29/01/2011 - 20:08

Người thầy tận tâm với nghề

Ngay lần đầu tiên tiếp xúc, tôi đã bị cuốn hút bởi kiến thức uyên bác, cách trò chuyện thân tình, vui vẻ của Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú (TS-NGUT) Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (CĐKT-KT) Cần Thơ. Cuối năm, dù đang bận rộn với những phần việc cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nâng cấp Trường CĐKT-KT lên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ vào năm 2011, nhưng thầy cũng dành cả buổi chiều để uống trà, tâm sự chuyện đời, chuyện nghề với tôi.

Để thực hiện việc nâng cấp thành trường đại học đúng theo kế hoạch, thầy Nhã cũng như tập thể giáo viên của Trường CĐKT-KT Cần Thơ đã dồn sức cho công tác nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ giảng viên. Thầy nói: “Để cán bộ, giảng viên yên tâm tham gia các lớp sau đại học, tôi và lãnh đạo nhà trường tạo mọi điều kiện về thời gian, kể cả hỗ trợ chi phí học tập. Những cán bộ, giảng viên đi học đều được hưởng lương bình thường, được bố trí thời gian giảng dạy hợp lý và động viên các giảng viên hỗ trợ công việc cho nhau khi tham gia khóa học...”. Với cương vị là Hiệu trưởng của Trường, thầy Nhã tranh thủ nguồn tài chính của một số chương trình, đề án của địa phương, Trung ương tạo điều kiện cho giảng viên theo học sau đại học, như: Đề án Cần Thơ-150, Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT). Tuy nhiên, muốn học sau đại học theo các đề án, chương trình này, đòi hỏi cán bộ, giảng viên phải giỏi về ngoại ngữ, tin học, vì thế, thầy đưa ra chương trình đào tạo tại trường với nhiều lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, giảng viên. Hiện nay, trường có 6 cán bộ, giảng viên dự tuyển vào các lớp sau đại học theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020 của Bộ GD-ĐT. Trong đó một số cán bộ, giảng viên đã đạt tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của các đề án này.

Thầy Nhã (người đứng giữa) vui mừng cắt băng khánh thành ký túc xá sinh viên
Trường CĐKT-KT Cần Thơ. Ảnh: V.T 

Từ những nỗ lực của người “đứng mũi chịu sào” và tinh thần đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ, giảng viên Trường CĐKT-KT Cần Thơ, đến nay trường đã có đội ngũ giảng viên khá vững vàng về chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo. Nếu như năm 2004, khi mới được nâng cấp từ trường trung cấp thành trường cao đẳng, Trường chỉ mới có 10 cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học thì đến nay đã có đội ngũ cán bộ quản lý - giảng viên đủ chuẩn, với tổng biên chế 162 người, trong đó có 121 giảng viên, gồm 69 giảng viên có trình độ trên đại học (đạt tỷ lệ 57,02% trên tổng số giảng viên), với 3 tiến sĩ và 11 nghiên cứu sinh. Và song song với việc đưa giảng viên đi học để đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ, nhà trường còn đề nghị UBND TP Cần Thơ cho phép tuyển thêm giảng viên mới, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy để đảm bảo cả số lượng lẫn chất lượng cho đội ngũ giảng viên của Trường.

Thầy Nhã tâm sự: “Ngoài việc nâng cao trình độ cho cán bộ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy để nâng cấp lên trường đại học cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà lãnh đạo nhà trường quan tâm thực hiện. Từ nguồn kinh phí xây dựng cơ bản và các khoản thu từ Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học... được phép sử dụng, chúng tôi đều đầu tư vào việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường. Nhờ đó, cơ sở vật chất của Trường ngày càng phát triển, đủ khả năng phục vụ cho việc đào tạo ở bậc đại học”. Từ một trường trung cấp với diện tích nhỏ hẹp, phòng ốc đơn sơ, đến nay Trường CĐKT-KT Cần Thơ có tổng diện tích 12,3ha, gồm hệ thống phòng học lý thuyết, phòng thực hành, thực tập, thí nghiệm,... được thiết kế liên hoàn, tiện nghi. Đặc biệt, Trường có các hệ thống công trình kiến trúc hoành tráng, hiện đại phục vụ tốt cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, như: Hội trường lớn có sức chứa 500 chỗ; thư viện truyền thống với trên 10.000 đầu sách, tạp chí các loại; thư viện điện tử 4 tầng với 300 máy tính nối mạng; nhà thi đấu đa năng đạt tiêu chuẩn quốc gia có tổng diện tích sử dụng 3.224m2; khu ký túc xá sinh viên trên 1.200 chỗ được xây dựng trên diện tích gần 5.000m2... Với cơ sở vật chất, trang thiết bị này, Trường có khả năng phục vụ công tác đào tạo ở bậc đại học.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, bác ruột là liệt sĩ, cha tham gia kháng chiến chống Mỹ, nên thầy Nhã luôn tự nhủ phải tiếp bước cha ông, góp sức xây dựng quê hương. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm ngành vật lý, thầy Nhã công tác tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, đến năm 1990 thì chuyển công tác sang Trường Trung học Kinh tế Hậu Giang (nay là Trường CĐKT-KT Cần Thơ) là giảng viên cơ hữu của trường. Tuy lúc đó đồng lương giáo viên ít ỏi nhưng thầy vẫn bám trường, yêu nghề, mến trò, cố gắng sắp xếp thời gian để học tập nâng cao trình độ, tốt nghiệp cao học năm 2002 và 2009 bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ. Tâm huyết với nghề, hơn 20 năm qua, thầy Nhã đã dành thời gian nghiên cứu và biên soạn 6 giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo, 2 chương trình quản lý đào tạo của trường, 9 đề tài nghiên cứu khoa học về sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL và cả nước. Trong đó, nổi bật là đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển ĐBSCL trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, thầy Nhã nêu lên thực trạng ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) thuộc các địa phương trong khu vực ĐBSCL. Đề tài đưa ra giải pháp khắc phục, trong đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển KCN, CCN tại các tỉnh và thành phố gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước trong mối quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tránh hiện tượng tập trung thu hút đầu tư mà xem nhẹ nhiệm vụ xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, gây khó cho công tác bảo vệ môi trường...

Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người, TS-NGUT Huỳnh Thanh Nhã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng III, danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc năm 2010 cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND TP Cần Thơ trao tặng. Còn trong suy nghĩ của đồng nghiệp và học trò: “Thầy Nhã là người tận tâm với nghề, hết lòng chăm lo cho thế hệ trẻ...”.

46 tuổi đời, 21 năm tuổi nghề, dù ở bất cứ cương vị nào thầy Nhã cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bao lớp học trò của thầy, nhiều người thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội, đều nhắc đến thầy với những tình cảm trân trọng, quý mến. Với thầy, đó chính là phần thưởng đặc biệt cao quý...

Chia sẻ bài viết