11/03/2023 - 17:54

Nguyên nhân người bệnh đái tháo đường hay mắc bệnh hô hấp 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG 

Việt Nam có hơn 50% người bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán và theo dõi điều trị. Bệnh âm thầm diễn tiến, làm suy giảm sức đề kháng, kéo theo nhiều biến chứng, nguy cơ cao mắc các bệnh lý khác, trong đó có các bệnh đường hô hấp.

Người cao tuổi cần chủ động tầm soát đường huyết để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

Người cao tuổi cần chủ động tầm soát đường huyết để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

Liên đoàn Đái tháo đường thế giới thông tin, toàn cầu có tới 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng cứ 10 người lớn (trong độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi) có 1 người mắc bệnh. Riêng Việt Nam, hơn 5 triệu người bị đái tháo đường, trong đó hơn 50% số người trưởng thành mắc bệnh lý này nhưng không được chẩn đoán.

Trong chương trình truyền hình trực tuyến, với chủ đề Đái tháo đường nguy hiểm khi mắc bệnh hô hấp, BS CKII Mã Thanh Phong, khoa Nội tổng hợp BV Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp tăng từ 6%-25% và nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với người bình thường. Những bệnh hô hấp thường gặp gồm hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi họng); viêm hô hấp dưới (viêm phế quản cấp, sốt, ho khạc đàm, khò khè, nặng tức ngực), viêm phế quản lâu ngày tiến triển làm nhiễm trùng viêm phổi; hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh giãn phế quản, lao... Việt Nam hiện là vùng dịch tễ lao, bệnh lý lao chưa được thanh toán nên bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc lao cao nếu không kiểm soát tốt đường huyết cũng như tổng trạng, sức đề kháng của cơ thể. Với người cao tuổi, mắc bệnh đái tháo đường, có nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp do hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi tác, biến chứng của bệnh mạn tính và tác dụng phụ sử dụng nhiều loại thuốc trong thời gian dài. Khi gặp tác nhân gây bệnh, người cao tuổi dễ mắc bệnh nặng hơn so với người trẻ, sức khỏe bình thường.

Qua thực tế khám chữa bệnh, các bác sĩ ghi nhận, rất nhiều trường hợp bệnh nhân phát hiện mắc bệnh nhưng không kiểm soát tốt đường huyết, dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, về sau sinh nhiều biến chứng. Những bệnh nhân này, chỉ cần mắc thêm bệnh khác, dù bệnh đơn giản thôi, vẫn có nguy cơ rơi vào tình trạng suy hô hấp, cần phải cấp cứu, thở oxy. Việc điều trị cho những ca này, ngoài dùng kháng sinh, cần kiểm soát đường huyết tốt mới đạt hiệu quả. Với những bệnh nhân bị viêm phổi, một số thuốc có nguy cơ làm tăng đường huyết. Do đó, quá trình điều trị, đòi hỏi hội chẩn giữa các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, hô hấp để đạt hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, với người cao tuổi, cần chủ động tầm soát đường huyết để kịp thời phát hiện bệnh, theo dõi điều trị phù hợp, hiệu quả. Đái tháo đường có nhiều loại, trong đó phổ biến là đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, bệnh điễn tiến âm thầm, phát hiện ra, đã gặp phải nhiều biến chứng khác lên thận, tim, thần kinh và mắt. Khi đã phát hiện bệnh, bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống, vận động, sinh hoạt hợp lý để đạt hiệu quả kiểm soát bệnh, cải thiện chất lượng sức khỏe và cuộc sống.

Chia sẻ bài viết