22/01/2008 - 09:24

Người mở cảng sông đầu tiên ở ĐBSCL

Ở Vĩnh Long, có người đàn ông ngày đêm nhìn tàu ghe xuôi ngược trên dòng sông Cổ Chiên, ôm ấp ước mơ làm sao mở được một “cảng sông” trên dòng Cổ Chiên. Đó là nhà doanh nghiệp Thanh Danh, tên đầy đủ là Nguyễn Công Danh, ở số 51 đường 8 Tháng 3 (Phường 5, TX Vĩnh Long) chuyên mua bán vật liệu xây dựng.

Qua hai mươi năm trong nghề mua bán, anh Danh luôn trăn trở với ý nghĩ: Làm thế nào để xi măng không còn khan hiếm, giá cả được ổn định để phục vụ có lợi cho giới tiêu dùng? Câu hỏi đó lởn vởn trong đầu của nhà doanh nghiệp Thanh Danh, thôi thúc anh nảy sinh ý nghĩ táo bạo: Phải tạo được một “cảng sông”, lúc đó ghe tàu nhập xi-măng phong phú hơn, tránh được nạn khan hiếm.

Nhiều đêm thao thức, anh Danh nhận xét: Việc doanh nghiệp mở cảng sông nằm trong chính sách ưu đãi đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang lợi ích cho cộng đồng. Tất cả các phương tiện vận tải biển đi qua Vĩnh Long đều đi trên dòng sông Cổ Chiên. Sông Cổ Chiên có được bến cảng ở xã Mỹ An (Vĩnh Long), trên bến dưới thuyền, giao thông thủy rất tiện lợi từ khâu nhập cũng như xuất hàng hóa đi các tỉnh ĐBSCL. Chắc chắn nơi đây sẽ là điểm giao lưu hàng hóa sầm uất.

Theo thống kê, nhu cầu xi măng xây dựng ở miền Nam rất lớn (khoảng 32 triệu tấn/năm). Trong khi xi măng sản xuất ở miền Đông Bắc bộ giá thành thấp, chất lượng tốt không thua gì ở miền Nam: Công ty xi măng Hải Phòng (Công nghệ Đan Mạch) có chất lượng tiêu chuẩn quốc tế. Công ty xi măng Phúc Sơn chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam. Công ty xi măng Chinfon (tập đoàn Chinfon) năm năm liên tục nhận giải thưởng Rồng Vàng.

Từ những suy nghĩ trên, anh Danh đã bắt tay thực hiện công trình mở cảng ở sông Cổ Chiên thuộc ấp Hòa Long, xã Mỹ An (Măng Thít, Vĩnh Long) làm bến cảng để chuyên chở vật liệu nạng.

Nhiều buổi chiều, người ta thấy anh Danh vẫn ngồi bất động, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng Cổ Chiên. Có lúc trời đã vào đêm, lô vắng tiếng xe, mắt anh vẫn không rời mặt nước mênh mông. Kinh nghiệm nhiều năm sống ở vùng sông nước khiến anh quen với sóng gió, biết nhìn màu nước đoán thời tiết, bấm tay đoán thủy triều... Thế rồi, vào một buổi sáng cuối đông năm 2003, mặt trời rực sáng trên dòng Cổ Chiên, nhiều người thấy anh cùng một số công nhân ở Công ty Tư vấn thiết kế Tiền Giang lặn hụp, khảo sát, đo đạc từ độ sâu mặt nước đến bờ, nghiên cứu luồng lạch. Nhiều người biết ý định của anh đã cười bảo anh dại, đem tiền bỏ sông, bỏ biển... Anh Danh và tốp thợ kiên trì lặn hụp, miệt mài thăm dò từng mét độ sâu lòng sông, không ngại cực nhọc, lạnh lẽo. Hơn một năm đổ sức người, sức của, vật lộn với sông nước anh Danh bỏ ra trên 5 tỉ đồng để tạo bến cảng. Trời đã không phụ nỗ lực của người kiên trì. Sau mười ngày hồi hộp, thăm dò, khả năng cảng câp bến một lúc 2 tàu trọng tải 1.800 tấn và 1 xà lan 600 tấn ra vào đã đạt độ an toàn tuyệt đối.

Niềm vui lớn lao đã đến với anh Danh khi đầu đông năm 2004, Cục Đường sông Việt Nam nghiệm thu, công bố “Cảng chuyên dùng sông Cổ Chiên cấp 1”, áp cấp kỹ thuật cảng Mỹ An “loại 2”, diện tích 1.800 m2, dài 160 mét, bờ ra 30 mét, có khả năng tiếp nhạn phương tiện lớn nhất 1.800 tấn. Cảng Mỹ An được công bố cảng ở độ sâu 3 mét. Để đảm bảo an toàn về độ sâu, anh Danh nạo vét luồng lạch tăng 4,5 mét, rồi xin điều chỉnh “mớn nước”.

Cảng sông Mỹ An chính thức đi vào hoạt động, bến sông tàu thuyền ra vào tấp nập. Niềm vui không riêng gì gia đình anh mà cả tập thể công nhân, bốc vác, tàu thuyền vận chuyển xi măng và cũng là niềm vui chung của giới tiêu thụ, của chính quyền địa phương, bớt lo cảnh xi măng khan hiếm, giá cả ổn định. Cảng Mỹ An hoàn tất, anh mở thêm Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Huy Danh ngay tại cảng sông với diện tích kho bãi 10.000 m2, do Trần Ngọc Phương Liên, vợ anh, làm giám đốc.

Tàu thuyền bốc xếp hàng hóa tấp nập ra vào Cảng Mỹ An.

DNTN Thanh Danh trở thành nhà phân phối xi măng chính thức cho các công ty ở phía Bắc như xi măng Chinfon, Hoàng Thạch, Phúc Sơn (Hải Dương), Nghi Sơn... chịu trách nhiệm phân phối xi măng khu vực Bắc Mekong (Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre...). Cảng Mỹ An ngày càng tấp nập, tàu ghe chuyên chở xuất nhập hàng hóa càng đông. Đầu năm 2007, DNTN Huy Danh mở rộng thêm kho chứa 2.000 mét vuông nữa.

Nhắc đến tuổi thơ, anh Danh cho biết: Vĩnh Long là nơi chôn nhau cắt rốn của anh, tuổi thơ là chuỗi ngày gian lao vất vả, vừa đi học, vừa lăn lóc ngoài chợ làm thêm để kiếm tiền. Không bằng lòng với thực tại, anh Danh quyết định thay đổi cuộc sống bằng cách đi học một buổi, một buổi về học in gạch bông. Năm 1981, anh lập gia đình ra riêng, vừa làm chủ, vừa làm thợ ép gạch thủ công. Với sự cần cù, sáng tạo, anh mua máy ép gạch ban đầu chỉ 2 cái rồi lên 4 cái, dần dần 6 cái, đến làm chủ 20 máy ép gạch. Năm 1987, cơ chế thị trường phát triển, xưởng gạch bông của anh đã đến lúc “cáo chung” bởi sự cạnh tranh của gạch men Trung Quốc. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, anh Danh chợt nhận ra đây cũng chính là thời điểm cửa hàng vật tư xây dựng phát triển, xi măng là mặt hàng chính trong vật liệu xây dựng. Thế là anh chuyển qua kinh doanh xi măng, vật liệu xây dựng và thành công như ngày hôm nay.

Anh Danh không những thành đạt trên thương trường mà còn tạo dựng được một gia đình hạnh phúc. Những đứa con của anh Danh – chị Liên đều ngoan, học giỏi, đã học đại học, tạo cho anh chị thêm động lực để tiếp tục phấn đấu thực hiện ước mơ, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội cho quê hương.

Để tạo công ăn việc làm cho nhân viên, đội vận tải của DNTN Thanh Danh có 5 chiếc xà lan ngày đêm hoạt động, cứ mỗi tháng trung bình bến cảng nhập vào khoảng vài chục tấn xi măng. Những lúc xi măng nhập nhiều, doanh nghiệp còn thuê kho chứa hàng Vĩnh Thái (Vĩnh Long). Cũng nhờ lợi thế này mà DNTN Thanh Danh luôn đảm bảo giá thấp trong những lần chào hàng để cung cấp xi măng. Doanh nghiệp hiện có mấy chục công nhân viên với mức lương bình quân 1,5 triệu đồng/tháng/người; ngoài ra còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động bốc xếp hàng hóa.

Trong tư thế hội nhập, chủ DNTN Thanh Danh tự hào là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên hình thành bến cảng sông “Mỹ An”. Giữa mây trời, sóng nước Cổ Chiên, bây giờ luôn rộn ràng những tiếng nói, tiếng cười của công nhân bốc vác, những người lái tàu cần mẫn chuyên chở hàng ngàn tấn hàng xi măng đi các tỉnh, góp sức xây dựng tương lai, đem lại niềm vui cho ngành vận tải thủy và giới kinh doanh vật liệu xây dựng vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐẠT

Chia sẻ bài viết