20/06/2021 - 17:24

Nhà báo trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 

Trong suốt chiều dài lịch sử, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đóng góp tích cực trên mặt trận thông tin tuyên truyền, thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội, là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Ðặc biệt, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, cùng cả nước, các cơ quan báo chí, nhà báo trên địa bàn TP Cần Thơ luôn xung kích trên mặt trận truyền thông để thực hiện sứ mệnh của mình. Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu một số nhà báo tiêu biểu, không quản hiểm nguy, luôn đồng hành cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhà báo Ðoàn Thị Lý (bên trái) chụp ảnh cùng nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ trong lần tác nghiệp tại khu cách ly tập trung Trung đoàn Bộ binh 932. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xung kích trên tuyến đầu

20 giờ, vừa trở về nhà sau một ngày tác nghiệp, nhà báo Lâm Quang Trực, Ðài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ (PT&TH) nhận được tin lãnh đạo thành phố chỉ đạo Ðội Phản ứng nhanh của Thành đoàn Cần Thơ ngay trong đêm phải nhập liệu cho xong hơn 20.000 thông tin khai báo y tế từ các chốt kiểm soát dịch COVID-19 gởi về. Ăn vội chén cơm, anh lại bắt tay vào việc. “Tôi nghĩ đây là một cuộc chiến thật sự. Và chúng tôi - chiến sĩ tuyên truyền - phải luôn đồng hành cùng những thành viên nơi tuyến đầu phòng, chống dịch, nhằm kịp thời đưa thông tin chính xác đến người dân” - anh Trực chia sẻ.

Hơn một năm qua, anh Trực và các đồng nghiệp Ðài PT&TH thành phố có mặt để thông tin kịp thời các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; từ việc lãnh đạo các cấp kiểm tra cơ sở vật chất y tế đến hoạt động tại chốt kiểm soát dịch, sân bay, bến xe, tàu, thăm và tặng quà lực lượng phòng, chống dịch… Anh Trực cho biết: “Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tôi nghĩ báo chí cần nhanh nhạy, nhưng đồng thời phải truyền thông chính xác để an dân. Trong tác phẩm của mình, tôi luôn phân tích, làm rõ quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền thành phố trong việc phòng, chống dịch vừa giữ nhịp phát triển kinh tế. Có như thế cộng đồng mới chung sức, chung lòng ngăn ngừa dịch bệnh”.

Gắn bó cơ sở, mỗi tác phẩm của anh Trực đều mang đậm “hơi thở” cuộc sống, từ những khó khăn của doanh nghiệp, sự vất vả mưu sinh của người dân trong đại dịch đến phản ánh những bất cập, lơ là, chủ quan của một bộ phận trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Do đặc thù của báo hình, báo nói là tiếp xúc trực tiếp nên nhà báo sẽ rất khó khăn khi tác nghiệp. Anh Trực và các đồng nghiệp đã áp dụng phương thức sử dụng đồ họa, biểu đồ, rút ngắn thời gian phỏng vấn và ghi hình; tác nghiệp online, phỏng vấn qua điện thoại; hỗ trợ các nhân vật tự ghi hình, chụp ảnh bằng điện thoại thông minh, sau đó kết nối với phóng viên để có thông tin và hình ảnh... Xông pha tác nghiệp ở những nơi có nguy cơ cao nhưng nhà báo Lâm Quang Trực và những đồng nghiệp sẵn sàng dấn thân bởi tình yêu nghề và trách nhiệm xã hội của nhà báo - đưa thông tin đúng định hướng, chân thật, nhanh nhạy... đến với công chúng. 

Ở Báo Cần Thơ, nhà báo Ðoàn Thị Lý là người theo dõi xuyên suốt các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Nhà báo Ðoàn Thị Lý cũng đã từng tác nghiệp trong môi trường nguy hiểm khi đại dịch SARS (2003), cúm A/H5N1 (2004) bùng phát, nhưng dịch COVID-19 là một trải nghiệm hoàn toàn khác khi cấp độ nguy hiểm cao hơn, tác động một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn đến mọi mặt của đời sống. Nhà báo Ðoàn Thị Lý kể: “Thời gian đầu, tôi và các đồng nghiệp chỉ mang khẩu trang y tế khi đến sân bay, khu cách ly tập trung để đưa tin về chuyến bay có công dân về từ các nước. Biết là nguy hiểm, nhưng cứ nghĩ tác phẩm của mình sẽ đến với người dân, góp phần định hướng dư luận, giúp mọi người an tâm là tôi vượt qua nỗi lo. Bây giờ, mọi người đều được trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang y tế để bảo đảm an toàn khi dịch bệnh ngày càng nguy hiểm”.

Những ngày này, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hằng ngày, nhà báo Ðoàn Thị Lý đều liên lạc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố…; đồng thời, thường xuyên theo dõi mạng xã hội để đưa thông tin kịp thời, chuẩn xác, tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân. Nhà báo Ðoàn Thị Lý chia sẻ, những khi thành phố có những trường hợp F1, F2, chị gần như thức trắng đêm theo dõi thông tin từ các cơ quan chức năng để đưa về tòa soạn. Từ những thông tin này, chị càng khâm phục tinh thần hy sinh, cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ, bộ đội, đoàn viên thanh niên… - những người đã không quản ngày đêm, nắng mưa, tích cực chung sức ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Ðiều đó càng thôi thúc chị nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhà báo Lâm Quang Trực (bên phải) trong một lần đi tác nghiệp về phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hơn một năm qua, nhà báo, Trung tá Lưu Quang Ðức, biên tập viên Báo Quân khu 9 (QK9) không ngại hiểm nguy, xung kích trên tuyến đầu thực hiện hơn 500 tác phẩm với nhiều thể loại báo chí để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng vũ trang Quân khu trên Báo QK9, Báo Quân đội Nhân dân, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam… Nhà báo Anh Ðức đã đến tác nghiệp ở 20/22 khu cách ly tập trung của QK9 trên địa bàn các tỉnh vùng ÐBSCL; trong đó, có nhiều khu cách ly anh đến 5-6 lần. Anh chia sẻ, mỗi chuyến đi là một dịp để anh trải nghiệm, cảm nhận để từ đó ghi nhận, phản ánh một cách chân thật nhất về đời sống của người dân ở các nước về; tấm lòng của những “người lính Cụ Hồ” trong thời bình dành cho bà con. Ở các khu cách ly tập trung, nhà báo Lưu Quang Ðức đã “mắt thấy tai nghe” nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân cá nước. Như câu chuyện bộ đội TP Cần Thơ giúp một sản phụ trong khu cách ly sinh con đảm bảo an toàn. Anh Quang Ðức kể: “Trong nhiều bài viết của mình, tôi nhớ nhất là tác phẩm về một nhà báo từ nước ngoài về được cách ly ở Trung đoàn Bộ binh 932, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ. Chị đã tham gia làm các phóng sự phát thanh tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly. Ðiều đó càng thúc giục tôi hành động, đóng góp nhiều hơn để xứng đáng với sự tin tưởng của Ban Biên tập, đồng nghiệp và bạn bè về hình ảnh người lính trên mặt trận tư tưởng hôm nay”.

Ðồng hành cùng hội viên

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố. Các nhà báo đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó khăn trong tác nghiệp. Mặc dù vậy, với bản lĩnh vững vàng, các nhà báo đã kịp thời thích ứng, thay đổi phương thức tác nghiệp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các tác phẩm báo chí đều đúng chủ trương của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19; phản ánh kịp thời những thành tựu của thành phố trên các lĩnh vực.

Ðồng hành cùng hội viên, Liên Chi hội Nhà báo Ðài PT&TH thành phố đã kịp thời tham mưu Ðảng ủy, Ban Giám đốc có những chỉ đạo kịp thời về công tác nghiệp vụ; huy động nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới… Riêng Phòng Thời sự xây dựng 4 ê-kíp để sẵn sàng tham gia các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Ðặc biệt, nhiều nhà báo ở Ðài PT&TH thành phố đã được tiêm ngừa COVID-19 để an tâm khi tác nghiệp ở những nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh. Lãnh đạo Chi hội Nhà báo Báo Cần Thơ, cho biết: “Chi hội sẽ tiếp tục vận động hội viên nâng cao tinh thần dấn thân trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện nghiêm thông điệp “5K”; tiếp tục tham mưu Ban Biên tập đề cử những anh, chị làm công tác ở tuyến đầu tiêm ngừa; khen thưởng những cá nhân hoạt động nghiệp vụ xuất sắc… Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí, thực hiện tốt trách nhiệm của nhà báo trong phòng, chống dịch COVID-19”.

Theo nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Cần Thơ, ngay từ đầu năm 2021, Thường trực Hội Nhà báo TP Cần Thơ đã có những chỉ đạo về định hướng hoạt động cho chi hội, liên chi hội nhà báo trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; xây dựng các kịch bản để hoạt động của Hội Nhà báo thành phố luôn thuận lợi cũng như hỗ trợ hội viên. Ðến nay, Hội Nhà báo thành phố đã nhiều hoạt động hiệu quả: tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thành công giải Báo chí Phan Ngọc Hiển thành phố năm 2020-2021, phát động hội viên tham gia các giải báo chí của ngành và Trung ương tổ chức… Thời gian tới, Hội Nhà báo thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho hội viên về nghiệp vụ, đời sống. Ðồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng trang thông tin điện tử và tạp chí của Hội Nhà báo TP Cần Thơ nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết