05/02/2008 - 22:28

Nhiều cơ hội việc làm chờ người lao động

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP Cần Thơ, trong tháng 1-2008, mỗi ngày, bình quân Trung tâm tiếp nhận khoảng 15 đơn hàng tuyển dụng lao động đủ các trình độ, ngành nghề, với các chế độ, chính sách và thu nhập khá hấp dẫn. So với các năm trước, hiện có nhiều cơ hội việc làm đang chờ đón người lao động.

*Nhiều việc làm chờ người...

Những ngày cuối tháng 1-2008, tuy đã cận Tết Nguyên đán, nhưng nhiều lao động vẫn đến Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ tham khảo thông báo tuyển dụng, đăng ký tư vấn, tìm việc làm và được giới thiệu trực tiếp đến doanh nghiệp nhận việc ngay. Bạn Thanh Vân, ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: “Tôi vừa tốt nghiệp ngành kế toán, đến xem có việc gì phù hợp không. Nếu có, tôi sẽ nhận việc ngay, không chờ sau Tết”.

Các năm trước, nhiều doanh nghiệp chờ đến sau Tết mới bắt đầu gởi thông báo tuyển dụng. Năm nay thì khác, từ đầu tháng 1-2008 đến nay, Trung tâm GTVL Thanh niên tiếp nhận gần 500 đơn hàng, cần tuyển gần 5.000 lao động cho rất nhiều vị trí, chức danh: nhân viên, chuyên viên, kỹ sư, giám đốc chi nhánh, giám đốc nhân sự... cơ bản đáp ứng yêu cầu, trên 70% ứng viên được doanh nghiệp tuyển dụng sau khi phỏng vấn. Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, nhu cầu tuyển cán bộ nhân sự, kỹ sư an toàn lao động, chuyên viên đầu tư tài chính... rất nhiều nhưng Trung tâm chưa đáp ứng được.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn Lao động (DVVL LĐLĐ) TP Cần Thơ tiếp tục tuyển lao động cung ứng theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Từ đầu tháng 1-2008, Trung tâm đã rao tuyển các chức danh nhân viên kế toán, kỹ sư xây dựng, cơ khí, điện, hướng dẫn viên du lịch... nhưng không đáp ứng yêu cầu. Ông Nguyễn An Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL LĐLĐ TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, sinh viên đại học các ngành QTKD, Ngoại thương, Marketing, Ngân hàng, Xây dựng, Cơ khí, Du lịch... sau khi tốt nghiệp ra trường không sợ thất nghiệp vì nhu cầu tuyển rất nhiều, thu nhập khá cao. Tuy nhiên, ngoài bằng cấp chuyên môn, các ứng viên phải đạt thêm các tiêu chuẩn khác, nhất là thạo tin học, ngoại ngữ và sự thể hiện năng lực thực tế của mình trong công việc trước nhà tuyển dụng, khả năng thích ứng môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Theo nhận định của lãnh đạo các ngành, đơn vị chức năng, từ năm 2008 trở đi, lực lượng lao động phổ thông (LĐPT) cho các ngành nghề tiếp tục thiếu trầm trọng. Hiện nay, ở các Trung tâm GTVL đang tuyển hàng ngàn LĐPT các ngành nghề: may mặc, chế biến (thủy sản, lâm sản, thực phẩm...), đóng tàu, trang trí nội thất, lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị y tế... với thu nhập trên 1 triệu đồng và nhiều chính sách ưu đãi khác, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 10-20% nhu cầu. Theo Trung tâm DVVL LĐLĐ TP Cần Thơ, các công ty ở các Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tổ chức xe đón số LĐPT đã tuyển được, không ngại tốn kém, nhưng vẫn không duy trì được lực lượng. Nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán, lực lượng lao động biến động khá lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

Ông Huỳnh Việt Quang, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chánh Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, cho biết: Công ty đang tuyển trên 100 lao động để chuẩn bị lực lượng sản xuất sau Tết, tránh tình trạng thiếu công nhân trên các chuyền may. Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, Khu công nghiệp Trà Nóc 2 cũng đang rao tuyển lực lượng nhân viên, công nhân...

*Doanh nghiệp và người lao động cần “gặp nhau”

Trong tổng số gần 41.000 lao động có việc làm năm 2007 thì rất nhiều lao động tự tìm việc ở các Trung tâm GTVL và doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, người lao động đã dần nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc làm trong đời sống. Xác định chất lượng lao động là tiêu chuẩn tuyển dụng hàng đầu, trong phương hướng hoạt động từ năm 2008 của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ chú trọng mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề, GQVL, dạy nghề theo nhu cầu của xã hội. Việc ký kết liên tịch giữa Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề, GQVL cũng nhằm thực hiện mục tiêu trên.

Ngày hội việc làm Thanh niên, nơi gặp gỡ của doanh nghiệp và người lao động.

Trong xu thế tuyển dụng hiện nay, sinh viên đại học, trung cấp, cao đẳng có rất nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng, ứng viên phải thể hiện mình bằng chính năng lực thực tế, khả năng thực hiện và ý chí cầu tiến, gắn bó với công việc. Đối với đa số nhà tuyển dụng, các loại bằng cấp chỉ là hồ sơ để tham khảo, mang tính thủ tục pháp lý. Ông Võ Minh Phụng, Giám đốc Trung tâm Điện thoại di động Ninh Kiều, nói: “Trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, chúng tôi đánh giá cao những ứng viên (không nhất thiết có bằng đại học) nhưng biết tự thể hiện năng lực, sự hiểu biết của mình thông qua phong cách, giao tiếp và ý chí cầu tiến”. Qua quá trình làm việc, đội ngũ nhân viên bán hàng của Trung tâm ngày càng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu công việc.

Một điểm đáng lưu ý, trong quá trình tuyển dụng, hầu hết các doanh nghiệp đều chú trọng khả năng thực hành ngoại ngữ và vi tính của ứng viên. Thế nhưng, đây lại là nhược điểm của đa số lao động. Rất nhiều trường hợp ứng viên đạt các yêu cầu nhưng lại “rơi đài” vì yếu ngoại ngữ, sử dụng máy tính không thạo... Chính vì vậy, người lao động muốn “thành công” khi phỏng vấn phải chủ động trang bị cho mình kiến thức khá vững về ngoại ngữ, tin học.

Lãnh đạo các đơn vị, ngành chức năng đều thừa nhận: Nhà tuyển dụng và người lao động phải “gặp nhau”, tìm tiếng nói chung. Nhà tuyển dụng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút nhân tài. Nếu không quan tâm đến sự sáng tạo, tạo điều kiện để người lao động được cống hiến, phát huy năng lực thì khó giữ thế cạnh tranh và “giữ chân” lao động. Người lao động phải có định hướng làm việc lâu dài, xác lập mục tiêu nghề nghiệp, rèn luyện các tố chất về phong cách, ý thức kỷ luật, hoạch định công việc, sẵn sàng hợp tác, hài hòa quan hệ để đôi bên cùng có lợi, thay đổi tư tưởng định nghề trước định việc, ngán ngại đi xa, kén việc, lựa chọn doanh nghiệp.

Thị trường lao động TP Cần Thơ năm 2008 đã khởi động, với mục tiêu GQVL trên 43.000 lao động. Trong xu thế phát triển, để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng, lãnh đạo đơn vị, sự phấn đấu học hỏi, đào sâu suy nghĩ, có cách nghĩ đúng đắn về việc làm là yếu tố tiên quyết để người lao động tìm được việc làm và thăng tiến trong nghề nghiệp.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết