30/07/2011 - 08:49

Nhiều cơ hội đầu tư cho nông nghiệp vùng ĐBSCL

Theo nhận định của các bộ, ngành Trung ương, làn sóng đầu tư đang “đổ bộ” vào vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ và các địa phương trong vùng đang nỗ lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển nông nghiệp để đón đầu làn sóng đầu tư. Ngành nông nghiệp vùng được định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp chất lượng cao và xây dựng được thương hiệu để đứng vững trên thị trường xuất khẩu...

Những tiềm năng...

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 năm qua, tổng vốn ODA đầu tư cho khu vực nông nghiệp chiếm khoảng 14% tổng vốn đầu tư vào khu vực. Trong đó, nhiều dự án có quy mô lớn, ý nghĩa kinh tế-xã hội quan trọng trong vùng, như: Dự án Giảm nhẹ thiên tai, phát triển thủy lợi ĐBSCL, dự án Phát triển kỹ thuật trên đất phèn ở ĐBSCL từ vốn Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), dự án phát triển giao thông nông thôn... Bên cạnh đó, điều kiện giao thông khu vực này thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đường bộ và đường sông, đường biển, nên khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh (HCM) là môi trường đầu tư lý tưởng vì có nền nông nghiệp đang trên đà phát triển.

ĐBSCL đang đẩy mạnh mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch. 

ĐBSCL có khoảng 2,63 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 27,4% diện tích đất nông nghiệp cả nước. Trong đó, diện tích trồng lúa khoảng 1,9 triệu ha, chiếm gần 1/2 diện tích trồng lúa cả nước; 575.800 ha đất trồng cây trái và cây lâu năm; 746.400 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, dòng sông MeKong mang về khoảng 500 tỉ khối nước và bồi lắng phù sa 150-200 triệu tấn mỗi năm cho vùng. Hệ thống đường bộ hiện cơ bản hoàn thành, phục vụ tốt cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản từ vùng nguyên liệu ĐBSCL đến các nhà máy nội vùng và TPHCM để chế biến, xuất khẩu.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư nông nghiệp vào TPHCM và ĐBSCL diễn ra vào cuối tháng 7-2011 tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp tham gia đã đặt câu hỏi về cơ chế ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho biết: “Chính điều kiện tự nhiên thuận lợi về nguồn nước, đất đai màu mỡ, kinh nghiệm sản xuất... là những ưu đãi nhất đối với nhà đầu tư”. Với điều kiện tự nhiên đặc thù cho sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực thế giới, ĐBSCL trở thành thủ phủ sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản. Còn TPHCM là cửa ngõ hợp tác quốc tế quan trọng. Tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản của khu vực ĐBSCL và TPHCM tăng bình quân 5,6%/năm, cao hơn mức bình quân chung của ngành và chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất của ngành. Năm 2010, khu vực này đã đóng góp 46% giá trị nông nghiệp, 53% sản lượng lúa và 70% sản lượng trái cây cả nước. Riêng mặt hàng thủy sản, khu vực này chiếm đến 67,4% tổng giá trị thủy sản toàn quốc. Giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 15.785 tỉ đồng năm 2001 lên 37.762 tỉ đồng vào năm 2010; tốc độ bình quân tăng khoảng 10%/năm. Đây là những tiềm năng nổi bật của vùng, nếu doanh nghiệp tận dụng khai thác tốt.

Nhiều cơ hội thu hút đầu tư

Các chuyên gia đầu ngành nhận định, nền nông nghiệp TPHCM và ĐBSCL được đánh giá là nền nông nghiệp tiên tiến so với trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Cơ giới hóa đang dần thay thế sức người trên đồng ruộng. Các tiến bộ kỹ thuật, giống mới... luôn được bổ sung để sản xuất nông sản hàng hóa tốt hơn. Kèm theo đó là việc thực hiện tiêu chuẩn hóa vào sản xuất để đáp ứng chế biến xuất khẩu vào các thị trường khó tính, làm tăng giá trị sản phẩm. Vì thế, trong kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo các tỉnh, thành ở ĐBSCL và TPHCM đều chú trọng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn sản xuất với thị trường, có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp...

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định: “An Giang chỉ kêu gọi đầu tư nhà máy có công nghệ hiện đại gắn với vùng nguyên liệu. Ngoài sản xuất các mặt hàng chính từ nguyên liệu tại chỗ, phải sản xuất được các mặt hàng giá trị gia tăng”. Còn TP Cần Thơ hiện đang cơ cấu lại nền nông nghiệp và hướng đến sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phần lớn diện tích đất trồng lúa ở Cần Thơ được gieo sạ giống lúa chất lượng cao. Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, tiêu chuẩn được ứng dụng vào sản xuất, từng bước “chuẩn hóa” nguồn nông sản nguyên liệu ngay từ khâu sản xuất.

Tại TPHCM, GDP nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5% nhưng thành phố vẫn đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa. Doanh thu năm 2010 đạt khoảng 150 triệu đồng/ha/năm, tương đương 2,38 lần so với năm 2005. Riêng các mô hình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, doanh thu đạt đến 1 tỉ đồng/ha/năm đối với mô hình nuôi cá sấu, trồng hoa lan, cây cảnh; mô hình nuôi cá cảnh đạt doanh thu đạt 2 tỉ đồng/ha/năm. “Để đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp thực hiện mục tiêu xã hội hóa, TPHCM xác định 3 lĩnh vực ưu tiên, gồm: đầu tư cơ sở hạ tầng cải tạo đồng ruộng và cơ sở bảo quản, sơ chế biến nông thủy sản; đầu tư phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn, sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao; đầu tư sản xuất giống, nghiên cứu tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật... Nhà đầu tư hoạt động ở 3 lĩnh vực này được thành phố hỗ trợ lãi suất từ 60- 100% trong thời gian 3-5 năm”- ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết.

Theo Bộ NN&PTNT, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư vào TPHCM và ĐBSCL tập trung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gồm: Đầu tư hình thành các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư cho công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch, ưu tiên kêu gọi đầu tư chế biến lúa gạo, thủy sản, rau quả và xây dựng hệ thống kho chứa lương thực; đầu tư hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu tạo bước đột phá cho nông nghiệp; đầu tư xây dựng các công trình đê bao, công trình thủy lợi...

Kết thúc Hội nghị Xúc tiến đầu tư nông nghiệp vào TPHCM và ĐBSCL diễn ra vào cuối tháng 7-2011 tại TPHCM đã có 7 nhà đầu tư đăng ký 8 dự án đầu tư nông ngiệp vào các tỉnh An Giang, Bạc Liêu và Long An với tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỉ đồng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục gặp gỡ các địa phương trong khu vực để tìm cơ hội đầu tư. Đây là cơ hội để ĐBSCL tiến đến nền nông nghiệp tiên tiến và bền vững.

Bài, ảnh: MIÊN HẠ

Chia sẻ bài viết