26/12/2009 - 20:36

TIẾN TỚI KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI (1010 - 2010)

Nguyên phi Ỷ Lan - Người phụ nữ nửa thế kỷ "phò vua trị quốc bình thiên hạ"

Nhà Tiền Lê tồn tại 29 năm (980-1009) qua 2 thế kỷ. Nhà Lý kế vị, người khởi nghiệp Triều Lý là Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn, sinh năm 984 ở làng Cổ Pháp, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) tồn tại 216 năm, qua ba thế kỷ XI-XIII, có 9 đời vua, trong đó có 2 vua trị quốc từ 35 - 37 năm, riêng vua Lý Nhân Tông lên ngôi mới 7 tuổi, đến 63 tuổi mới băng hà - là ngôi vua lâu nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Bảy mươi ba năm (l054-1127) dưới thời vua (cha) Lý Thánh Tông (1054 - 1072) và vua (con) Lý Nhân Tông (1072- 1127) non sông Đại Việt ta đạt đỉnh cao của “Quốc Thịnh Dân An”, mấy lần đánh thắng quân Tống, có lần cho quân vượt biên giới đánh vào Châu Ung, Khâm, Liêm; có bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, do danh tướng Lý Thường Kiệt thời vua Lý Nhân Tông viết.

Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan. Ảnh: skyscrapercity.com 

Triều Lý cực thịnh thời kỳ 1054 - 1127 dưới triều vua Thánh Tông, vua Nhân Tông “mở mang văn hóa nước nhà, đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân, Lý Thường Kiệt là hiền nhân, đuổi quân nhà Tống, đánh quân Chiêm Thành (Nguyễn Ái Quốc - 1942). Nói về sự cường thịnh của nhà Lý không thể không nói về “Ỷ Lan” - một phụ nữ có tài phò vua trị quốc bình thiên hạ dưới hai đời vua (chồng và con).

Mùa xuân năm 1063 vua Lý Thánh Tông đã ở tuổi tứ tuần, nhưng không có con trai kế vị, thần dân trong kinh ngoài trấn ai cũng buồn lo. Nhà Vua xa giá đến “cầu tự” ở chùa Dâu vùng Kinh Bắc. Trong lúc vua vãn cảnh đẹp ở vùng thôn dã, dân chúng vui mừng đón vua. Một thôn nữ vừa hái dâu vừa hát chẳng hề bận tâm đến không khí vui mừng. Đó là cô gái Lê Thị Yến. Vua đi qua, bắt chuyện làm quen, cô gái quỳ tâu:

- Thiếp là con kẻ bần gia, phải làm lụng tối ngày để phục vụ song thân, không dám ngơi tay để xem “long nhan” (mặt rồng).

Qua trao đổi chuyện, thấy thôn nữ đẹp người, đẹp nết, hay chữ, vua đã hạ chỉ đưa cô gái về triều, xây riêng cho cô cung điện, đặt cho cô tên “Ỷ Lan” (đứng dựa gốc cây lan). Từ năm Quý Mão (1063), Lê Thị Yến cô gái làng Thổ Lỗi, xứ Kinh Bắc gần kinh Thành Thăng Long trở thành Nguyên phi, rồi Hoàng hậu nhà Lý. Vài năm sau bà sinh cho vua một hoàng tử, đặt tên là Càn Đức, đem lại niềm vui lớn cho hoàng tộc và nhân dân cả nước.

Khác với các phi tần trau chuốt nhan sắc để được vua sủng ái, Ỷ Lan Nguyên phi rất quan tâm đến quốc gia đai sự. Bà khổ công học tập, miệt mài đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách. Các triều thần đều ngạc nhiên trước tri thức, sự hiểu biết của Nguyên phi.

Hơn nửa thế kỷ (l063 - 1117) là Nguyên phi, rồi Hoàng hậu, Nhiếp chính Triều Lý, Ỷ Lan Nguyên phi đã tỏ ra là một phụ nữ có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước, là một cộng sự uyên bác của chồng là vua Lý Thánh Tông.

