02/04/2009 - 08:13

Nhiều khả năng năm 2009 sẽ lặp lại trận lụt lịch sử

* KIÊN GIANG: Sương mù xuất hiện bất thường giữa mùa nắng nóng gay gắt
* BẠC LIÊU: Đối phó với tình trạng nước mặn lấn sâu vào vùng trọng điểm lúa đông xuân

Giám đốc Trung tâm Khí tượng- Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết: Mùa mưa năm 2009 có thể diễn biến phức tạp, mưa lớn sẽ xảy ra trên diện rộng và thành các đợt kế tiếp nhau, rất khó lường.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng- Thủy văn Trung ương về xu thế mùa mưa năm 2009: Lượng mưa trên phạm vi cả nước, lượng mưa cả mùa năm nay ở mức cao hơn hoặc xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, đặc biệt đáng lưu ý là khu vực Bắc bộ, mưa lớn sẽ tập trung vào thời kỳ giữa mùa. Như vậy, so với những trận lũ quét và đặc biệt là cơn “đại hồng thủy’’ gây ngập nặng trên diện rộng tại Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền Trung năm 2008 thì lượng mưa năm nay sẽ có thể ở mức cao hơn.

Tại khu vực Trung bộ, lượng mưa năm nay ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng Trung Trung bộ có lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu sớm hơn bình thường (khoảng giữa tháng 4-2009 đã bắt đầu mùa mưa ở một số khu vực và chính thức vào cuối tháng 4, đầu tháng 5). Lượng mưa toàn mùa tại khu vực này sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm và mưa lớn sẽ tập trung vào thời kỳ đầu và giữa mùa.

* Tại Kiên Giang, đợt sương mù bất ngờ bao phủ vùng TP Rạch Giá cùng các huyện ngoại vi như Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất kéo dài từ 15 giờ 30 phút chiều 31-3 đến lúc 8 giờ ngày 1-4, nhiệt độ giảm xuống còn 23-240c, chênh lệch hơn 10 độ so với trước đó vài giờ, thời tiết trở nên mát mẻ như thời điểm mùa đông. Sau đó, sương mù tan hẳn, thời tiết nắng nóng trở lại gay gắt, nhiệt độ ngoài trời trung bình 36-370c.

Cùng lúc xảy ra hiện tượng sương mù, cách đó không xa tại vùng ven biển thuộc các huyện An Minh, Kiên Lương, một số đảo thuộc huyện đảo Kiên Hải đã xảy ra hiện tượng mưa giông. Trên vùng biển Kiên Lương - Hòn Nghệ xảy ra hiện tượng lốc xoáy và sấm chớp kéo dài trong khi đang có nhiều tàu thuyền khai thác đánh bắt cá. Rất may là không có tàu thuyền nào trong vùng nguy hiểm.

* Các huyện Phước Long, Hồng Dân, Hòa Bình- vùng trọng điểm trồng lúa đông xuân của tỉnh Bạc Liêu có diện tích trên 32.000 ha/42 ngàn ha đã xuống giống, đang huy động tổng lực lao động để gia cố, kiên cố lại hệ thống bờ bao, cống, đập ngăn mặn trên toàn tuyến kênh xáng quản lộ Phụng Hiệp giáp ranh các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng để đối phó với tình trạng nước mặn theo triều cường và gió Tây Nam đang lấn sâu vào nội đồng vùng trồng lúa đông xuân của tỉnh Bạc Liêu.

Độ mặn đo được tại ngã ba Ninh Quới- Thanarộn- Lái Viết lên đến 5,5 phần ngàn, trong khi đó độ mặn của khu vực này cùng kỳ nhiều năm trước cũng chỉ xấp xỉ 2 phần ngàn. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, trong quí 1-2009, các địa phương trong tỉnh đã đào đắp, giá cố vững chắc được trên 119 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 59 kênh cấp 3 được nạo vét sâu bảo đảm giữ ngọt ổn định, đủ nước phục vụ tưới cho toàn bộ diện tích lúa đông xuân đến cuối vụ; 48 đập ngăn mặn được nâng cao, mọi rò rỉ nước đã được khắc phục xong, bảo đảm ngăn mặn vững chắc.

Chia sẻ bài viết