11/07/2019 - 17:36

Nhiều câu hỏi “nóng” liên quan đến ngành công thương 

(CTO)- Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn là tư lệnh ngành công thương, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn.

Trả lời đại biểu về công tác quản lý, phòng chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu, hàng kém chất lượng trên địa bàn. Ông Nguyễn Minh Toại khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ vi phạm có tăng nhưng số tiền giảm so cùng kỳ 2018.

Về giá xăng, điện, hàng thiết yếu tăng nhưng giá hàng hóa nông sản thấp, nông dân thua lỗ. Ông Toại cho biết, trong 6 tháng đầu năm giá xăng tăng 4 đợt, 6 đợt giữ nguyên giá, điện sinh hoạt tăng… làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường, làm một số mặt hàng thiết yếu tăng lên.

Giá một số mặt hàng nông sản thấp, sản xuất không có lợi; đặc biệt là 2-3 mặt hàng chủ lực của thành phố. Cụ thể, năm 2019, giá lúa đông xuân giảm sâu, ngành tham mưu Thành ủy, UBND trình Chính phủ xác định cần bung ra một lượng vốn để cắt giảm đà giảm giá lúa gạo. Và ngành cùng với ngành nông nghiệp có trình UBND thành phố về giá lúa giảm, khó kéo giá lên, do thị trường Trung Quốc đã ngưng mua lúa tiểu ngạch và chính ngạch của Việt Nam, lượng xuất trở về số 0. Ngân hàng giải ngân cho các doanh nghiệp (DN) thu mua lúa cho bà con chậm, DN không đủ tiền cũng là ảnh hưởng đến giá lúa gạo. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết kịp thời.

Đại biểu HĐND chất vấn ông Toại.

Còn về thủy sản, giá cá tra nguyên liệu giảm sâu. Năm 2018 giá cá tra nguyên liệu là 35.500 đồng/kg, giá bây giờ chỉ 19.500 đồng/kg; nông dân đang lỗ 5.000-6.000 đồng/kg giá cá nguyên liệu. Thêm vào đó, thị trường nhập khẩu đặt ra quá nhiều rào cản, thị trường Mỹ áp thuế chống bán phá giá; thị trường Trung Quốc mua cá của DN Việt Nam cả hai đường tiểu ngạch và chính ngạch để xuất sang Mỹ. Hiện lượng tồn kho của Trung Quốc đang lớn, nên ảnh hưởng đến giá cá của Việt Nam. Nếu bà con mở rộng diện tích nuôi sẽ thua lỗ.

Đại biểu HĐND chất vấn ông Toại

Do đó, giải pháp để khắc phục vấn đề giá cả giảm là cần tuyên truyền để bà con thay đổi tư duy làm sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc. Và thị trường Trung Quốc và ASEAN tiêu chuẩn yêu cầu như châu Âu, nên không xí xóa nhau được; bởi việc xuất khẩu hiện nay nhiều hàng của DN bị trả về do chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm định gay gắt.

Bên cạnh chú trọng chất lượng, nông dân cần liên kết với DN; ngành công thương sẽ tìm thị trường thay thế cho những thị trường khó tính, đang bị chiến tranh thương mại để tìm đầu ra cho nông sản.

Sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Công thương, đại biểu tại hội trường tiếp tục chất vấn 7 lượt với 10 ý kiến yêu cầu giám đốc trả lời.

Đại biểu Lê Bảo Ngân đặt vấn đề: Trong 6 tháng đầu năm, thành phố có nhiều cố gắng trong công tác đảm bảo ATVSTP; đề nghị đồng chí giám đốc cho biết: tình trạng sản xuất, mua bán, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm; đặc biệt là vấn đề mua bán thịt heo bị dịch tả lợn châu Phi có xảy ra trên địa bàn không?

Đại biểu theo dõi chất vấn của ông Toại

Trả lời đại biểu Lê Bảo Ngân, ông Nguyễn Minh Toại, cho biết: Trong thời gian vừa qua, ngành công thương và nông nghiệp tập trung quản lý từ lò giết mổ trước khi đưa về chợ tiêu thụ. Trong quá trình này, xác định là thịt tiêu thụ tại chợ được kiểm tra nghiêm ngặt, không có tình trạng cho phép, hay bán chạy thịt heo bị nhiễm dịch tả.

Khi khu vực phía Bắc có 4 địa phương bị dịch tả heo châu Phi, thì ngành công thương Cần Thơ và nông nghiệp trình UBND thành phố xin phép phối hợp với Trung tâm công nghệ TP HCM cho chúng ta phần mềm quản lý đàn heo. Hai sở đã mở 4 cuộc họp triển khai cho 9 quận, huyện trên địa bàn. Công tác tuyên truyền về dịch tả heo châu Phi được các sở, ngành thực hiện rất nhiều, nhưng sự cảnh giác của bà con chưa cao, chưa nhiệt tình trong phối hợp để báo cáo tổng đàn heo để quản lý bằng phần mềm.

Ông Toại nghe đại biểu chất vấn

Chương trình phần mềm này sẽ cung cấp các giải pháp phòng chống dịch tả heo, nhưng hiện vẫn chưa làm tròn vấn đề này, dù chúng ta đã thực hiện trước khi dịch tả heo châu Phi vượt qua đèo Hải Vân vào Nam.

Vấn đề đại biểu đặt ra về việc các DN sử dụng công nghệ lắp ráp, gia công nên chưa thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Toại cho biết: Đây là vấn đề còn rất nhiều khó khăn đối với chúng ta. Chúng ta có 16 FTA nhưng chưa tới 5% DN Việt Nam tận dụng được hiệp định này, trong khi DN FDI tận dụng tốt. Bởi chúng ta đang bán những gì chúng ta có mà chưa bán những gì thị trường cần. Việt Nam chưa có thương hiệu gạo, thủy sản và đang bán nhờ thương hiệu của người khác nên giá bấp bênh. Sở sẽ cố gắng tham mưu tìm giải pháp hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất trong nước, xuất khẩu nhỏ; còn tham gia toàn cầu thì cần thời gian.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy: Qua theo dõi thông tin báo chí, về sản xuất xăng giả của DNTN Mỹ Hưng tại Sóc Trăng của ông Trịnh Sướng làm chủ có ảnh hưởng và liên quan đến Cần Thơ không? Trách nhiệm quản lý ngành, rà soát kinh doanh như thế nào?

Trả lời vấn đề này, ông Toại cho biết, Công an Đắk Nông đã đến làm việc với sở để nắm tình hình DN này có làm ăn tại thành phố không. Sở đã cung cấp cho công an. Còn về số lượng, chất lượng vi phạm như thế nào thì ngành công an đang làm. Chúng tôi đang chờ cơ quan công an kết luận, vì sở không có chức năng đi điều tra.

“DN của ông Trịnh Sướng có 1 tổng kho cung cấp cho 27 đại lý bán xăng dầu trên địa bàn Cần Thơ”- ông Toại nói. 

 

Vấn đề này, Chủ tịch HĐND Phạm Văn Hiểu cho rằng, việc kinh doanh mua bán xăng dầu của DN Mỹ Hưng tại Sóc Trăng có kho tại Cần Thơ, việc của công an thì công an làm nhưng địa bàn thì ngành công thương cần kiểm tra, có biện pháp xử lý và cung cấp thông tin cho người dân biết để người dân không bị thiệt.

Trả lời vấn đề này, ông Toại cho biết hiện kho xăng dầu này đã bán hết ra thị trường, không còn lưu hành kho nữa. Do đó cũng khó lấy mẫu, kiểm tra và xử phạt được.

Kết luận phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Hiểu lưu ý ngành công thương cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề hạn chế, bức xúc trong công tác quản lý ngành. Tăng cường công tác kiểm soát hàng gian, hàng giả, buôn lậu; có giải pháp nâng cao chất lượng hàng nông sản; thu hút đầu tư ngành công nghiệp nông nghiệp, có chiến lược hội nhập; xây dựng sản phẩm công nghiệp của thành phố; xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của thành phố; kiểm tra kiểm soát thị trường, hạn chế hàng lậu, hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm; dự báo chính xác nhu cầu thị trường; đẩy mạnh quản lý thương mại...

Kết thúc phiên chất vấn ngày họp thứ hai, HĐND thành phố khóa IX. 

Ngày 12-7 phiên chất vấn tiếp tục với 7 nhóm vấn đề còn lại.

Nhóm Phóng viên

Chia sẻ bài viết