BÚT KÝ: Nhật Hồng
Tình cờ ghé quán cà phê nhỏ ở khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn vào một buổi chiều, tôi nghe văng vẳng tiếng đờn phát ra từ ngôi nhà bên kia mé mương. Khoảng cách không gần lắm nhưng vẫn rõ mồn một từng âm điệu luyến láy não nùng của bài Dạ cổ hoài lang. Khó có thể cưỡng lại sức quyến rũ của tiếng đờn kìm đơn độc giữa buổi chiều, như gần như xa, như hư ảo hòa quyện vào cây lá xanh tươi của miệt vườn.
Thấy tôi lắng nghe tiếng đờn, chủ quán nói:
- Bữa nay sao ông Chín trỗi nhịp sớm. Thường khi vào độ chập tối hay giữa khuya ông mới so dây.
Hiếu kỳ tôi hỏi:
- Ông Chín là ai vậy?
 |
Ông Ngô văn Quang khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn. |
- Ông ấy thứ chín, tên Ngô Văn Quang, là thầy đờn rất giỏi ở xứ này, sử dụng được nhiều loại đờn lão luyện, nhưng ông chỉ thích cây đờn kìm, nên ở đây người ta thường gọi ông Chín đờn kìm. Ông ấy thường ngồi đờn một mình, như kể tâm sự một thời xa xưa.
Tôi đứng dậy đi về phía tiếng đờn...
Căn nhà mái lợp tôn, nền lót gạch tàu, ông lão ngồi ở một góc ván ngựa say mê nắn nót tiếng đờn, đôi mắt nhìn về cửa sổ thông ra bờ vườn. Bóng chiều xuyên qua khuôn mặt ông, tạo những khoảng sáng tối như tranh. Tôi chưa vội bước vào nhà vì sợ làm vỡ vụn âm thanh não nùng của tiếng đờn và hình ảnh ông Chín bên cửa sổ. Chừng lâu lắm, dứt bài Dạ cổ hoài lang, tôi mới cất tiếng chào.
Thấy có khách, ông Chín để cây đờn nhẹ nhàng xuống chiếc bàn dài ở giữa nhà, niềm nở. Sau những chào hỏi ban đầu, tôi như bị thôi miên theo câu chuyện đời của ông. Ông kể: “Buổi thiếu thời tôi theo học đờn ông Cò Quốc chùa Vạn Đức Tự ở Ô Môn, rồi tham gia cách mạng, vô gánh hát. Nghiệp cầm ca cứ đeo theo mãi đến giờ”. Ông Chín tâm sự: “Đờn ca và làm cách mạng, hai chuyện có vẻ không quan hệ gì nhau, nhưng lại gắn chặt đời tôi qua tháng ngày. Tiếng đờn vào cách mạng, có tác dụng kêu gọi lòng yêu nước, tập hợp những quần chúng nhiệt tình đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước. Ngược lại, cách mạng cũng giúp tiếng đờn thêm ý chí kiên cường, nâng cao nghị lực”.
***
Ông Chín cẩn thận mở cái rương, từ từ lấy ra bọc vải đã bạc màu. Ông nói: “Đây là món quý nhứt của đời tôi”. Mở ra là cây đờn kìm. Cây đờn không biết bằng loại cây gì mà lên nước bóng lộn, bên hông thùng đờn có cẩn ốc xà cừ hình mai sáng đẹp. Đôi tay ông Chín chạm nhẹ nhàng vào thân cây đờn, vừa so dây vừa nói:
- Cây đờn này đã theo tôi từ tuổi thanh xuân cho đến nay, đã từng với tôi chia sẻ biết bao vui buồn. Ông thân tôi xưa có nhiều ruộng đất và thích đờn ca nên khi tôi mười sáu tuổi ông cho đi học đờn với mong muốn “Học đờn về, đờn cho ba với má nghe”. Tôi học được nửa năm thì theo gánh hát luôn. Ngày ông mất, tôi theo đoàn hát ở Sóc Trăng, nào có hay. Ông luôn nhắc “Thằng Quang đâu không thấy về đờn cho tao nghe vài bản giải buồn?”. Khi tôi về thì mọi việc đã rồi. Tôi hối hận, buồn trút hết tâm sự vào tiếng đờn.
Chuyện tình về cây đờn này như tiểu thuyết. Dạo đó có cô Phấn con của điền chủ ở Cù lao Tân Lộc mê tiếng đờn của ông, bôn ba lên tận Sài Gòn đặt mua cây đờn kìm này đem về tặng ông. Trớ trêu, duyên nợ không thành. Thời gian ông theo cách mạng, cây đờn viễn du khắp nơi, nay thì ông gởi ở nhà này, mốt gởi ở nơi nọ. Nhiều lần bị đạn bom hư hao nhưng ông tìm đủ mọi cách để gia cố. Trải bao thăng trầm, tiếng đờn vẫn còn nguyên vẹn, âm thanh vẫn trong như buổi đầu, không lạc dây, không lỗi điệu. Thường khi có đám tiệc đờn ca lớn ông mới mang cây đờn này ra. Ông nói: “Nay thấy chú em có duyên nên tôi đem ra so dây vài bản cho vui”.