Bàn thờ Nguyên phi Ỷ Lan. 
 Ảnh: hgdcongdong.org.vn 

Theo sử sách, một lần giải tâu về kế “trị quốc bình thiên hạ”, Ỷ Lan tâu rõ với nhà vua:

- Muốn nước giàu dân mạnh, hệ trọng nhất là phải biết nghe điều can gián của bậc trung thần, lời nói ngay nghe chướng tai đấy, nhưng lại có lợi cho việc làm, thuốc đắng khó uống nhưng khỏi bệnh. Thứ đến là phải xem quyền hành là thứ đáng sợ! Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người, tự mình tu điều đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật, nước muốn mạnh, Hoàng Đế còn phải “nhân từ với muôn dân”, Xưa nay ai thu phục được “nhân tâm” thì hưng thịnh, ai cậy vào sức mạnh thì sẽ mất không còn.

- Phàm xoay cái thế thiên hạ đều ở “trị” chứ không phải ở “sức”, thu tấm lòng thiên hạ ở “nhân” chứ không phải ở “bạo”. Hội tụ đủ các điều đức đẹp ấy, nước Đại Việt ta sẽ vô địch đời đời.

Về kế sách gìn giữ “an ninh quốc gia” Đại Việt, nhà vua đã vô cùng ngạc nhiên từ những lời tâu của hoàng hậu.

- Các bậc tiền vương xưa không sợ dân giàu, mà chỉ sợ nước không yên!

Giải đáp thắc mắc của vua, hoàng hậu nói:

- Tâu bệ hạ: giàu mà không yên thì lúa có đầy kho cũng không thể ngồi mà an hưởng được.

- Nhưng sự “không yên” có phải do sự “không giàu” mà ra đâu?

- Tâu bệ hạ, chẳng phải là sợ giàu mà là từ sự “muốn giàu”. Người giàu lại muốn giàu thêm, người nghèo muốn thành giàu, thiên hạ ai chẳng muốn giàu, tính tham dục tự nhiên đã sẵn có trong lòng. Vì muốn giàu, kẻ này thì bất nhân tàn ác, kẻ kia lại sinh lòng phản trắc, xem nhẹ tình cốt nhục cha con anh em, họ đâu còn biết được lễ nghĩa, liêm sỉ là gì nữa.

- Vậy thì Trẫm phải làm gì đây?

- Tâu bệ hạ, nếu muốn giàu mà quên lễ nghĩa dân thì giàu, nước sẽ yếu. Xin bệ hạ đã thương dân như con thì nên có chung sự răn dạy rộng rãi bắt buộc với mọi người trong thiên hạ, chỉ khi nào từ quan đến dân đều biết trọng từ cách làm người hơn tham vọng làm giàu, biết kiềm chế lòng tham dục thì ngày ấy nước mới có kỷ cương, phép tắc, mới trở nên vững vàng được. Một bậc “minh quân” chính là phải kiềm chế được ý muốn làm giàu “vô hạn” của kẻ có chức có quyền, phải lo cho dân có cơm ăn áo mặc, dư dả quanh năm.

Trong lần đàm đạo giữa vua và hoàng hậu về chuyện bức bối nơi thôn dã do các quan quản hạt gây nên, như tệ đút lót quan trên khi kiện cáo tranh chấp điền viên, Ỷ Lan đã tâu:

- Thói thường quyền lực danh vọng dễ làm người ta thay lòng đổi dạ, kẻ có quyền lực chỉ giết được người, chứ không thể giết được lòng người, người có đức lấy đạo khoan mà phục được dân, còn người thường phải lấy cách nghiêm mà trị dân mới được, ví như lửa nóng dân trông thấy mà sợ, cho nên chết vì lửa thì ít; Nước mát dân khinh nhờn, cho nên chết vì nước thì nhiều, thế mới biết đạo khoan là khó... Người giỏi trị nước phải biết kết hợp giữa khoan dung và nghiêm lệnh như sự phối hợp của hai bàn tay của một người. Nhưng từ biết đến làm, từ làm hỏng đến làm được là một chặng đường dài, người có tấm lòng đi được chặng đường thứ nhất, người biết sửa mình sẽ đi được cả hai chặng đường.

