07/12/2022 - 08:52

Nhận định các xu thế mới của thương mại, đầu tư quốc tế 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Hội thảo khu vực ÐBSCL về “Các xu thế mới của thương mại, đầu tư quốc tế - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Quỹ Hanns Seidel, (HSF) của Cộng hòa Liên bang Ðức vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ. Các đại biểu tham dự  hội thảo nhận định xu hướng mới từ hội nhập kinh tế toàn cầu và tác động đến Việt Nam nói chung, ÐBSCL nói riêng, từ đó khuyến nghị các giải pháp đối phó với những thách thức.

Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo các tỉnh ABCD Mekong tham quan gian hàng trưng bày đặc sản vùng tại Diễn đàn năm 2022. 

Thích ứng hội nhập

Năm 2022, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu, nguồn lao động bị thiếu hụt, giá hàng hóa tăng cao, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cả nước và thế giới phục hồi sau đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp chịu những tác động nặng nề. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với hàng loạt các cam kết thuế quan ưu đãi đối với hầu hết các mặt hàng, cùng với nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của cả nước có xu hướng phục hồi là yếu tố tác động lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Bà Nguyễn Bích Thủy, Phó Vụ trưởng, Vụ hợp tác quốc tế đa phương, Bộ Ngoại giao, cho rằng, xu thế phục hồi kinh tế theo hướng bền vững gia tăng, với trọng tâm là tăng trưởng xanh, tăng tính tự cường của chuỗi cung ứng. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách và chiến lược phục hồi sau đại dịch. Trong bối cảnh toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất, Việt Nam cần tăng sức cạnh tranh, tham gia sâu hơn về chuỗi cung ứng toàn cầu. Là “Vựa lúa” của Việt Nam, riêng lĩnh vực nông nghiệp, ÐBSCL chiếm 35% GDP của ngành, đóng góp 54% sản lượng lúa và 70% sản lượng thủy sản của toàn quốc, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế cả nước và thu hút nguồn FDI.

Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện HSF, cho rằng, xu hướng số hóa bao trùm trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Số hóa và nền kinh tế nền tảng kỹ thuật số kết nối con người và nền kinh tế trên toàn thế giới đã mang đến những cơ hội lớn để mở rộng thị trường cũng như phát huy hiệu quả lao động. Những xu hướng này sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nhập nhanh chóng của công nghiệp và công nghệ, tạo điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhấn mạnh, tận dụng lợi thế từ FTA hỗ trợ tích cực trong thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung nhằm phục hồi tăng trưởng hậu khủng hoảng. Ðồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu của TP Cần Thơ nói riêng, ÐBSCL nói chung, đặc biệt trong các lĩnh vực về gạo, thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến…

An ninh lương thực đang là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế thế giới, nên vùng ÐBSCL đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục phát triển trong tương lai. Ðể đạt được điều đó, theo các chuyên gia, cần phải đảm bảo cải thiện thu nhập cho nông dân sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Việt Nam phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Ðồng thời ban hành các chính sách thu hút sản xuất có giá trị cao, đa dạng hóa nền kinh tế để tăng vai trò của dịch vụ và nền kinh tế số, mở đường cho việc tiếp nhận năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và phân bón sang cho nông nghiệp, đồng thời đảm bảo chính sách thuế và lực lượng lao động cạnh tranh trên toàn cầu.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng, cần rất nhiều nỗ lực để cải thiện, đồng thời cần đồng bộ chất lượng giữa các dòng sản phẩm, các doanh nghiệp và khu vực nhằm đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm, khu vực và cho Việt Nam. Việc phát triển mạng lưới hỗ trợ hiệu quả bền vững từ việc tìm kiếm thị trường đến việc thu mua với giá cao và hợp lý cho nông dân rất quan trọng để khuyến khích nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững.

Triển vọng tăng trưởng

Ðại diện một số tổ chức quốc tế tin tưởng về triển vọng tiếp tục tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế trong nước  có sự tăng trưởng mạnh mẽ và Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu cho các công ty đa quốc gia trong việc tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những thách thức toàn cầu đang kéo theo một số khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn. Ðơn đặt hàng năm 2023 của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều giảm nghiêm trọng, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, nội thất, thép, xi măng…

Chia sẻ những khó khăn, ông Hà Vũ Sơn cho biết, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về cơ hội  và thách thức từ các FTA, do đó chưa mạnh dạn tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố còn thiếu thông tin về các đối tác kinh tế lớn, các nước, hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu tại các thị trường truyền thống, ít chủ động mở rộng tìm kiếm thị trường mới; hàng hóa chưa đáp ứng được tiêu chuẩn tại một số thị trường khó tính.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông John Rockhold cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu. AmCham và các thành viên mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ và đặc biệt là ÐBSCL để phát triển một môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. AmCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững.

Theo ông Ngô Thanh Hải, Chủ tịch Quỹ đầu tư FPT, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, như tại Hoa Kỳ và Nhật Bản đang có xu thế điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tái định hình đầu tư theo hướng chú trọng các xu thế về đầu tư xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đầu tư vào khí hậu, y tế, cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững... nhằm thích ứng và phục hồi sau đại dịch. Ðây đều là những lĩnh vực Việt Nam đang tập trung ưu tiên hoặc có thế mạnh.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, để tận dụng tốt các cơ hội FTA, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cần sớm nhận thức, định vị được các lợi thế của mình trong tình hình mới và đẩy mạnh quá trình “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” với tinh thần quyết liệt trong một thế giới đang đổi thay.

Chia sẻ bài viết