06/06/2022 - 08:18

Người trẻ Khmer giữ nghề múa truyền thống 

KIẾN QUỐC

Dân tộc Khmer có một di sản văn hóa độc đáo là các điệu múa. Ðây là nét văn hóa riêng của đồng bào Khmer. Bằng tình yêu và đam mê với văn hóa truyền thống, chị Liêu Thị Sa Phia cùng các thành viên trong đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai đã và đang nỗ lực làm nghề và giữ nghề múa Khmer.

Các thành viên của Ðội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai trong một buổi biểu diễn. Ảnh: CTV

Góp phần vào sự thành công của các chương trình sân khấu nhân dịp Tết Chol Chnăm Thmây vừa qua, chị Liêu Thị Sa Phia đã dốc sức dàn dựng những tiết mục độc đáo. Không những uốn nắn từng động tác, phân tích từng cử chỉ, chị còn lo từng bộ trang mục cho các thành viên trong đoàn. “Tuy có lúc vất vả nhưng chỉ cần được tham gia biểu diễn, góp sức vào thành công của từng tiết mục để lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống đã là niềm vui lớn” - chị Sa Phia chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống yêu nghệ thuật Khmer, từ nhỏ, chị Sa Phia đã tham gia các đội văn nghệ tại nhà trường. Chị Sa Phia kể: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi học y sĩ nhưng vẫn đăng ký tham gia làm cộng tác viên múa Khmer của Trung tâm Văn hóa thành phố để thỏa niềm đam mê. Suốt những năm tháng đó, tôi may mắn được Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Nhật Danh đào tạo, dìu dắt. Cũng bởi tiếng gọi của đam mê nghệ thuật múa, tôi đã không bước tiếp với ngành y mà đầu quân tại Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao huyện Cờ Ðỏ vào năm 2007 (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Thới Lai). Kể từ đó, tôi được toàn tâm thăng hoa với nghề, được học lớp trung cấp biên đạo và chính thức trở thành một biên đạo múa chuyên nghiệp”.

Ðiều đáng ghi nhận là từ chính niềm đam mê nghệ thuật múa, chị Sa Phia đã quy tụ, tập hợp được nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật múa Khmer tham gia vào Ðội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai. Với sự dẫn dắt của chị, hoạt động của Ðội văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển. Ðội văn nghệ hiện có 25 thành viên tham gia, trong đó có hơn 90% là người dân tộc. Các thành viên của đội không phải những diễn viên chuyên nghiệp mà chỉ là những thanh niên có tuổi đời còn rất trẻ. Ðiểm chung của họ là một tâm hồn đam mê, hết lòng với nghệ thuật múa Khmer.

Tiêu biểu như em Ðào Thị Linh Ðang, 18 tuổi, là học sinh lớp 12 trường Phổ thông dân tộc nội trú TP Cần Thơ, đã gắn bó với đội văn nghệ hơn 5 năm qua. Linh Ðang chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã mê những điệu múa Khmer truyền thống. Em tham gia vào đội văn nghệ quần chúng của huyện để có cơ hội tập luyện, biểu diễn. Không gì vui hơn khi được biểu diễn ở nhiều nơi. Mỗi chuyến biểu diễn, thu nhập chỉ có 300.000-400.000 đồng nhưng em rất vui. Em có dự định sẽ theo nghề biên đạo múa trong tương lai”.

Hiện nay, Ðội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai là nòng cốt trong phong trào văn hóa văn nghệ của huyện. Ngoài diễn phục vụ bà con tại địa phương, đội văn nghệ còn lưu diễn ở nhiều nơi, mang lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả. Hoạt động của Ðội văn nghệ chủ yếu theo thời vụ, nhất là những dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc Khmer như lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Ok-om-bok….

Hướng đến việc cho ra đời tác phẩm đặc sắc, chị Sa Phia luôn tìm tòi cái mới trong cách bố cục, ứng dụng đạo cụ, phục trang; nhất là nền tảng kiến thức lịch sử cho đúng niên đại để truyền dạy những động tác, điệu múa Khmer có hồn, đúng với bản sắc của đồng bào Khmer. Chị Sa Phia chia sẻ: “Hiện nay, đội văn nghệ chủ yếu phục vụ loại hình múa dân gian, với những điệu múa phổ biến, như: Lâm Thôn, Rom Vông,… Ðể dựng một tiết mục thường mất thời gian 3 ngày học và tập luyện từ 5-10 ngày mới có thể đi biểu biễn”. Với mỗi tiết mục, nhà biên đạo múa được trả khoảng 2,5 triệu đồng, tùy theo chương trình và tính quy mô. Ðối với nghệ sĩ, diễn viên hành nghề múa, một chương trình nhỏ thường được trả thù lao 6-7 triệu đồng cho cả đội. Nguồn thu nhập tuy không cao nhưng với chị Sa Phia và các bạn trẻ, được khoác lên mình trang phục đẹp của dân tộc và múa trình diễn cho nhiều người xem, đó đã là niềm vui lớn.

Theo chị Sa Phia, những năm gần đây, đội văn nghệ nhận nhiều đơn đặt hàng cho các sự kiện chính trị, văn hóa. Nghề múa và biên đạo múa Khmer ngày càng có đất dụng võ hơn với nhiều sân chơi chuyên ngành, như các hội thi, hội diễn, liên hoan… Và chính những sự kiện như thế, đã tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ, diễn viên múa Khmer thêm an tâm làm nghề và giữ nghề; góp sức giữ gìn bản sắc của dân tộc.

Chia sẻ bài viết