29/08/2008 - 09:08

Người nuôi cá tra, đánh bắt cá linh có lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất

(CT)- Đó là kết quả mà nhóm nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị cá tra - cá linh và phát triển bền vững thủy sản vùng Mekong (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (MDI) Trường Đại học Cần Thơ) công bố vào sáng ngày 28-8 tại Hội thảo “Phân tích chuỗi giá trị cá và phát triển bền vững thủy sản vùng Mekong”.

Theo kết quả này, đối với con cá tra, công ty chế biến nhận được 43,8% (gấp 1,1 lần người nuôi và 2,5 lần người thu gom) giá trị gia tăng thuần. Đối với con cá linh, dù người đánh bắt đóng góp hơn 80% lao động vào nhưng chỉ nhận được 8,8% tổng lợi nhuận và 6,2% thu nhập trong chuỗi. Trong khi đó, lao động tham gia của người bán lẻ chỉ 11,2 nhưng lại nhận được 78,7% tổng lợi nhuận.

Theo tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, (MDI, Trường Đại học Cần Thơ), do phân bố tỷ lệ lợi nhuận không hợp lý, việc sản xuất cá tra, đánh bắt cá linh đã và đang phát triển không bền vững. Chính vì thế cần tăng cường các mối liên kết giữa người nuôi cá tra, người đánh bắt cá linh với các thương lái, doanh nghiệp... Đặc biệt, đối với con cá tra, ngành chức năng cần quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với năng lực chế biến và đáp ứng yêu cầu chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cạnh tranh; phát triển các thể chế chính sách phù hợp, giảm cạnh tranh nội bộ, bảo vệ môi trường...

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết