Để tăng chất lượng chiếu sáng công cộng, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã và đang triển khai lắp đặt thí điểm mô hình “Chiếu sáng công cộng thông minh” tại nhiều tuyến đường. Qua đó, gia tăng chất lượng chiếu sáng công cộng và tạo vẽ mỹ quan cho các đô thị, tạo cơ sở nhân rộng mô hình chiếu sáng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng (TTKC&TKNL) Cần Thơ, Sở Công Thương TP Cần Thơ, qua thực tế khảo sát hệ thống chiếu sáng công cộng tại nhiều tuyến đường nội ô ở các quận, huyện, cho thấy nhiều tuyến đường vẫn còn sử dụng đèn và thiết bị điện có hiệu suất thấp, gây tiêu tốn nhiều điện năng tiêu thụ cũng như tốn chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Hiện thành phố có hơn 38.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng, trong đó có hơn 30.000 bộ đèn đường hiện hữu không phải là đèn led và hơn 700 tủ điện, bảng điều khiển đã cũ,… Từ thực trạng này, việc triển khai lắp đặt thí điểm các mô hình “Chiếu sáng công cộng thông minh” để tăng chất lượng chiếu sáng công cộng và tạo vẽ mỹ quan đô thị được xem là mục tiêu quan trọng nằm trong “Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” của TP Cần Thơ.
Cán bộ TTKC&TKNL Cần Thơ cùng với đơn vị thi công thử nghiệm phần mềm của hệ thống đèn led thế hệ mới tích hợp tủ điều khiển thông minh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc TTKC&TKNL Cần Thơ, cho biết: Để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, TTKC&TKNL Cần Thơ đã hỗ trợ cho các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh lắp đặt thí điểm trên 10 mô hình “Chiếu sáng công cộng thông minh”. Hiện, các mô hình đã được đưa vào sử dụng, không chỉ gia tăng chất lượng chiếu sáng cho các đô thị, mà còn đáp ứng mục tiêu tiết giảm điện năng tiêu thụ và chi phí quản lý, vận hành trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, góp phần bảo vệ môi trường làm cơ sở để nhân rộng mô hình trên toàn thành phố.
Trung tuần tháng 12, TTKC&TKNL Cần Thơ đã lắp đặt thí điểm mô hình “Chiếu sáng công cộng thông minh” cho 2 tuyến đường Trần Chiên, phường Lê Bình, quận Cái Răng và tuyến Quốc lộ 80, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh. Mỗi tuyến đường được lắp đặt 25 bộ đèn led công suất 120W điều khiển 2 cấp công suất thay thế cho các loại đèn cao áp cũ 150W. Sau khi đường Trần Chiên, ở phường Lê Bình, quận Cái Răng được thay hệ thống đèn led mới cùng với tủ điều khiển thông minh đã tạo sự phấn khởi cho các cơ sở kinh doanh cũng như người dân sinh sống trên tuyến đường này. Anh Bùi Văn Tài, người dân sinh sống ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, chia sẻ: Từ khi đường Trần Chiên được gắn hệ thống đèn led thế hệ mới, chất lượng ánh sáng được tăng lên, giúp người dân đi lại dễ dàng vào ban đêm và đường phố ngày càng khang trang hơn so với trước.
Là hộ kinh doanh quán cà phê, ở đường Trần Chiên, phường Lê Bình, quận Cái Răng, anh Nguyễn Minh Giang, cho biết: Trước đây, hệ thống đèn chiếu sáng của đường Trần Chiên bị xuống cấp và độ rọi sáng thấp, nên lượng khách đến quán cà phê vào ban đêm cũng hạn chế, nhưng từ khi hệ thống đường đèn này được đầu tư làm mới, chất lượng ánh sáng được nâng cao, không chỉ giúp người dân lưu thông vào ban đêm dễ dàng hơn, mà còn góp phần tạo thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường này.
Là một trong những doanh nghiệp chuyên cung cấp và lắp đặt thiết bị chiếu sáng công cộng thông minh cho TP Cần Thơ, ông Nguyễn Trung Thảo, Giám đốc Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Hầu hết các tuyến đường được triển khai theo mô hình“Chiếu sáng công cộng thông minh” của TTKC&TKNL Cần Thơ đều áp dụng giải pháp chiếu sáng led, vừa có độ rọi sáng cao gấp đôi so với đèn thường, vừa có khả năng tiết kiệm điện năng tiêu thụ đến 50%. Không chỉ vậy, hệ thống đèn led thế hệ mới còn tích hợp tủ điều khiển thông minh cho phép quản lý, giám sát, điều khiển từ xa bằng phầm mềm được cài đặt trên thiết bị di động thông minh và có thể kết nối với trung tâm điều khiển thông minh của các đơn vị quản lý chiếu sáng công cộng. Cùng đó, hệ thống đèn đường thông minh này còn có chức năng tích hợp đo đếm điện năng, cảnh báo khi xảy ra sự cố và hoạt động độc lập trong trường hợp mất kết nối.
Với các tiện ích này, các đơn vị quản lý, vận hành không cần trực tiếp đến hiện trường, mà vẫn kiểm tra được các sự cố đèn bị hư hoặc ngưng hoạt động qua phần mềm đã được cài đặt, tích hợp trên thiết bị di động. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng tính toán được số điện năng tiêu thụ cũng như chi phí tiền điện của toàn hệ thống đèn đường mà không cần phải đo, đếm qua công tơ điện như trước đây… Đây được xem là giải pháp chiếu sáng công cộng thông minh đang được các thành phố, nhất là các đô thị loại 1 hướng tới.
Theo TTKC&TKNL Cần Thơ, điện năng dùng cho chiếu sáng công cộng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tiêu thụ điện của thành phố. Hướng tới TTKC&TKNL Cần Thơ sẽ phối hợp với ngành chức năng thành phố cũng như các quận, huyện tranh thủ tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư, triển khai nhiều mô hình chiếu sáng công cộng thông minh. Từ đó không chỉ tạo lập được một môi trường ánh sáng tiện nghi cho người dân ở các đô thị, mà còn góp phần thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng xanh - sạch, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố.
Bài, ảnh: MỸ HOA