Những ngón tay của ông Chín mềm mại lướt qua từng phím đàn, âm thanh lúc trong lúc đục, khi cao khi thấp, khi trầm khi bổng, khiến lòng tôi chơi vơi. Ông Chín vừa đờn vừa giới thiệu từng bài bản vắn, nào Tây thi, Nam ai, Xuân tình
đến bài bản gốc Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ tài danh Cao Văn Lầu. Tôi như lạc vào thế giới của đờn ca tài tử, lòng bồng bềnh cùng âm thanh dặt dìu của tiếng đờn kìm.
***
Ông Chín chia sẻ:
- Tôi tham gia cách mạng năm 1952, thành lập đoàn văn nghệ phục vụ quần chúng. Trong thời gian đó, tôi đã biên soạn nhiều vở tuồng như: “Huyết lệ trên sông”, “Tình trường khóc hận”, “Máu đổ Phụng Hoàng Cung”, “Đêm xuân khóc tang”, “Nấm mộ không người”. Nay đã về già, đem chút ít hiểu biết trong cổ nhạc truyền dạy đờn cho lớp trẻ.
Từ câu chuyện đờn ca, ông Chín dẫn dắt đến việc đào con kinh Giải Phóng ở quê nhà. Ông kể:
- Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm có câu “giết lầm hơn thả lầm”, nhiều cơ sở của ta bị đánh phá tan rã. Qua năm 1960 ta gầy dựng lại, nhằm phục vụ chiến đấu và đi lại trong điều kiện mới, lãnh đạo Chi bộ Đảng Trường Lạc đề ra kế hoạch đào con kinh từ Trà Luộc tắt qua kinh Đình, đi qua Trái Bầu, Cả Túc, Mương Khai, xã Trường Thành. Tôi lúc đó là Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, chịu trách nhiệm ở địa bàn này. Sau một thời gian vận động, tờ mờ sáng ngày 25 tháng 4 âm lịch năm 1961, hơn 70 người có mặt tại công trình. Cuộc vận động đào kinh bí mật nhưng không hiểu sao giặc nắm được kế hoạch của ta. Khi kinh đào được một phần thì giặc chia làm nhiều mũi tấn công vào. Trà Luộc đi vô, Rạch Tra đi xuống, Trái Bầu, Trà An đổ lên. Phía ta, lực lượng du kích ít ỏi nên không thể ngăn chặn được giặc. Để bảo vệ nhân dân, chỉ kịp chỉ hướng cho bà con trốn chạy. Giặc nhanh chóng chặn đường rút lui của ta về hướng Trường Thành ở giữa bờ kinh Sư Được. Chúng bắt được hơn chục người, trói thúc ké, gom lại bờ đìa gần đó.
Đang kể, ông Chín bỗng dừng lại, ánh mắt phẫn nộ, giọng nghẹn đi:
- Sau khi bắt gom lại, chúng lần lượt dùng dao mổ bụng từng người. Cảnh dã man và ác độc nhứt của giặc lúc ấy là mổ bụng người sống! Những người chết sau cùng là những người đau đớn nhứt. Số người bị giặc giết là mười một người. Hôm ấy tôi may mắn thoát được vì hướng dẫn một số bà con chạy ngược về phía Trà Luộc.
Trong số mười một anh em hy sinh, chín người là dân địa phương, còn hai người kia ở xa mới về. Có anh mới cưới vợ hai hôm, có anh con vừa mới sanh ba ngày. Thương tiếc anh em, ông Chín đặt bài vè để tưởng niệm và cũng để lưu truyền cho người sau biết:
Nghe vẻ nghe ve,
Bà con lắng nghe,
Tôi nói bài vè,
Của Rạch Trà Luộc
Nghị quyết đồng tình,
Đào kinh chống Mỹ,
Bấm tay tính kỹ,
Năm sáu mươi mốt,
Hai năm tháng tư,
Nông dân vui cười,
Cùng nhau xuống dá,
Quân giặc đánh phá,
Vừa lúc canh ba
... Kẹt số chém dè,
Giặc đè mổ bụng,
Con số tính chung,
Là mười một bạn,
Kinh đào còn cạn,
Quyết tử hoàn thành,
Ngày nay thành danh,
Con kinh Giải Phóng.
Con kinh Giải Phóng lúc mới đào bề ngang khoảng bốn mét nhưng qua năm tháng nước chảy xói mòn làm cho kinh rộng ra. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước 1975, con kinh lại mang một sứ mệnh mới, vô cùng quan trọng là dẫn và thoát nước cho hàng trăm héc-ta đất ở khu vực Trà Luộc qua Trái Bầu, Mương Khai của xã Trường Thành. Nhờ có con kinh Giải Phóng dẫn nước, bà con bắt đầu làm lúa ngắn ngày, năng suất tăng lên.
Tiếng đờn kìm của ông Chín vào những buổi chiều bên vàm kinh Giải Phóng như kết nối quá khứ và hiện tại. Ông Chín còn sáng tác bài nói thơ về đời vui ở nông thôn:
Xa thị náo quê.
Vạn bề dân dã.
Lúa đồng vui quá.
Con cá lá rau.
Chiều gió rì rào
***
Ông Chín nay gần bước qua tuổi tám mươi, với nhiều miểng đạn pháo trong mình, là thương binh bốn trên bốn. Thế nhưng ngày ngày, tiếng đờn của ông vẫn vang vọng bên con rạch Trà Luộc. Tiếng đờn của ông Chín từng lúc, từng nơi ẩn hiện kết nối quá khứ, hiện tại và cả tương lai của vùng đất Trà Luộc đang chuyển mình...
Nhật Hồng