23/05/2012 - 22:20

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Nhiều đại biểu tán thành phương án cho phép lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng

(TTXVN)- Sáng 23-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa XIII. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tại phiên họp cho thấy, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về tiền lương và mức lương tối thiểu; về hợp đồng lao động; chính sách đối với lao động nữ; giải quyết tranh chấp lao động và một số vấn đề khác. Thảo luận ở hội trường về dự thảo Bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn này, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với các nhóm vấn đề: Trần thời gian của HĐLĐ xác định thời hạn; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ; thời giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Về thời giờ làm thêm, hầu hết các ý kiến tại phiên thảo luận đồng tình phương án quy định về giờ làm thêm không quá 50% số giờ trong một ngày và 200 giờ/năm; thống nhất rằng đây là phương án phù hợp với xu hướng tiến bộ, điều kiện và thể chất của người Việt Nam; đồng thời hạn chế tình trạng người sử dụng khai thác tối đa sức lao động của người lao động. Cũng tại buổi làm việc sáng 23-5, nhiều đại biểu phát biểu bày tỏ tán thành phương án quy định trong dự thảo luật cho phép lao động nữ nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng để góp phần bảo vệ thế thệ tương lai và chất lượng giống nòi.

Về tuổi nghỉ hưu của người lao động, đa số các ý kiến tán thành để như dự thảo Bộ luật là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến khác nhau về quan điểm. Đề nghị nên quy định bình đẳng độ tuổi về hưu giữa nam và nữ, chỉ nên ưu tiên cho nữ đối với những vùng miền, nghề nghiệp đặc thù do về mặt kiến thức được đào tạo, kinh nghiệm được tích lũy và sức khỏe ở độ tuổi này, phụ nữ không kém nam giới. Để trở thành một cán bộ lành nghề, người phụ nữ cũng cần nhiều thời gian học tập, lao động phát triển nghề nghiệp như nam giới, vì vậy nếu về hưu sớm sẽ là lãng phí sức lao động. Không cùng quan điểm này, cũng có ý kiến phát biểu cho rằng, nghỉ hưu là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ, vì vậy trường hợp lao động nữ muốn về hưu sớm thì phải tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi cho họ.

Chiều cùng ngày Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ 6 nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật gồm: Đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi; mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi; mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; loại tiền gửi được bảo hiểm; mức phí bảo hiểm tiền gửi; hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi - một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đa số ý kiến nhất trí giữ nguyên mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập như hiện nay và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý nhà nước.

Thảo luận về vấn đề phí bảo hiểm tiền gửi, đa số các ý kiến nhất trí không quy định cứng nhắc mức phí bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo Luật mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Sáng hôm nay, 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011. Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010. Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Chia sẻ bài viết