22/10/2016 - 15:35

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh

Từ đầu năm 2016 đến nay, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều khởi sắc. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp được thành phố quan tâm sâu sát với sự tham gia tích cực của các sở, ngành hữu quan. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp có thêm động lực để nỗ lực sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm.

* Nỗ lực vượt khó

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong 9 tháng đầu năm, Phòng Đăng ký kinh doanh của sở đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 839 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký trên 3.800 tỉ đồng. Số doanh nghiệp tăng 14,3% và số vốn đăng ký tăng 67,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thành phố cũng cấp Giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho 3 dự án và điều chỉnh tăng vốn 1 dự án, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn lên 71 dự án với tổng vốn đăng ký 1,133 tỉ USD, vốn đã thực hiện 360 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp có sự tăng trưởng đáng kế so với cùng kỳ chứng tỏ tình hình kinh tế đang dần khởi sắc, doanh nghiệp dần củng cố niềm tin và ổn định hoạt động sản xuất.

Đóng hàng gạo vào container để xuất khẩu tại Cảng Tân Cảng – Cái Cui.

Trong tháng 10 qua, tình hình sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn duy trì ở mức tăng trưởng ổn định. Trong đó, các mặt hàng chủ lực của thành phố tăng so với cùng kỳ như: thủy hải sản tăng 8,57%, gạo xay xát tăng 6,18%, bia đóng lon tăng 13,98%... Các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: Mặt hàng gạo của công ty chủ yếu xuất khẩu đi Malaysia, Trung Quốc, Hồng Công, Thụy Sỹ, Mỹ… Nhờ tập trung vào phân khúc gạo thơm nên dù tình hình xuất khẩu gạo của cả nước sụt giảm, các đơn hàng của công ty vẫn duy trì ổn định từ các khách hàng truyền thống. Nhờ đó, kim ngạch và sản lượng gạo xuất khẩu của công ty vẫn tương đương so với năm 2015. Ước tính năm 2016, công ty xuất khẩu trên 50.000 tấn gạo.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố 10 tháng ước tăng 11,07% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến năm 2016 có nhiều khởi sắc, nhiều doanh nghiệp giữ vững thị trường truyền thống. Song lĩnh vực xuất khẩu của thành phố còn gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Xuất khẩu hàng hóa của thành phố trong 10 tháng qua giảm đáng kể so với cùng kỳ 2015 do những biến động về thị trường đối với 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực là lúa gạo và thủy sản. Do đó, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tập trung xuất khẩu để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm. Ngành công thương cũng tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố để hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp.

* Cần giải pháp căn cơ

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hiện chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Để hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, thành phố đã tập trung cho các hoạt động đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp cần khắc phục những hạn chế về khả năng quản trị, chủ động tranh thủ các cơ chế chính sách hỗ trợ từ địa phương và Trung ương. Các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, hoặc trong những lĩnh vực nên chủ động liên kết với nhau để phát huy những thế mạnh sẵn có. Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu, thực tiễn sản xuất. Từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn nhất là hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở khai thác các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới.

Điểm sáng thu hút đầu tư của thành phố là từ cuối năm 2015 đến nay, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai đầu tư Cảng Tân Cảng-Cái Cui với tổng diện tích gần 7ha, cầu cảng có chiều dài 180m, nhà kho rộng 3.024m2 và đưa vào cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa. Quy mô giai đoạn 1 của bãi container là 19.402m2 cùng khu văn phòng làm việc. Cảng Tân Cảng-Cái Cui có thể tiếp nhận tàu 20.000 tấn (DWT). Ông Vũ Khánh Dương, Giám đốc Khu vực Tây Nam Bộ, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết: Ngày 24-10-2016, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ chính thức đưa Cảng Tân Cảng-Cái Cui tại TP Cần Thơ vào khai thác và đón chuyến tàu container đầu tiên của Tổng Công ty qua luồng Quan Chính Bố, mở tuyến tàu container trực tiếp đầu tiên trên tuyến Hải Phòng-Cần Thơ. Sự kiện này sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa của TP Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung khi sử dụng phương thức vận tải container ưu việt và trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc và miền Trung trong giai đoạn trước mặt và các cảng quốc tế vùng nội Á trong tương lai gần.

Muốn thu hút đầu tư hiệu quả cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, TP Cần Thơ đang đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn về hạ tầng cảng, dịch vụ logistics. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương, muốn xuất khẩu hàng hóa thuận tiện và thông suốt, hệ thống cảng và dịch vụ logistics tại TP Cần Thơ phải cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa từ TP Cần Thơ đi trực tiếp ra cảng Cái Mép-Thị Vải, thay vì phải trung chuyển bằng đường bộ đi TP Hồ Chí Minh. Theo đó, các đơn vị kinh doanh, khai thác cảng phải hỗ trợ doanh nghiệp làm dịch vụ tại nhà máy, tại kho, hỗ trợ kê khai hải quan và chịu trách nhiệm vận chuyển với mức chi phí hợp lý. Một khi nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng dịch vụ cung cấp, các cảng trên địa bàn thành phố không chỉ thu hút khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu tại TP Cần Thơ mà còn thu hút các doanh nghiệp và lượng lớn hàng hóa từ các tỉnh lân cận.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết