06/10/2020 - 08:30

Nhà văn Vũ Hạnh - “Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc” 

NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức chương trình giao lưu cùng nhà văn Vũ Hạnh - “Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc” vào sáng 26-9-2020 tại Đường Sách TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông là “Người nhà Trời”, bên cạnh 2 ấn phẩm nổi bật được tái bản là “Đọc lại truyện Kiều” và “Bút máu”.

Nhà văn Vũ Hạnh tại buổi giao lưu.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật Nguyễn Ðức Dũng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam trong một gia đình Nho học. Sau khi tốt nghiệp Tú tài (19 tuổi), ông tham gia cách mạng, trải qua 5 lần bị địch bắt và tra tấn từ năm 1954 đến 1975. Dù vậy, ông vẫn bền bỉ đấu tranh bằng ngòi bút trong thời chiến và tiếp tục thể hiện lao động nghệ thuật nghiêm túc trong thời bình. Ông không chỉ nổi tiếng với các tuyển tập truyện ngắn như “Bút máu”, “Chất Ngọc”, “Vượt thác”, “Người chồng thời đại”; các truyện dài “Lửa rừng, cô gái Xà-Niêng”, “Tính sổ cuộc đời”, “Con chó hào hùng”, “Ngôi trường đi xuống”; mà còn là cây bút viết tiểu luận, phê bình nổi tiếng với “Ðọc lại truyện Kiều”, “Tìm hiểu văn nghệ”, “Cha mẹ bơ vơ”, “Tuổi trẻ nổi loạn”, “Người Việt cao quý”. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Trong đó “Bút máu” và “Ðọc lại truyện Kiều” được NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa tái bản tiêu biểu cho sự nghiệp của ông.

Còn với tác phẩm mới nhất “Người nhà trời”, người đọc sẽ khâm phục sức sáng tạo của nhà văn bởi ông viết quyển này trong vòng 3 năm trở lại đây. Tác phẩm được thai nghén từ câu chuyện cách đây hơn 50 năm khi nhà văn Vũ Hạnh được nhà văn Mặc Khải kể lại cuộc đời nhiều tay anh chị miền Nam dưới thời thuộc Pháp. Nhà văn Vũ Hạnh đã lý giải chọn hình tượng “những tay anh chị” mang danh “Người nhà trời”: Ở đâu có sự áp bức, bất công và suy đồi về luật pháp thì sẽ nảy sinh những người tự nhận “thế thiên hành đạo”, những người tự động tạo ra một thứ luật rừng để mà xử lý theo sự công minh từ sự nhận thức của mình. Thời Pháp thuộc, xã hội miền Nam sản sinh nhiều tay anh chị là vì lẽ đó và trong số này có cả những người trí thức đã từng xuất dương du học. Những anh, chị này, thời ấy, có đặc điểm riêng mang nặng sắc màu Việt Nam và đó là điều chúng ta vẫn muốn tìm hiểu. 

Trong câu chuyện được nhà văn Mặc Khải kể, nhân vật Tư Bạch luôn ám ảnh nhà văn Vũ Hạnh. Ðó là người nông dân này lớn lên ở vùng sông nước Cần Thơ, đã có một thời ngang dọc gây sự khiếp hãi cho những kẻ xấu và dầu tài học hạn chế vẫn có cái nhìn đậm màu triết học về cuộc đời này. Ðó là một trong những nhân vật đại diện cho những tay anh chị được khắc họa trong “Người nhà trời”: dẫu số phận đặc biệt thì họ vẫn mang dòng máu bất khuất, lòng vị nghĩa được biểu lộ một cách thích hợp.

Ở tuổi 94, nhà văn Vũ Hạnh vẫn có thể tự lái xe máy đi lại khắp TP Hồ Chí Minh, cũng như viết đều đặn. Ông cho biết: “Tôi đang viết hồi ký “Cũng một kiếp người” chiêm nghiệm và xâu chuỗi lại những giai đoạn đáng nhớ để viết về những thăng trầm đã trải qua trong cuộc đời. Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều người nằm xuống ở biển khơi, nơi rừng sâu không tìm ra xác hay những nấm mồ không xác định danh tính. Những con người đó có tuổi trẻ, có tình yêu cũng có tài năng, hoài bão… họ một lòng chiến đấu và hy sinh không trở về nữa. Mình còn sống là hạnh phúc lắm rồi...”.

Bài, ảnh: Q.M    

Chia sẻ bài viết