Năm 1069, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Ỷ Lan làm nhiếp chính coi việc nội trị. Bà rất trọng quan, thương dân, để các lão thần chống gậy vào chầu miễn quỳ lạy, được ngồi ghế cùng mình bàn quốc sự. Năm ấy thiên tai lũ lụt, mùa màng thất bát nhiều nơi sinh loạn. Nhờ kế sách giữ nước của bà đúng đắn, quyết đoán, táo bạo, đã dẹp yên loạn lạc, cứu đói cho dân, bỏ tiền nội phủ ra chuộc con gái nhà nghèo phải đi ở đợ rồi gả cho người góa vợ, có tác động tốt đến binh sĩ yên tâm chống giặc phương xa.

Ba năm sau, Lý Thánh Tông băng hà (1072), hoàng hậu 28 tuổi. Triều chính rối ren, Thái tử Càn Đức (con đẻ của Ỷ Lan) lên nối ngôi, niên hiệu là Lý Nhân Tông mới 7 tuổi.

Ỷ Lan trở thành Hoàng Thái hậu Nhiếp chính cùng với Tể tướng Lý Thường Kiệt phò vua. Đại Việt ta vẫn khởi sắc nhanh chóng thịnh cường. Năm 1077 triều Tống dấy binh sang xâm lược. Để Lý Thường Kiệt rảnh tay chống Tống, Thái hậu Ỷ Lan bỏ qua chuyện cũ, trả lại chức Thái sư cho Lý Đạo Thành - một cách ứng xử bao dung, vị tha, vô cùng cao thượng xuất phát từ quyền lợi quốc gia dân tộc (ông này đã ủng hộ Hoàng hậu Thượng Dương gạt Ỷ Lan ra khỏi triều đình gần nửa năm, song được Lý Thường Kiệt giúp sức Ỷ Lan mới được trở lại quyền nhiếp chính) để cùng mình điều khiển triều chính bảo vệ hậu phương, Lý Thường Kiệt đã chiến thắng quân Tống (kể cả khi đánh vào nơi họ xuất quân sang đánh nước ta) Đại Việt trở nên hùng mạnh kể từ năm 1077 nước ta đã sạch bóng quân thù.

Trong nửa thế kỷ làm hoàng hậu, Nhiếp chính hai triều nhà Lý (l066 - 1117) Ỷ Lan, giúp nhiều kế sách giữ nước dẹp yên thù trong giặc ngoài. Bà đã cho xây cất hàng trăm ngôi chùa ở nhiều vùng quê châu thổ Sông Hồng, chùa Phật Tích ở Tiên Sơn (Bắc Ninh) gọi là chùa “Linh Nhân Từ Phúc” (tên hiệu của Ỷ Lan năm 1115). Năm Đinh Dậu (1117) Ỷ Lan từ trần, thọ 73 tuổi.

Tri ân công đức của bà Ỷ Lan với non sông Tổ quốc, nhiều nơi đã xây đền dựng miếu thờ bà Đền Ghềnh ở Như Quỳnh - Hưng Yên, các Đền Đồng bào, đền Đươi ở Hải Dương được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia... Bà con còn tôn bà là “Quan Ân Nữ”,người dân Kinh Bắc gọi bà - người con gái quê hương - là Bà Tấm xứ Bắc, rất giỏi trong việc phò Vua trị quốc, nhân tâm hòa hiệp - Quốc Thịnh dân an một thời gian dài hàng thế kỷ, sau khi “đuổi quân nhà Tống, đánh quân Chiêm Thành, mở mang văn hóa nước nhà, đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân...

BẮC PHƯƠNG (ST-BS)

Chia sẻ bài viết