04/02/2008 - 11:22

Người khai sinh sự sống nhân tạo

Tháng 10-2007, Giáo sư Mỹ John Craig Venter – từng nổi tiếng với công trình giải mã bộ gien người – gây xôn xao giới khoa học thế giới khi tuyên bố tạo ra được sự sống nhân tạo. Bước đột phá này, nếu đi đúng hướng, có thể trở thành nền tảng phát triển các phương thuốc hiệu nghiệm chữa bệnh nan y cho người, cũng như sản xuất những nguồn năng lượng mới thân thiện môi trường nhằm hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất.

Ảnh: Time

Được xem là thiên tài của ngành công nghệ sinh học, Tiến sĩ Craig Venter là người đã cách mạng hóa công nghệ gien. Gần một thập niên trước, thời điểm Dự án bộ gien người (Human Genome Project - HGP), qui tụ nhiều nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới, do chính phủ Mỹ tài trợ, vẫn ì ạch sau nhiều năm khởi động, Giáo sư Venter đã gây sốc khi đứng ra “chủ xị” một dự án đối trọng do tư nhân bảo trợ. Tháng 9-1999, công ty Celera Genomics do ông sáng lập bắt tay giải mã bộ gien người. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến nên công việc hoàn thành chỉ sau 9 tháng – trước 3 năm so với thời điểm kết thúc HGP, và với kinh phí chỉ bằng 1/10 HGP (300 triệu so với 3 tỉ USD). Sửng sốt trước thành tựu mà nhóm của Venter đạt được cũng như không muốn bị mất mặt nên các nhà khoa học chính phủ đã đề nghị “bắt tay”. Tháng 6-2000, giáo sư Venter và nhóm HGP cùng có mặt trong buổi lễ công bố hoàn thành dự án giải mã bản đồ gien người được tổ chức long trọng tại Nhà Trắng dưới sự chủ tọa của Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Anh Tony Blair.

Công trình giải mã bản đồ gien người được xem là một sự kiện lịch sử của nhân loại, có ý nghĩa giống như kỳ tích đưa người lên cung trăng. Năm đó, Tiến sĩ Venter được tạp chí Time (Mỹ) bầu chọn là Nhân vật của năm. Ông còn được biết đến là người đầu tiên sử dụng máy tính để giải mã bản đồ gien, giúp rút ngắn thời gian giải mã đến 20 lần. Tiến sĩ Venter cho biết với kỹ thuật giải mã nhanh và chi phí thấp, trong vài năm nữa, ai cũng có thể đặt hàng giải mã bản đồ gien của mình và có được kết quả chỉ sau ít tuần, mở ra kỷ nguyên giải mã gien cho từng người. Giáo sư Venter là một trong hai người trên thế giới sở hữu bản đồ gien cá nhân (người kia là James Watson, đồng tác giả công trình nghiên cứu cấu trúc ADN).

Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, Venter còn là “tín đồ” của môn du thuyền. Từ nhiều năm qua, ông kết hợp du hí với việc nghiên cứu gien của các vi sinh vật sống dưới đại dương. Chiếc “Sorcerer 2” đã đưa ông đi khắp thế giới để thu thập mẫu nước biển. Đầu năm 2007, nhóm của ông loan báo khám phá trong nước biển hơn 400 loài vi sinh vật mới, qua đó tìm ra 6 triệu gien mới – gấp đôi số gien đã được khoa học giải mã. Tháng 9 năm ngoái, giáo sư Venter cùng cộng sự công bố công trình nghiên cứu chuỗi ADN lưỡng bội hoàn chỉnh lần đầu tiên của một cá thể viết được 6 tỉ ký tự.

Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở thành phố Salt Lake (Mỹ), năm 21 tuổi, Craig Venter nhập ngũ và được điều sang Việt Nam làm lính quân y. Sáu tháng làm việc ở Đà Nẵng giúp Venter nhận thức rằng cứu người là việc làm có ý nghĩa. Trở về Mỹ cùng với người vợ Việt, ông quyết tâm theo đuổi ngành y. Chỉ trong 5 năm, Venter tốt nghiệp Cử nhân hóa sinh rồi lấy bằng Tiến sĩ ngành sinh và dược lý tại Đại học California. Sự nghiệp của ông bắt đầu rẽ sang hướng mới sau khi gặp nhà hóa sinh Nathan Kaplan, người phát hiện tố chất khoa học ở Venter và thuyết phục ông chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu. Năm 1984, ông “đầu quân” về Viện Y tế quốc gia Mỹ. Tại đây, ông hiểu được tầm quan trọng của việc giải mã gien, nắm bắt kỹ thuật nhận dạng và giải mã gien.

Tiến sĩ Venter là người sáng lập Viện nghiên cứu Gien, Viện J. Craig Venter và Quỹ Khoa học J. Craig Venter. Ông cũng góp tay sáng lập công ty Synthetics Genomes, chuyên sử dụng vi sinh vật biến đổi gien để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Một tháng sau, nhà sinh vật học Venter trở thành tiêu điểm của các tờ báo khoa học quốc tế khi tuyên bố Viện J. Craig Venter tạo ra được nhiễm sắc thể nhân tạo từ hóa chất trong phòng thí nghiệm, chứa 318 gien và 580.000 cặp liên kết đôi. Nó được cấy vào để kiểm soát tế bào vi khuẩn sống, hình thành thực thể sống nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Như vậy, tế bào này không hoàn toàn nhân tạo mà có một phần sự sống tự nhiên, và có khả năng nhân bản. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá thành tựu này không khác nào “con dao hai lưỡi”, một mặt có thể giúp ích cho con người trong việc phát triển các loại thuốc mới chữa nhiều bệnh hiểm nghèo như tiểu đường, ung thư, các bệnh thần kinh..., nhưng mặt khác cũng có thể trở thành “cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với nhân loại” một khi bị dùng vào mục đích xấu như phát triển vũ khí sinh học. Mặc dù vậy, thành tựu mới của Tiến sĩ Venter vẫn được công nhận là bước ngoặt lớn trong lịch sử nghiên cứu khoa học.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Web 2.0 thường niên tại San Francisco trung tuần tháng 10-2007, giáo sư Venter nhận định công nghệ sinh học nhân tạo sẽ thống trị thế giới trong thế kỷ 21. Nó là lời giải cho các vấn đề về môi trường mà thế giới đang đối mặt. Sắp tới, giáo sư Venter hy vọng sẽ biến đổi gien của thực thể sống nhân tạo kể trên để nó có thể thu dọn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm sạch các mảng dầu tràn hoặc dùng để sản xuất nhiên liệu “xanh”, góp phần đẩy lùi hiện tượng Trái đất ấm dần lên.

Với những đóng góp đáng kể cho các công trình nghiên cứu hướng tới mục tiêu bảo vệ nhân loại và hành tinh xanh, năm 2007, nhà khoa học 62 tuổi John Craig Venter được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật quyền lực nhất thế giới.

TRÚC NGUYỄN

Chia sẻ bài viết