05/05/2025 - 18:05

Xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng 

(TTXVN) - Ngày 5-5, tại Hà Nội, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng (dự án Luật), nhằm chỉ đạo, đôn đốc tiến độ xây dựng, hoàn thiện dự án Luật để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo đúng kế hoạch, đồng thời góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tướng Phan Văn Giang chủ trì hội nghị. Ảnh: qdnd.vn

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng), căn cứ các quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành 11 luật liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến, trong đó sửa đổi, bổ sung một điều quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính cấp huyện; chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Các quy định này tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới một số quy định của 11 luật nêu trên.

Nhằm bảo đảm tính hợp hiến, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Bộ Quốc phòng nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, để ngay sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các luật cũng được sửa đổi, bổ sung đồng thời, qua đó tạo cơ sở pháp lý trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với quy định của Nhà nước về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương hai cấp.

Dự án Luật với phạm vi điều chỉnh liên quan đến 11 luật, bao gồm: Luật Quốc phòng (2018); Luật Dân quân tự vệ (2019); Luật Lực lượng dự bị động viên (2019); Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (2013); Luật Nghĩa vụ quân sự (2015); Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (2015); Luật Biên phòng Việt Nam (2020); Luật Phòng thủ dân sự (2023); Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (1999, sửa đổi các năm 2008, 2014, 2024); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (2023); Luật Phòng không nhân dân (2024). Thời gian qua, Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) đã triển khai nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan theo kế hoạch xây dựng dự án Luật.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị đã báo cáo kết quả tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, tập trung vào nội dung rà soát, đánh giá thực tiễn thi hành các luật hiện hành; đề xuất phạm vi, nội dung cần sửa đổi, bổ sung... Các ý kiến thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi đồng bộ các luật liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng; phân tích, nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng dự án Luật.

Hiền Hạnh

Chia sẻ bài viết