22/08/2021 - 11:45

Nhập tịch cầu thủ - kẻ bỏ, người theo 

Vấn đề cầu thủ nhập tịch đang gây ra nhiều tranh cãi bởi không chắc về khả năng thành công. Một số nước đã dừng chương trình này, trong khi một số nước vẫn đang “đốt cháy” giai đoạn để tăng cường sức mạnh đội tuyển bằng cầu thủ nhập tịch.

Mahamadou Sumareh (trái), cầu thủ nhập tịch của Malaysia trong trận đấu với Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: AFC

Theo tờ The Star của Malaysia, chương trình nhập tịch cầu thủ cho đội tuyển quốc gia - vốn hứng chịu nhiều chỉ trích của Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) - đã phải tạm ngừng để đánh giá lại quy trình tuyển chọn. FAM đưa ra quyết định trên khi liên đoàn mong muốn tìm ra giải pháp khả thi hơn cho đội tuyển ở vòng loại World Cup 2026. Chủ tịch FAM, ông Datuk Hamidin Amin, cho biết: “Chúng tôi đã quyết định dừng chương trình để nghiên cứu kỹ lưỡng cho tương lai.”.

Chương trình được triển khai từ năm 2018 nhằm gia tăng sức mạnh cho “Hổ Malaya”, nhưng bị chỉ trích nặng nề sau khi Malaysia bị loại ở vòng thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á hồi tháng 6. Khi đó, Malaysia nằm ở bảng G cùng tuyển Việt Nam, UAE, Thái Lan và Indonesia. Ông Datuk Hamidin Amin phân trần: “Chúng tôi đã thua UAE và Việt Nam, vốn là những đội tuyển có thứ hạng cao hơn. Dù vậy, chúng tôi cũng đã đánh bại Thái Lan, đội tuyển có thứ hạng tốt hơn Malaysia, để đứng thứ Ba bảng đấu và đang chạy đua để giành quyền tham dự Asian Cup. Thế nhưng phải chấp nhận sự thật là kết quả trên buộc chúng tôi phải xem lại việc nhập tịch cầu thủ”. Theo đó, Malaysia phải đánh giá lại tiềm năng, vai trò, đẳng cấp chuyên môn và sự cần thiết trước khi nhập tịch cầu thủ. Cho đến khi xây dựng được chương trình nhập tịch bài bản và hợp lý, Malaysia sẽ không tiếp tục chính sách này. 

Ðể chuẩn bị vòng loại World Cup 2022, Malaysia nhập tịch 2 cầu thủ là tiền đạo Guilherme de Paula (từ Brazil) và tiền vệ Liridon Krasniqi (từ Kosovo), đồng thời triệu tập gấp những cầu thủ mang hai dòng máu, trong đó có trung vệ Dion Cools (đang chơi cho CLB Midtjylland, Ðan Mạch). Tuy nhiên, nhóm cầu thủ này không thi đấu ấn tượng và bị hoài nghi về khao khát cống hiến cho tuyển quốc gia Malaysia.

Tại khu vực Ðông Nam Á, để nhanh chóng tăng sức mạnh cho đội tuyển quốc gia, nhiều nước đã áp dụng chính sách nhập tịch cầu thủ, trong đó đi tiên phong là Singapore với giai đoạn thành công vào những năm 2000. Ðội tuyển bóng đá đảo quốc Sư Tử đã 3 lần lên ngôi vô địch AFF Cup (2004, 2007, 2012) với dàn cầu thủ nhập tịch và mang hai dòng máu. Tuy nhiên, sau lứa cầu thủ như Shi Jiayi, Qiu Li, cầu thủ gốc Anh Daniel Bennet... bóng đá Singapore đã hạn chế chính sách nhập tịch, cũng bởi sự phản đối của người hâm mộ. Mặc dù hiện tại đội tuyển không còn giữ được vị thế hàng đầu khu vực, nhưng Singapore đang muốn có một thế hệ cầu thủ “chính gốc” sinh ra và lớn lên ở đảo quốc Sư Tử, thay vì ồ ạt nhập tịch những tài năng nước ngoài.

Sau Singapore, Malaysia, các nước Indonesia, Philippines và Ðông Timor đang thực hiện chính sách nhập tịch cầu thủ để cải thiện sức mạnh đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, thành công của các đội tuyển này còn rất hạn chế, chưa để lại dấu ấn đáng kể nào. Trong đó, có thể nói chính sách nhập tịch rầm rộ nhất diễn ra ở Indonesia, nhất là sau khi đội tuyển xứ Vạn Ðảo đứng chót bảng G ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 vừa qua. Những cầu thủ nhập tịch có thể kể như Cristian Gonzales, Diego Michiels, Sergio van Dijk, John van Beukering, Stefano Lilipaly và Marc Klok.

Dẫu vậy, chất lượng cầu thủ nhập tịch ở các nước khu vực Ðông Nam Á còn khiêm tốn khi so với Trung Quốc, vốn đang tham vọng giành vé ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á (ở bảng đấu gồm Nhật Bản, Úc, Saudi Arabia, Trung Quốc, Oman và Việt Nam). Trước đây, bóng đá Trung Quốc tuyệt đối không đề cập đến vấn đề nhập tịch cầu thủ, nhưng sau khi đội tuyển bị Iran hạ 3-0 ở tứ kết Asian Cup vào năm 2019, Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) đã quyết định tạo mọi điều kiện để gấp rút nhập tịch cầu thủ ngoại. CFA đã gọi một lúc 5 cầu thủ người Brazil và Anh nhập tịch lên đội tuyển quốc gia, gồm: Elkeson, Fernando Henrique, Alan Carvalho, Tyias Browning và Nico Yennaris. CFA còn dự tính sẽ cung cấp cho đội tuyển quốc gia ít nhất hai cầu thủ nhập tịch nữa là Alex Teixeira và Alan Kardec. Hai ngoại binh người Brazil này đã đủ điều kiện nhập tịch sau thời gian chơi bóng 5 năm ở Trung Quốc. Nếu Alex Teixeira và Alan Kardec kịp hoàn tất thủ tục tham dự vòng loại thứ ba World Cup vào tháng 9 tới, tuyển Trung Quốc thật sự đáng gờm.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết