18/03/2008 - 09:47

Người thầy tận tụy

Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, dù là giáo viên hay cán bộ quản lý trường, ở vị trí nào, thầy Lê Quang Tiết ở thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) cũng luôn tận tụy, hết lòng với đồng nghiệp, học sinh.

* “Xin cho học trò có gì mà ngại”

 

Thầy Lê Quang Tiết bắt đầu đi dạy từ năm 1978 ở Vị Thanh, năm 1982 chuyển về xã Long Phú, huyện Long Mỹ, giảng dạy ở Trường Tiểu học Long Phú 3. Năm 1983, thầy Tiết được bổ nhiệm vào chức vụ Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất. Trường Tiểu học Long Phú 3 có 1 điểm chính và 7 điểm lẻ. Đa số phòng học bằng cây lá. Nhìn cơ sở vật chất ngày một xuống cấp mà kinh phí lại không có để tu sửa, thầy nghĩ cách “kéo” UBND xã, tổ phụ huynh học sinh (PHHS) ở các điểm chính, điểm lẻ vào, tiếp tay vận động nhân dân cho cây, lá. Có cây lá rồi, thầy lại cùng với nhân dân trong ấp tu sửa. Thầy cười nói: “Phòng học toàn cây lá tạm bợ nên vừa sửa xong điểm này, điểm khác lại hư hỏng. Cứ thế quanh năm xoay đi xoay lại mà sửa”.

Thời phòng học tre lá qua đi, thầy Tiết không còn bận bịu với chuyện vận động tu sửa phòng học nữa thì gặp cảnh học trò nghèo. Ở xã vùng sâu, nhiều em đến trường không có được quyển tập, cây viết, chiếc áo lành lặn để mặc, thấy mà ứa nước mắt. Thế là những buổi họp mặt bạn bè cũ, thầy quyết định vận động bạn bè thành đạt, thích làm từ thiện. Thầy Tiết bộc bạch: “Ban đầu tôi cũng hơi ngại, nhưng nghĩ mình đi xin cho học trò chứ có xin cho mình đâu mà ngại”. Rồi thầy mạnh dạn kể cho các mạnh thường quân nghe những khó khăn, thiếu thốn của học sinh nghèo ở nông thôn. Từ đó, họ ủng hộ khi thì vài trăm quyển tập, quần áo, có lúc vài suất học bổng...

Những quyển tập, cái áo vận động được thầy chia thành từng phần, trao cho học sinh nghèo. Thầy nói: “Quan điểm của tôi là cho đúng đối tượng. Quà mạnh thường quân ủng hộ cho không hết thì để dành, tìm học sinh nghèo ở trường khác gửi giúp. Học sinh nghèo là mình giúp, không phân biệt học sinh trường này hay trường khác”.

Từ những món quà, học bổng của trường mà nhiều học sinh được tiếp tục đến trường, phát triển tài năng. Chẳng hạn như em Hồng Lựu, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Long Phú 2 (trường đổi tên – PV). Thấy hoàn cảnh gia đình em Lựu khó khăn, thầy Tiết vận động mạnh thường quân tặng tập, vở, quần áo, học bổng... Nhờ đó, Lựu phấn đấu vượt khó xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi kể chuyện, vở sạch chữ đẹp... Chị gái của Lựu cũng đạt học sinh giỏi nhiều năm liền. Bà Bùi Thị Lúa, mẹ của Lựu, xúc động nói: “Gia đình quá khó khăn, nhiều lúc không nuôi nổi hai đứa đi học nhưng nhờ thầy Tiết quan tâm hỗ trợ giúp đỡ mọi mặt nên các cháu mới có được ngày nay”.

Nhờ thầy Tiết tích cực vận động, có uy tín nên hàng năm Trường Tiểu học Long Phú 2 vận động được hàng chục nghìn quyển tập, hơn 20 suất học bổng và nhiều dụng cụ học tập khác cho học sinh nghèo. Cô Trần Thị Sang, giáo viên của trường nói: “Khi còn là học sinh, dù không học ở Trường Tiểu học Long Phú 2, cũng chẳng quen biết thầy Tiết nhưng hàng năm thầy đều đến nhà cho tập, động viên tôi cố gắng học hành. Thầy Tiết cũng là người đã động viên gia đình nhà chồng cho tôi đi học sư phạm. Nhờ vậy, tôi mới trở thành cô giáo. Bây giờ, tôi luôn phấn đấu dạy tốt, quan tâm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đáp đền ơn của thầy”.

* Một lòng với nghề

Trong giáo dục, thầy Tiết luôn phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. PHHS địa phương đa số là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Nhiều gia đình vì sinh kế bỏ lên thành phố làm ăn, đem theo cả con cái, làm gián đoạn việc học của các em. Thầy cùng các giáo viên khác đến tận nhà học sinh tìm hiểu và bằng mọi cách vận động em trở lại lớp học (vận động cha mẹ để con ở nhà với ông bà, cô chú...). Trong những buổi sinh hoạt dưới cờ, thầy động viên, nhắc nhở các em phấn đấu vượt khó, chăm chỉ học hành để xây đắp tương lai. Thầy nói: “Dù gia cảnh khó khăn, có thể các em không học đến đại học, cao đẳng thì tôi cũng động viên các em học trung cấp, học nghề hoặc học THPT, THCS, để chí ít các em cũng có được trình độ nhất định tính toán được lượng thuốc trừ sâu, lượng giống lúa... tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ ứng dụng vào sản xuất”. Nhờ “mưa dầm thấm lâu” mà ở Long Phú số trẻ bỏ học rất ít (đa số là các em theo gia đình đi làm ăn xa) và dần dần những buổi họp PHHS có rất đông các bậc phụ huynh đến dự, tỷ lệ luôn đạt trên 90%.

Quản lý con người rất khó. Thầy Tiết hiểu điều đó nên cần mẫn rút tỉa kinh nghiệm để xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó. Thầy nói: “Trong nội bộ mà không đoàn kết thì công việc khó mà đạt hiệu quả”. Trong trường, giáo viên hoặc người thân của giáo viên có tang ma, hiếu hỉ, bệnh tật... thầy cùng với công đoàn, giáo viên trong trường kịp thời động viên, chia sẻ. Chính từ đó mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và giáo viên, giữa các giáo viên với nhau ngày càng bền chặt. Nhiều giáo viên trẻ trong trường đều gọi thầy Tiết là bố. Cô Thâu, giáo viên dạy thể dục nói: “Trong công việc thầy luôn tỏ ra nghiêm khắc, thường la rầy, nhắc nhở giáo viên khi có sai sót. Nhưng thầy rất nhiệt tình, sống tình cảm, có trách nhiệm, gương mẫu, dùng đức để cảm hóa nên giáo viên rất quí thầy”.

Trong các khối lớp, thầy Tiết quan tâm nhiều nhất đến giáo viên lớp 1. Đây là nền móng để các em học tốt về sau. Thầy Lê Quang Tiết nói: “Đa số các em sống ở nông thôn không qua lớp mẫu giáo, mầm non. Nếu giáo viên không có kinh nghiệm, dạy thẳng vào chương trình cải cách thì các em rất khó tiếp thu, vì thế tôi thường phân công những giáo viên cần mẫn, nhiệt tình dạy lớp 1”.

Hơn 25 năm nay, hằng ngày, thầy Tiết chạy xe từ thị trấn Long Mỹ vào xã Long Phú để đến trường làm việc. Nhiều lần cấp trên đề nghị thầy chuyển về thị trấn Long Mỹ cho gần nhà nhưng thầy từ chối. Thầy nghĩ tình cảm của thầy và phụ huynh, học sinh nơi đây đã gắn bó nhiều năm, thầy nguyện cả cuộc đời nhà giáo cống hiến cho mảnh đất Long Phú này.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết