03/12/2008 - 20:49

Vụ lúa đông xuân 2008-2009 ở đồng bằng sông Cửu Long

Nhiêu khê trong tái đầu tư

Tái đầu tư cho vụ đông xuân 2008- 2009 ra sao để thắng lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao? Đó là câu hỏi mà người trồng lúa ĐBSCL đang tìm lời giải đáp. Các nhà khoa học khuyến cáo: sử dụng giống lúa đạt chất lượng xuất khẩu và ứng dụng biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, IPM… Song, trên thực tế, nguồn giống xác nhận đạt tiêu chuẩn lại không đáp ứng nhu cầu. Nhiều người vì không bán được lúa, nợ ngân hàng, đại lý vật tư nông nghiệp… phải chấp nhận dùng “lúa thịt” để gieo sạ. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nông dân sẽ chật vật trước mùa vụ mới.

Giống chất lượng: giá cao, khó tìm!

Ngày 24-10-2008, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đã có Chỉ thị số 3170/CT-BNN-TT về bố trí thời vụ gieo sạ lúa đông xuân 2008-2009 tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ theo hướng tập trung, né rầy. Nhằm đảm bảo sản xuất lúa đạt hiệu quả cao và bền vững, Bộ NN&PTNT khuyến cáo mỗi địa phương cần giảm diện tích gieo trồng giống lúa IR50404 và OM 576 xuống dưới 15% diện tích. Tăng cường sử dụng giống chống chịu rầy nâu và chất lượng được khuyến cáo như: VND 95-20, OM 5930, OMCS 2000, OM 2517, OM 3536, OM 4498, VD 20, Jasmine 85... Mỗi vùng bố trí 3- 4 giống chủ lực và 3- 4 giống bổ sung có triển vọng, nhưng diện tích mỗi giống chủ lực không vượt quá 20% diện tích.

 Chăm sóc mạ chuẩn bị cho vụ đông xuân 2008-2009. Ảnh: NHẬT CHÁNH

Theo kế hoạch vụ đông xuân 2008- 2009, diện tích gieo sạ toàn vùng trên 1,5 triệu ha. Tính đến đầu tháng 12-2008, toàn vùng đã xuống giống hơn 328.000 ha, tập trung nhiều ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long... Ngay từ đầu vụ, nông dân đổ xô tìm mua giống lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và lúa thơm. Tuy nhiên, nguồn giống xác nhận đạt tiêu chuẩn rất khó tìm, nguồn cung từ các Viện, trường, trung tâm... lại hạn chế. Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, toàn vùng mới sử dụng hơn 34% giống xác nhận trên tổng diện tích gieo sạ. Hàng năm, ĐBSCL có gần 4 triệu ha trồng lúa và cần khoảng 400.000- 480.000 tấn giống lúa xác nhận (tỷ lệ gieo sạ 100- 120 kg/ha), nhưng các Viện, trường, trung tâm... chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Đây là bài toán nan giải của ngành nông nghiệp.

Ông Phạm Văn Tùy, ấp E1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, canh tác 3 ha lúa cho biết: “Mấy năm nay, tôi làm giống OM 2517. Nếu đông xuân này, giá lúa 5.000 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận 60%. Nhưng đó là những hộ có vốn tích lũy, còn hộ vay ngân hàng, mua vật tư nông nghiệp theo kiểu gối đầu ở đại lý phải chịu lãi suất thì rất khó đoán trước được, dù giá phân đã giảm. Do tôi tự nhân giống để gieo sạ, nên chủ động được, còn nhiều hộ dân ở đây đang vất vả đi tìm mua giống mà không được”. Theo ông Tùy, sản xuất lúa nhiều rủi ro, hiện ở huyện Vĩnh Thạnh, những hộ dân bán không được lúa IR 50404 rất khó khăn trong tái đầu tư. Bởi tiền ngân hàng, vật tư nông nghiệp vụ hè thu chưa thanh toán được cho đại lý, nhiều người không có vốn tái đầu tư và không tìm được giống mới, sẽ tiếp tục sử dụng giống IR 50404. Hiện nay, giá giống xác nhận những giống lúa chất lượng cao như: OM 2517, OM 4900, OM 2517... từ 8.000- 10.000 đồng/kg (cao hơn đông xuân rồi 2.000 đồng/kg); giống nguyên chủng 13.000- 15.000 đồng/kg (cao hơn 3.000- 5.000 đồng/kg)...

Còn ông Lê Hoàng Thắng, thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, bức xúc: “Giá lúa hàng hóa IR 50404 hiện tại chỉ 2.800 đồng/kg, trong khi đó, giá lúa giống cấp xác nhận chất lượng 10.000 đồng/kg. Chênh lệch cao, nông dân cũng bấm bụng mua, nhưng tìm không có. Ở đây, năm nay, bà con tìm mua giống Jasmine 85 gieo sạ nhiều lắm, Công ty Mekong cũng đưa ra một lượng lớn giống xác nhận và bao tiêu cho nông dân giống hạt dài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: Jasmine 85, OM 1940, OM 4900...”.

Ngành nông nghiệp một số địa phương trong vùng đã khuyến cáo nông dân sử dụng giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời đảm bảo nguồn giống xác nhận trong gieo sạ 40-70% trên tổng diện tích. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ đông xuân này, thành phố có kế hoạch xuống giống khoảng 90.300 ha, giữ vững sản lượng lúa hàng hóa trên 1 triệu tấn. Nếu tính lượng gieo sạ 100- 120kg/ha bằng giống xác nhận thì cần khoảng 10.800 tấn giống, trong đó, lượng giống từ viện, trường, trung tâm, câu lạc bộ... đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Mấy năm qua, thành phố đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống nhân giống lúa 3 cấp khá hiệu quả”. Tính đến đầu tháng 12-2008, diện tích đã gieo sạ lúa đông xuân ở TP Cần Thơ gần 40.000 ha, giống chủ lực là Jasmine 85, OM 2517. Ngoài ra, còn giống OM 2395, OM 6073, OM 4900, VND 95-20... Còn tỉnh An Giang có kế hoạch xuống giống hơn 230.000 ha lúa vụ đông xuân 2008-2009 (đợt I là 150.000 ha để tập trung né rầy), diện tích sử dụng giống xác nhận khoảng 75% trên tổng diện tích.

Song, trên thực tế, nguồn giống xác nhận qua trung tâm kiểm nghiệm chính qui chỉ từ 10-15%, còn lại do các tỉnh tự công nhận khi kiểm tra qui trình sản xuất đúng theo khuyến cáo. Ông Trương Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Vụ đông xuân này, toàn tỉnh gieo sạ khoảng 80.000 ha, nhưng trung tâm đưa ra chỉ 118 tấn giống OM 5930, OM 4900, OM 6162, OM 6073, MTL 466, vừa nguyên chủng, vừa xác nhận, so với nhu cầu thực tế thì không đáp ứng được”. Với diện tích trên cần đến 9.600- 12.000 tấn giống (120-150 kg/ha), nhưng trung tâm chỉ có hơn 5 ha sản xuất lúa giống, nên nguồn cung hạn chế.

“Lơ lửng” thị trường tiêu thụ

Giá trị thương phẩm của hạt gạo Thái Lan cao hơn Việt Nam 100- 200 USD/tấn, do chỉ gieo sạ một vài giống chủ lực, sản lượng lớn, đồng nhất. Còn ĐBSCL, hàng năm gieo trồng hơn 100 giống lúa và việc thu mua lúa hàng hóa phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Mặt khác, doanh nghiệp thu mua gạo chỉ phân loại hạt dài, hạt ngắn và “định giá” và rất khó tách biệt từng giống lúa, do chưa đủ điều kiện về kho chứa. Đây không chỉ là rào cản cho việc xây dựng thương hiệu hạt gạo mà còn ảnh hưởng đến giá thành, cạnh tranh trên thị trường. Ở ĐBSCL có đến 95% diện tích gieo sạ là giống cao sản, ngắn ngày, giống lúa thơm chỉ chiếm khoảng 5% (các loại giống dài ngày, gạo thơm, dẻo... ) tập trung ở vùng nước lợ. Hàng năm, lượng gạo chất lượng cao chỉ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn, trong khi vụ đông xuân này, ước sản lượng gạo chất lượng cao hơn 3 triệu tấn.

Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, hiện tại, ở ĐBSCL cũng có một số giống lúa không phải lúa mùa như Thái Lan, Campuchia, nhưng cũng rất thơm ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao như Jasmine, OM 4900... Nếu phương thức sản xuất tốt, có vùng chuyên canh, làm tốt khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch vẫn có gạo chất lượng tốt, cạnh tranh được với các giống gạo của nước ngoài. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, diện tích đất nông nghiệp giảm, việc tăng vòng quay của đất để tăng sản lượng lúa là cần thiết. Hiện nay, 70-80% giống lúa của Viện lúa ĐBSCL đưa ra đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Mekong (Cần Thơ), cho biết: “Ở các cửa hàng bán gạo, chủ cửa hàng giới thiệu gạo thơm Mỹ, thơm Thái, thơm Đài Loan... nhưng thực chất gạo thơm Mỹ chủ yếu là giống lúa Jasmine, thơm Thái là giống Khao Dawk Mali, gạo thơm Đài Loan là giống VD 20... Do những loại gạo này không có bao bì nhãn mác, địa chỉ sản xuất, đóng gói cụ thể, lại pha trộn với nhiều loại khác nhau nên rất khó phân biệt từng loại”. Chất lượng gạo thơm Việt Nam kém, mùi thơm không giữ được lâu, độ mềm dẻo thấp hơn gạo Thái, nên sức cạnh tranh và lượng tiêu thụ không nhiều. Những công ty có đầu ra ổn định thì thu mua theo hình thức hợp đồng bao tiêu. Thông thường, giá gạo thơm so với gạo thường (đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) cao hơn 15 - 20%. Số lượng tùy thuộc vào thị trường từng thời điểm, do đó nhu cầu không ổn định mà phụ thuộc nhiều yếu tố như thu nhập người dân từng vụ, từng năm... Riêng thị trường trong nước hiện nay cung gạo thơm vẫn nhỏ hơn nhu cầu, do đó giá loại gạo này ổn định ở mức cao.

Các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng lên tiếng cảnh báo từ đầu vụ, nếu không khéo trong việc mở rộng diện tích trồng lúa thơm sẽ lặp lại trường hợp IR50404. Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, lúa thơm hiện có ở ĐBSCL như: Jasmine, OM 4900, OM 6162, OM 3536, VND 95-20, ST 5, MTL 250... quy trình sản xuất không khác gì với các giống lúa thông thường khác, năng suất cũng cao tương tự. Nhưng sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu nhiều, do vậy chi phí chắc chắn sẽ cao hơn và thời gian sinh trưởng cũng lâu hơn (trên 100 ngày). Trong khi những năm gần đây, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá liên tục xảy ra, đó là mầm mống rất nguy hại cho giống lúa thơm dài ngày. Do vậy, làm gì để đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trước mùa vụ mới là bài toán cần tính toán kỹ. Viện lúa ĐBSCL đã chọn ra những bộ giống có đặc tính tương tự như IR 50404 nhưng chất lượng cao hơn để bà con nông dân thay thế dần trong những vụ kế tiếp. Bộ NN&PTNT cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu năm 2009, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trong gieo sạ đạt khoảng 40%.

Trước đây, Việt Nam phải nhập gạo, nên vấn đề an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu. Còn hiện tại, xuất khẩu gạo đứng tốp đầu trên thế giới, vấn đề đặt ra là năng suất và chất lượng phải được nhà nước và nông dân quan tâm. Song, muốn phát triển, khôi phục những loại gạo đặc sản cũ hoặc sản xuất với số lượng nhiều cũng rất khó vì đầu ra xuất khẩu hẹp. Do vậy, cần cân nhắc và thận trọng nhằm đảm bảo giá cả hợp lý để người sản xuất có lời. Về lâu dài, các cơ quan nghiên cứu khoa học cần nghiên cứu phục hồi các giống lúa truyền thống của Việt Nam như Nàng Hương, Trắng Tép, Tài Nguyên...

Gia Bảo- Hà Triều

(CT)- Ngày 3-12-2008, ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết: Hiện toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ trên 328.000 ha lúa đông xuân, tập trung nhiều ở Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu… phần lớn là giống chất lượng cao, còn giống IR50404 đã giảm dưới 20% diện tích. Tuy nhiên, trong đó có 9.000 ha bị nhiễm rầy nâu. Theo ông Chiến, do năm nay nước rút chậm, nên một số tỉnh khó dứt điểm lịch gieo sạ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cuối tháng 12-2008) và có thể kéo dài đến hết tháng 1-2009.

Vụ đông xuân 2008-2009, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,5 triệu ha; ước sản lượng 6-7 triệu tấn lúa hàng hóa. Trong đó, khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao, nhưng hàng năm chỉ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo chất lượng cao. Trong khi sản xuất lúa thơm chi phí đầu tư cao và sâu bệnh nhiều hơn giống lúa khác. Do vậy, nhiều khả năng vụ hè thu 2009, nông dân sẽ quay lại với giống lúa thường, nếu giá lúa chất lượng cao vụ đông xuân thấp và thị trường xuất khẩu hẹp.

Thu Hà

Chia sẻ bài viết