạ cùng một giống lúa, áp dụng đồng bộ cùng một quy trình kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, độ đồng đều sản phẩm nhằm ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng trên, nông dân trong các CĐL còn gặp khó khi cơ sở hạ tầng trên cánh đồng chưa hoàn thiện, trong đó có việc mặt bằng đồng ruộng chưa được san bằng tốt. Ông Phan Tấn Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất ấp Thới Phước, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho rằng: "Nông dân tại các CĐL rất mong được ngành nông nghiệp thành phố hỗ trợ trong việc tiếp cận và thực hiện san bằng mặt ruộng bằng laser. Qua đó, giúp việc sản xuất lúa được hiệu quả hơn, giảm chi phí trong quản lý cỏ, dịch hại…".

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, nhận được tài trợ máy làm đất sử dụng công nghệ laser từ Dự án ACP là điều kiện thuận lợi để TP Cần Thơ phổ biến nhân rộng và đưa nhanh công nghệ này vào đồng ruộng, giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Trong giai đoạn trước mắt, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố sẽ trực tiếp quản lý, vận hành máy để tiện cho việc phổ biến kỹ thuật và thực hiện san bằng mặt ruộng với mức giá hỗ trợ cho người dân, qua đó giúp người dân làm quen và nhận thấy lợi ích. Về lâu dài, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố sẽ tập tuấn kỹ thuật và chuyển giao máy lại cho các tổ hợp tác CĐL quản lý và vận hành.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết