11/12/2016 - 09:53

Người thầy nghiêm cẩn, học giả uyên thâm- Nguyễn Khuê

Nhà giáo, học giả Nguyễn Khuê.

Thầy Nguyễn Khuê là nhà sư phạm, học giả, nhà thơ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu văn hóa nước ta. Ông từng là Trưởng bộ môn Hán Nôm của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh; là tác giả nhiều công trình biên khảo, dịch thuật có giá trị. Vừa qua, lễ mừng thọ 80 tuổi của ông đã được tổ chức trang trọng tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

Niềm đam mê cổ học và những bậc thầy

Từ năm 8 tuổi, thầy Nguyễn Khuê đã được ông nội đưa đi học chữ Hán, vì muốn ông dù có học cái mới thì cũng phải biết một ít chữ Hán để đọc được gia phả. Thầy Nguyễn Khuê học xong "Tam tự kinh", "Ấu học Hán tự tân thư" chuyển sang "Luận ngữ" thì bỏ dở, vì phải dành thời gian cho việc học ở trường.

Thầy Nguyễn Khuê cho biết, ban đầu ông học chữ Hán vì bắt buộc, về sau thì say mê. Tình yêu cổ học trong ông hình thành từ ấy, nên sau này ông quyết định đi vào con đường Hán học, chọn ban C cổ ngữ lúc học tú tài với các môn chính là Anh văn hoặc Pháp văn, Hán văn hoặc La tinh, triết học. Đối với ông, học và nghiên cứu cổ học giúp ích tìm hiểu những tư liệu chữ Hán ở quê hương cố đô Huế với nhiều bài thơ, văn bia, hoành phi, câu đối trong cung điện, lăng tẩm, đình chùa…

Học xong phổ thông ở Huế, thầy Nguyễn Khuê vào Sài Gòn học ngành Việt Hán ở Đại học Văn khoa. Tốt nghiệp Cử nhân giáo khoa Việt Hán năm 1966, ông ở lại Sài Gòn, tiếp tục học cao học văn chương Việt Hán tại Đại học Văn khoa và nhận bằng thạc sĩ năm 1969. Vài năm sau ông học Tiến sĩ chuyên khoa Hán văn khóa đầu tiên (1972 - 1975) của Đại học Văn khoa Sài Gòn, cùng với các đồng môn Huỳnh Minh Đức, Nguyễn Hữu Lương, Nguyễn Văn Dương và Trần Như Uyên.

Thầy Nguyễn Khuê cho hay: Trước năm 1975, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn cấp hai loại văn bằng cử nhân: cử nhân văn khoa- tự do (licence libre) và cử nhân giáo khoa (licence d’enseignement). Cử nhân tự do không có giá trị bằng cử nhân giáo khoa, vì kiến thức không chuyên sâu về một ngành. Có cử nhân giáo khoa mới được học lên cao học. Bởi vậy, nhiều người học lấy cử nhân tự do trước, sau đó học tiếp, bổ sung các chứng chỉ bắt buộc phải có để được cấp bằng cử nhân giáo khoa.

Ngoài ông nội và cụ Tú là hai người thầy đầu tiên buổi sơ học, thầy Nguyễn Khuê đã được sự hướng dẫn của những người thầy đáng kính về cổ học thời kỳ đầu ở Đại học Văn khoa Sài Gòn như các cụ Bửu Cầm, Nghiêm Toản, Thẩm Quỳnh, Bùi Lương- những chuyên gia Hán Nôm uy tín hàng đầu. Đặc biệt, các cụ Nghiêm Toản, Bửu Cầm cùng với Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Duy Cần đều giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, không tốt nghiệp đại học nhưng được phong chức danh Giáo sư Đại học ở miền Nam trước năm 1975, vì học vấn uyên thâm và nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Cụ Bửu Cầm là thầy của Nguyễn Khuê từ năm l963, rồi là giáo sư bảo trợ tiểu luận cao học và luận án tiến sĩ cho ông. Thời gian cụ Bửu Cầm làm Trưởng ban Hán văn từ năm 1970- 1975, thì thầy Nguyễn Khuê là Phụ tá Trưởng ban.

Vượt khó, nhẫn nại nghiên cứu và giảng dạy

Một trong những công trình đáng chú ý nhất của thầy Nguyễn Khuê là tác phẩm "Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân Am thi tập" vốn là luận án tiến sĩ được hoàn thành năm 1975 và chính thức xuất bản năm 1991. Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tư tưởng, nhà thơ lớn nước ta thế kỷ XVI, có nhiều trước tác ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn học và văn hóa dân tộc, nhưng lại ít có công trình nghiên cứu chuyên biệt về ông từ thập niên 1990 trở về trước. Thầy Nguyễn Khuê đã đào sâu nghiên cứu, phiên dịch 100 bài thơ chữ Hán còn nguyên bản, giới thiệu đầy đủ thân thế và sự nghiệp của Trạng Trình, đặc biệt là tình cảm, tư tưởng, giá trị nội dung và nghệ thuật của "Bạch Vân Am thi tập".

Sau khi chỉ ra rằng, tư tưởng hay triết lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn hấp thu từ Tam giáo là Nho, Phật, Lão và đặt cơ sở trên thực tế khách quan của tình hình chính trị- xã hội đương thời, thầy Nguyễn Khuê đã nhận định: "Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bạch Vân Am thi tập không phải là một hệ thống triết học, nhưng cũng đã hướng tới những vấn đề từ siêu hình đến hiện thực, bao hàm những quan niệm về vũ trụ và nhân sinh, gồm đủ những nhận định về con người cũng như xã hội, nói cách khác, có đủ cả hai phần hình nhi thượng và hình nhi hạ".

Thầy Nguyễn Khuê cũng khảo sát kỹ và trình bày minh bạch về sấm ký Trạng Trình, mà từ thời Lê, Mạc về sau nhiều người dùng để giải thích, suy đoán, bàn luận những hiện tượng xã hội, thiên nhiên ở trong nước và một phần của thế giới. Ông viết: "Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là người duy nhất soạn sấm ký, nhưng hễ nói đến sấm ký là người ta nghĩ ngay đến Trạng Trình, gặp những câu sấm không biết xuất xứ từ đâu người ta cũng vội gán cho Trạng Trình. Cứ như thế, sấm Trạng Trình được lưu truyền, Trạng Trình được một số người thần thánh hoá như một bậc siêu phàm".

Ngoài danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Khuê còn có công lớn phát hiện, phục hồi cho nhà thơ lớn Tương An quận vương. Lịch sử cho biết, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu là ba người con thứ 10, 11, 12 của vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn. Đây cũng là ba hoàng tử nổi tiếng giỏi văn chương, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, nếu như sau này hai người anh là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương hay được nhắc đến, đặc biệt là qua câu đối "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường", thì Tương An quận vương bị lãng quên.

"Tương An là một thi tài thời danh, nổi tiếng ngang với Tùng, Tuy, từng chiếm một địa vị quan trọng trên thi đàn. Ngày nay, dành cho Tương An một chỗ ngồi trong văn học sử xứng đáng với sự nghiệp văn chương của vương thì cũng chỉ là phục hồi cái địa vị vương đã có trước kia. Phục hồi địa vị cho vương để khỏi bất công đối với người xưa, vì có tác giả chỉ để lại năm bảy bài thơ cũng đã được văn học sử dành cho một địa vị quan trọng", từ năm 1970, qua công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo công phu "Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông", tác giả Nguyễn Khuê đã vén bức màn phủ bụi thời gian để soi rọi, trả lại cho nền văn học chân dung cuộc đời và sự nghiệp tương đối hoàn chỉnh của một nhà thơ tiêu biểu của dân tộc. Năm 2005, công trình có giá trị và đầy đủ này về Tương An đã được Nhà xuất bản Văn Nghệ tiếp tục ấn hành.

Sự trân quý của thầy Nguyễn Khuê đối với di sản tiền nhân còn thể hiện qua những công trình khảo cứu dịch thuật khác như: "Nguyễn Trãi toàn tập tân biên", "Phật học trung đẳng", "Tuỳ Dượng đế diễm sử", "Chân dung Hồ Biểu Chánh", "Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân Am thi tập", "Văn học Hán Nôm ở Gia Định - Sài Gòn", "Khổng Tử- chân dung, học thuyết và môn sinh", "Luận lý học Phật giáo"… Nhân lễ mừng thọ 80 tuổi của Giáo sư Nguyễn Khuê vào Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, các tác phẩm của ông đã được tuyển chọn và xuất bản thành "Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác".

"Nghiên cứu Hán Nôm là lĩnh vực ông dồn nhiều công sức và có nhiều đóng góp quan trọng. Phong cách nghiên cứu của ông là nghiêm cẩn, khoa học và trọng tư liệu. Các vấn đề mà ông trình bày bao giờ cũng tường tận, ngọn ngành, rõ ràng, khúc chiết. Những nghiên cứu và biên dịch của ông về Khổng tử, Phật giáo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương An quận vương, Hồ Biểu Chánh… là những đóng góp quan trọng của ông với học thuật nước nhà, sẽ tồn tại mãi với thời gian" - PGS.TS Đoàn Lê Giang đã nhận định trong bài "Nhà giáo, học giả, nhà thơ Nguyễn Khuê".

Trong lễ mừng sinh nhật 80 của thầy Nguyễn Khuê nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, nhiều thế hệ học trò từ các nơi đã tụ hội về chúc thọ ông. Tuổi cao nhưng sức khỏe ông vẫn tốt, trí tuệ minh mẫn. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu văn học Hán Nôm và sáng tác thơ. Ngoài những công trình biên khảo, dịch thuật ông còn xuất bản 3 tập thơ: "Hương trời xa bay" (1998), "Cõi trăm năm" (2002) và "Trăm năm là cuộc lãng du" (2005).

"Mình ta thầm lặng ngắm mây trời,

Soi bóng sông thu biêng biếc trôi.

Nghe trong hiu hắt chiều se lạnh,

Lật ngửa bàn tay ngẫm cuộc đời."

Ấy là bài thơ ngắn "Chiều bên sông" của thầy Nguyễn Khuê. Thơ của thầy là kết tinh của một tâm hồn giàu suy tư, trải nghiệm trước thiên nhiên và con người, mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, ý nhị và sâu lắng.

PHAN HOÀNG

Chia sẻ bài viết