14/04/2014 - 21:45

PHIÊN HỌP THỨ 27 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Nhiều băn khoăn về tính khả thi của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015

* Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề

(TTXVN)- Sáng 14-4, Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 13 dự án luật, xem xét về công tác giám sát, chương trình xây dựng pháp luật và một số nghị quyết quan trọng khác. Đây là phiên họp có khối lượng công việc rất lớn với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng, giáo dục, kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tập trung rà soát, thảo luận với tinh thần không thiên về số lượng mà chú trọng nâng cao về chất lượng, tiếp tục rà soát với chất lượng cao nhất, bàn thảo kỹ về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo để có những quyết định chính xác, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Ngay trong phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Nặng "dạy chữ", nhẹ "dạy người" là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển và cũng là ý kiến của nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi nói về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành. Nhìn nhận những mặt hạn chế, bất cập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng một số nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn… Nội dung chương trình, sách giáo khoa bị "cắt khúc", không thật đảm bảo tính liên thông, có sự trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học; chưa liên thông tốt giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không bắt kịp yêu cầu đổi mới của chương trình, sách giáo khoa, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông, chưa khắc phục được lối dạy học "truyền thụ một chiều", chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh. Phương thức đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu. Thiếu quy hoạch phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, do đó, đội ngũ này vừa thừa, vừa thiếu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông cũng như sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này thay cho Nghị quyết số 40/QH10 năm 2000 đã được triển khai thực hiện từ năm học 2002-2003 đến nay.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, nghi ngại của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đề cập đến tính khả thi của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Nhiều ý kiến cho rằng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp cùng với chương trình, sách giáo khoa là những yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục. Thời gian qua, mấu chốt này chưa được giải quyết căn cơ, rốt ráo.

Nói sâu về dự thảo nội dung Đề án, có ý kiến cho rằng người dân chưa thấy được đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trong 7 đến 10 năm tới khác được bao nhiêu, có gì hơn so với trước đây.

Cùng chung mối lo về tính khả thi của Đề án, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn từ nay đến năm 2016 chỉ còn 1,5 năm nữa, phải dồn sức cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, liệu việc nâng cao năng lực, chất lượng, trình độ đáp ứng của đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật để triển khai có khả thi? Chỉ rõ những điểm hạn chế, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng để nêu bật được sự cần thiết phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về vấn đề này, phải có báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Chủ tịch yêu cầu việc đổi mới phải có kế thừa, Nghị quyết mới của Quốc hội phải nêu rõ mục đích, nội dung đổi mới, không thể là một bản "sao chép", tập hợp lại các quan điểm của Đảng. Để đổi mới được chương trình giáo dục phổ thông, điều quan trọng là khâu tổ chức thực hiện phải đảm bảo; cần nghiên cứu kỹ, tránh tình trạng khi triển khai Nghị quyết, cơ quan thi hành lại "kêu" đội ngũ, cơ sở vật chất không đáp ứng nên chất lượng sách và điều kiện thực hiện kém.

Giải đáp các băn khoăn của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết phương pháp dạy học sẽ được đổi mới theo hướng chuyển từ hoạt động truyền thụ kiến thức sang chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập linh hoạt, đa dạng và để học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức, hình thành phương pháp học, cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, biết vận dụng sáng tạo, không nặng về truyền thụ kiến thức mà chú trọng phát triển năng lực người học. Bộ sẽ yêu cầu tập huấn đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho phù hợp với chương trình mới, đề ra tiêu chuẩn, tiêu chí tối thiểu về cơ sở vật chất mà các trường phải đảm bảo. Chương trình đặt ra yêu cầu dạy cách học để đảm bảo xây dựng xã hội học tập suốt đời. Điều này trùng với quan điểm của Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc K’so Phước khi cho rằng con đường giáo dục là con đường ngắn nhất để đi vào đời một cách vững chắc nhất.

Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ phải cần đến 34.275 tỉ đồng để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, song, trong số này chưa tính đến kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các trường chưa đảm bảo điều kiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí thêm một phiên họp về nội dung này để thảo luận, hoàn thiện thêm một bước trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 tới.

* Chiều 14-4, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Dạy nghề.

Luật Dạy nghề được ban hành từ năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động dạy nghề... Tuy nhiên, hoạt động dạy nghề trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dự án luật mới chỉ bổ sung "nặng" về các quy định xây dựng các cơ sở và chính sách về dạy nghề, "xem nhẹ" các nội dung về chất lượng dạy nghề.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát các quy định sao cho phù hợp với Luật Giáo dục; quan tâm tới các quy định phát triển khoa học công nghệ trong phát triển dạy nghề...

Chia sẻ bài viết