02/06/2019 - 10:01

Nhà văn Trương Chí Hùng: Những trang viết lưu giữ ký ức thôn quê 

Nhà văn Trương Chí Hùng. Ảnh: NVCC

Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của ĐBSCL, hiện đang là giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh nổi tiếng với bút ký “Man mác Vàm Nao” - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017. Văn của Trương Chí Hùng khiến người đọc nao nao với những gì thân thuộc chốn đồng quê, sông nước. Nhân dịp ra mắt tập tản văn “Trong sương thương má” (NXB Kim Đồng ấn hành), Trương Chí Hùng đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc trò chuyện:

- "Trong sương thương má” là cuốn sách thứ hai của tôi, sau tập thơ “Một nửa nhà quê” (NXB Hội Nhà văn, 2014). Những tản văn trong cuốn sách này tôi viết từ thời còn là sinh viên tới giờ, viết chậm, mỗi năm chỉ được dăm ba cái. Đề tài của những tản văn chủ yếu là những gì diễn ra trong cuộc sống quanh tôi, phần lớn là ký ức về miền Tây sông nước. Ở đó, có gia đình tôi, có ba má tôi, có lối xóm tôi - những người lao động sống nghĩa tình và cả những người bạn tôi nữa… Nói chung, đó là những lát cắt ký ức mà người con miền Tây nào cũng có thể bắt gặp một phần tuổi thơ mình trong đó.

Trong “Trong sương thương má”, hầu hết những nhân vật là người thân yêu của anh. Anh có sợ mình “cá nhân hóa” những trang viết này không?

- Không! Tôi không nghĩ vậy!

Nhà tôi nghèo lắm. Ba má tôi không có đất đai lại đông con, phải chật vật lắm để lo cho anh em tôi có cái ăn cái mặc. Tôi - đứa con trai Út trong gia đình 10 anh em - đã lớn lên trong nỗi khốn khó lẫn yêu thương của gia đình. Nỗi buồn lớn nhất của anh em tôi là khi chúng tôi đã trưởng thành, đã có thể phụng dưỡng ba má thì đã không còn cơ hội... Tất cả những điều ấy ám ảnh, day dứt trong tôi, thôi thúc tôi viết. Những trang văn đầu đời, tôi đã viết về ba má, về gia đình.

Tôi nghĩ, thể hiện nỗi lòng của mình trên trang viết cũng là để bạn đọc qua đó trân trọng những gì đang có, nhất là tình cảm gia đình. Có những thứ khi ta mất đi rồi sẽ mãi mãi chẳng bao giờ tìm lại được.

Đọc văn anh từ khá lâu, vẫn thấy anh chung thủy với đề tài quê hương, xứ sở. Người ta thấy con sông quê anh như dạt dào, bất tận và cả mùa nước nổi, cánh đồng lúa chín… Có bao giờ anh nghĩ sẽ chọn đề tài khác - hiện đại hơn, trẻ trung hơn, lãng mạn hơn… chẳng hạn, để thử sức?

- Tôi có nhiều ký ức về quê hương bởi cả vùng trời tuổi thơ đã ngụp lặn nơi đó. Đồng thời, tôi cũng trăn trở nhiều về những đổi thay nơi quê nhà, nhất là khi nhiều người trẻ bị “bứng” đi khắp xứ để mưu sinh, khi nếp quê, nếp nhà có dấu hiệu phai lợt. Tôi hy vọng những trang văn của mình sẽ phần nào lưu giữ được một phần ký ức và những vẻ đẹp chốn thôn quê.

Về gợi ý của bạn, tôi nghĩ, đề tài nào cũng có cái hay, chỉ cần chúng ta viết tốt thì nhất định sẽ chạm được đến trái tim độc giả.

Vốn được đánh giá cao ở thể loại bút ký khi từng là “Quán quân” Cuộc thi Bút ký ĐBSCL, anh vẫn sẽ theo đuổi thể loại này?

- Mỗi thể loại có thế mạnh riêng. Một thông điệp nào đó, một cảm hứng nào đó sẽ có thể loại phù hợp để chuyển tải. Cũng vì vậy mà tôi viết nhiều thể loại như thơ, tản văn, truyện ngắn, bút ký.... Với bút ký, tôi “bén duyên” khá muộn nhưng lại nhiều đam mê. Có lẽ do tôi sáng tác văn thơ nhưng tâm hồn ít mơ mộng nên tôi thích bút ký. Nó cho tôi thỏa sức bung tỏa những xúc cảm thăng hoa nhưng lại không thoát ly khỏi hiện thực. Hiện, bản thảo tập bút ký của tôi cũng gần hoàn tất. Nếu thuận lợi, tôi sẽ ra mắt trong năm nay.

Là thầy giáo, lại thích xê dịch, khám phá, nghề viết - nghề giáo và chuyện xê dịch đã làm nên một Trương Chí Hùng như thế nào, theo anh?

- Công việc chính của tôi là nghiên cứu và giảng dạy. Dù vậy, như bạn biết, tôi còn thích xê dịch và đam mê sáng tác. Cũng may là mấy cái “mê” này lại bổ trợ rất nhiều cho tôi trong công việc. Tôi luôn tâm niệm làm gì cũng cố gắng làm hết mình, sống trọn vẹn với đam mê, tạo ra càng nhiều giá trị cho xã hội càng tốt.

Còn hình ảnh Trương Chí Hùng như thế nào thì lại thuộc về cách mọi người cảm nhận, tôi không cố gắng xây dựng mình thành một quy chuẩn hay khuôn mẫu nào cả (cười).

Xin cảm ơn anh!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết